Ý thức pháp luật là một trong những vấn đề cơ bản, đa dạng và phức tạp của đời sống xã hội. Ý thức pháp luật xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước và pháp luật, phản ánh trực tiếp các quan hệ kinh tế của xã hội. Nó là sản phẩm của quá trình phát triển của xã hội, chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của các hệ tư tưởng, quan điểm và quan niệm trong xã hội.
Vấn đề ý thức pháp luật được quan tâm nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau như triết học, luật học, xã hội học, tâm lý học… Mặc dù còn những điều phải bàn khi nói đến ý thức pháp luật, nhưng đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng: "Ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội, toàn bộ các tư
24
tưởng, quan điểm của một giai cấp về bản chất và vai trò của pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân, về tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi con người trong xã hội" [15, tr. 588].
Có thể coi ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội là vì theo quan điểm duy vật về lịch sử thì tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. C.Mác viết: "Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ". Ý thức pháp luật được hình thành xuất phát từ những điều kiện kinh tế, vật chất nhất định của xã hội; phản ánh những điều kiện vật chất nhất định và chịu sự chi phối của chính những điều kiện vật chất đó.
Ý thức pháp luật và ý thức xã hội là sự thể hiện mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung. Ý thức xã hội được biểu hiện dưới nhiều hình thái ý thức cụ thể, phản ánh nhiều mặt, nhiều khía cạnh của đời sống xã hội như ý thức chính trị, ý thức pháp luật, đạo đức, ý thức văn hóa, ý thức tôn giáo… Mỗi hình thái ý thức xã hội nêu trên có nguồn gốc chung là đời sống vật chất của xã hội, phản ánh tồn tại xã hội, chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau và tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Ph.Ăngghen viết: "Sự phát triển về mặt chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học nghệ thuật… dựa vào sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả những sự phát triển đó đều tác động lẫn nhau và cũng tác động đến cơ sở kinh tế". Trong thực tế không có học thuyết, tư tưởng nào về chính trị, pháp luật, đạo đức, văn hóa…lại không chịu ảnh hưởng ở một thế giới quan, một phương pháp luận nhất định của một trào lưu triết học nào đấy.
Trong nghiên cứu lý luận cũng như trong thực tế xã hội đã có nhiều quan niệm về ý thức pháp luật, sự khác nhau rõ nhất giữa các quan niệm là hình thức thể hiện và nội hàm của các quan niệm đó.
25
Theo quan niệm thông thường của một số người thì ý thức pháp luật chính là ý thức chấp hành những quy định pháp luật của con người. Vì thế, khi đánh giá ý thức pháp luật của một tập thể, cá nhân nào đó người ta thường so sánh giữa hành vi chấp hành của những đối tượng đó với yêu cầu của những quy định trong văn bản pháp luật để đánh giá ý thức pháp luật cao hay thấp; tốt hay kém của ho. Quan niệm này đồng nhất ý thức pháp luật với một hình thức biểu hiện cụ thể của nó, như vậy sẽ quá hẹp, thiếu toàn diện, chưa thể hiện rõ được bản chất,vai trò năng động, sáng tạo của ý thức pháp luật.
Quan điểm thứ hai thường chỉ đề cập những yếu tố đặc trưng cơ bản nhất như chủ thế, cơ cấu, vai trò của ý thức pháp luật, đồng thời nhấn mạnh cụ thể hóa yếu tố này hoặc yếu tố khác của ý thức pháp luật.
Quan điểm thứ ba đề cập đến cả nguồn gốc, mối liên hệ phổ biến, tất yếu của ý thức pháp luật với đời sống xã hội:
Ý thức pháp luật là một hình thức độc lập tương đối của ý thức xã hội được quyết định bởi các nhu cầu khách quan của sự phát triển xã hội. Nó bao gồm hệ thống các tư tưởng quan điểm và quan niệm của cá nhân hoặc của các giai cấp về pháp luật, pháp chế, trật tự pháp luật và vai trò của chúng trong đời sống xã hội. Khái niệm ý thức pháp luật cũng bao gồm cả cảm giác pháp lý, những tình cảm, xúc cảm và việc đánh giá của con người về các hành vi hợp pháp và hành vi trái pháp luật, đòi hỏi của sự hiểu biết pháp luật và sự cần thiết hoàn thiện hoặc thay đổi pháp luật hiện hành.
Để có nhận thức đầy đủ và toàn diện, có thể rút ra những nội dung cơ bản trong quan niệm về ý thức pháp luật như sau:
26
- Ý thức pháp luật là một trong những hình thái ý thức xã hội, nó có đặc tính, đặc điểm riêng đồng thời cũng có những đặc tính, đặc điểm cơ bản của ý thức xã hội, có sự tương tác với các bộ phận khác trong ý thức xã hội.
- Ý thức pháp luật là sự phản ánh sáng tạo đời sống pháp luật của con người; con người nhận thức, đánh giá và thể hiện thái độ của mình trước các hiện tượng pháp luật. Vì vậy, ý thức pháp luật do đời sống pháp luật xã hội quyết định, nhưng trình độ của ý thức pháp luật phụ thuộc vào các nhân tố chủ quan của con người.
- Nội dung của ý thức pháp luật là những hiểu biết pháp luật và thái độ đối với pháp luật của con người trước đời sống pháp luật xã hội bao gồm các hiện tượng pháp luật chủ yếu như hệ thống pháp luật, hành vi tuân thủ hay chống đối pháp luật, nhận thức về địa vị của con người do pháp luật thừa nhận và bảo vệ, tính công bằng, dân chủ trong các đạo luật, công tác tổ chức thi hành áp dụng pháp luật, bảo vệ pháp luật, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, tình trạng pháp chế…
- Cơ cấu của ý thức pháp luật thể hiện đặc điểm, trình độ, mức độ nhận thức về đời sống pháp luật: nhận thức lý tính như tư tưởng, quan niệm, quan điểm, nhận thức cảm tính như tình cảm, xúc cảm, tâm trạng… của các chủ thể phản ánh như cá nhân, bộ phận hay xã hội.
Như vậy, về khái niệm ý thức pháp luật, có thể sắp xếp và định nghĩa chung như sau:
Ý thức pháp luật là tổng thể các học thuyết, tư tưởng, tình cảm của con người thể hiện thái độ, sự đánh giá về tính công bằng hoặc không công bằng, đúng đắn hoặc không đúng đắn của pháp luật hiện hành, pháp luật trong quá
27
khứ và pháp luật cần phải có, về tính hợp pháp hoặc không hợp pháp trong cách xử sự của con người, trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, xã hội.