7. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Đổi mới phê bình Thơ
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đặc biệt của nền văn học trung đại Việt Nam. Cuộc đời, thân thế của “Bà chúa thơ nôm” cũng như chính những tác phẩm đề tên bà luôn đem tới cho người đọc, nhà nghiên cứu văn học một sự lí giải không thống nhất từ khi nó xuất hiện trên văn đàn cuối thế kỉ XVIII cho tới ngày nay. Những bài thơ đó mang âm hưởng đặc biệt từ chính nền văn hoá dân tộc với những tín ngưỡng văn hoá riêng biệt của người Việt trong mối tương quan tác động từ nền văn hoá Hán, phổ biến trong giới trí thức với giáo lí khắc kỉ diệt dục lúc bấy giờ. Chính vì vậy, người đọc khen cũng hết lời mà chê cũng hết lối. Vấn đề “đa diện” về các lớp nghĩa trong thơ Nôm của Hồ Xuân Hương luôn là một vấn đề gay gắt giữa những người mang tư tưởng thủ cựu và những luồng tư tưởng mới ủng hộ. Có người phê bình đánh giá nó là “thanh”, nhưng có ý kiến mỉa mai, coi nó là “tục”, “dâm”, nên mới có hiện tượng “đố thanh giảng tục” trong thơ Hồ Xuân Hương. Thực chất “thanh” và “tục”, “dâm” hay “không dâm” trong thơ Hồ Xuân Hương, những lời luận bàn đó chỉ đứng trên những lập trường tư tưởng, xã hội khác nhau mà phán xét, chứ chưa có một nhà nghiên cứu nào thực sự đi sâu vào văn bản để “giải mã” các lớp ngôn từ của văn bản để tường minh tư tưởng, chủ đề của nhà thơ gửi gắm trong những sáng tác của mình. Đỗ Đức Hiểu có thể được coi là người đã mở đầu cho một khuynh hướng mới trong tiếp nhận thơ Nôm Hồ
59
Xuân Hương dưới góc nhìn riêng, một cách tiếp cận riêng khá mới, đó là việc vận dụng thi pháp hiện đại để giải mã các tín hiệu trong các văn bản, từ đó đi tới kết luận khoa học. Với bài viết này, Đỗ Đức Hiểu đã gây một tiếng vang lớn trong nghiên cứu văn học lúc bấy giờ, một âm thanh mới về một chủ đề khá cũ, đã có quá nhiều lối mòn, nhưng những người tiếp xúc nó vẫn y nguyên cảm giác mới lạ, ngạc nhiên trước những phát hiện của ông.
Trong bài viết Thế giới thơ nôm Hồ Xuân Hương, Đỗ Đức Hiểu đã tận dụng triệt để những yếu tố đặc trưng thi pháp để tìm hiểu thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Dưới ánh sáng của cấu trúc luận, nhà nghiên cứu ngợi ca sự sáng tạo “Hồ Xuân Hương sáng tạo một phong cách thơ luật Đường mới, một thế giới đời thường thắm tươi, một thiên nhiên tràn đầy sức sống, một triết lí tự nhiên của cuộc đời trần thế, của trực giác, cảm giác, bản năng, của say mê, một cái đẹp góc cạnh và vui tươi của sự vận động hối hả, căng thẳng với những nhịp thơ nhảy múa, những âm thanh vang động, những điệu Vanxơ chóng mặt” [51, tr. 284]
Đối với thơ, theo Đỗ Đức Hiểu đặc trưng cơ bản đầu tiên cấu thành thơ đó chính là tính nhạc, đó là âm thanh, nhạc điệu. Thi pháp hiện đại triệt để tận dụng đặc trưng này, coi là yếu tố tiền đề cấu thành vào việc mã hoá, lí giải những ý tứ mà nhà thơ đem tới cho người đọc thông qua hệ thống “lớp sóng ngôn từ” của văn bản “Thơ là gợi mở. Âm điệu câu thơ là cái gợi mở. Âm điệu câu thơ là cái biểu đạt, ý nghĩa của nó là cái được biểu đạt… nhà thơ càng tài năng, những làn sóng âm vang càng nhiều, càng rộng, có khi không bờ bến, nó vang rộng trong nhiều thế kỉ” [51, tr. 284]. Thơ Hồ Xuân Hương là một minh chứng rõ ràng nhất cho cái âm vang của ngôn từ. Nhà nghiên cứu đã rất tinh tế chú ý tới những câu thơ tập hợp thành thế giới sống động, vang lên, “nhảy múa tung hoành” trong câu chữ ngôn từ. Lớp sóng ngôn từ “nhảy múa” trong thơ Hồ Xuân Hương góp phần thể hiện cái tính cách “phá phách”,
60
“đạp đổ” không cam chịu trước những hoàn cảnh. Ông đã chú ý phát hiện những động từ mạnh trong câu thơ như “đâm”, “xiên”…
Xiên ngang mặt đất… Đâm toạc chân mây…
Tạo nên sắc thái, âm hưởng riêng của thơ Nôm Hồ Xuân Hương còn được hợp thành bời những tính từ chỉ màu sắc như chín mõm mòm, đỏ lòm lom…
Một trái trăng thu chín mõm mòm Nảy vừng quế đỏ, đỏ lòm lòm
Thơ Hồ Xuân Hương tràn trề màu sắc, và hầu như không mấy khi những màu sắc ở độ không, mà đỏ loét, xanh rì, tối om, đỏ lòm lòm, chín mõm mòm… Đỗ Đức Hiểu đã đi sâu vào giải mã các chức năng, vai trò của từ ngữ “Nó có tác dụng chuyển nghĩa, từ cái bình thường sang cái ẩn dụ- cơ thể người phụ nữ” [51, tr. 286]
Thiên nhiên thì như vậy, còn con người thì sao, con người nào thì “giơ tay”, “xoạc cẳng”, những cử chỉ mạnh mẽ, ráo riết, say mê:
“ Người quen cảnh Phật chen chân xọc Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm
Câu từ như được dồn nén, kết tụ với một trực giác, cảm giác mãnh liệt của nữ sĩ “những động từ hoạt động trong thơ Hồ Xuân Hương giữ vị trí đầu não, “vị chúa tể”, nó là cột sống, hòn đá tảng của nhịp thơ: nó có khả năng gây biến động, gây tai biến, bất chợt và hùng hổ” [51, tr. 285]. Chính vì thế, thơ Hồ Xuân Hương là thơ thiên về hành động, không phải thơ tâm tình, thơ trạng thái. Đó là thứ thơ tạo nên một thế giới âm thanh rộn rã, náo động “ tiếng trống canh dồn”, tiếng “mõ khua”, ong “vo ve”, quạt “phì phạch”, sóng vỗ “long bong”, “gió giật”, “gió lách cách”, tiếng tiêu, chũm choẹ, “giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha”…
61
Trong thơ Hồ Xuân Hương còn đầy ắp những sự vật, mỗi sự vật lại khoác lên mình những hình hài khác nhau, mỗi bài thơ như một “công trình kiến trúc nghệ thuật” còn nhà thơ là “nhà kiến trúc”, nhà điêu khắc của “lâu đài âm vang”. Thơ Hồ Xuân Hương rất nhiều dạng hình học, hình tròn:
Vầng trăng khuyết khi tròn… Một trái trăng thu…
Đầu sư tròn trọc lốc… Kẻ lạ bầu tiên….. Đôi gò bồng đảo…..
Khối tình cọ mãi với non sông Mảnh tình một khối thiếp xin mang
Hình ba góc “Chành ra ba góc ra còn thiếu”, hình méo, hình “khòm” (Giữa in hình bánh khuôn còn méo- Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm), rồi “rộng”, “hẹp”, “ngắn”, “dài”, “sâu”, “nông”, “mỏng”, “dày”, “tùm hum”, “lam nham”, “lún phún” các hình thù kì lạ, đủ kích cỡ ấy chuyển động, nó uốn éo (Ba chạc cây xanh hình uốn éo), nó lom khom (Con thuyền vô trạo cúi lom khom), “cúi”, “giang thẳng cánh”, “duỗi song song”. Đỗ Đức Hiểu đã phát hiện những kí hiệu học mang tính biểu cảm cao “Các hình thù ấy động đậy, cựa mình, đâm lên, chọc xuống, tạo nên một không gian động trong một thời gian động” [51, tr. 284]. Từ những phân tích trên, Đỗ Đức Hiểu đã giúp người đọc thấy được cái hay, cái đẹp, sự sáng tạo của nữ sĩ “Hồ Xuân Hương góp tiếng thơ đầy nhạc, biểu đạt sức sống và cái đẹp của cơ thể, của tấm thân và trái tim rất trẻ của người phụ nữ, trong định mệnh đầy cay đắng. Hồ Xuân Hương sáng tạo những cấu trúc ngôn ngữ thơ đầy tài năng, đến nay chưa dễ ai hiểu hết” [51, tr. 292]
Với một phương pháp phê bình khoa học, Đỗ Đức Hiểu đã phân tích, quan sát tinh tế các lớp cấu trúc, cấp độ ngôn từ của văn bản ở nhiều khía
62
cạnh khác nhau, nhằm làm nổi bật chất thơ trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và khát khao giải phóng, khát khao bản năng tự nhiên của người phụ nữ trong xã hội phong kiến giáo điều và khắc kỉ. Bằng tư duy khoa học, với lí luận thi pháp vững chắc, nắm vững những lí thuyết về đặc trưng thể loại kết hợp với cảm xúc tinh tế, Đỗ Đức Hiểu đã thành công trong việc phân tích vẻ đẹp, chất thơ “âm vang, sống động, tài tình” trong thơ Hồ Xuân Hương. Đây có thể coi là một “cuộc cách mạng” trong nghiên cứu và phê bình văn học, khi bước đầu nhà nghiên cứu đã chú ý tới các yếu tố nội tại văn bản, cấu trúc văn bản để đánh giá một tác phẩm văn học.
Với một bài viết không quá dài về thơ Hồ xuân Hương nhưng kĩ lưỡng, tinh tế và công phu, Đỗ Đức Hiểu đã đưa ra một hướng tiếp cận văn chương khá mới lúc bấy giờ, tiếp cận hình thức văn bản tác phẩm. Đỗ Đức Hiểu đã chọn một “hành trình” tiếp cận riêng biệt, đi sâu vào lí giải những tác phẩm trên bình diện ngôn ngữ, đặc trưng thi pháp của tác phẩm như nhạc tính, vần điệu, cấu trúc, kí hiệu…(những yếu tố hình thức của tác phẩm) để tiến tới việc thể hiện tư tưởng giá trị của tác phẩm thông qua hệ thống ngôn từ.
Như vậy, Đỗ Đức Hiểu đã tạo ra một cột mốc mới trong nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam nói chung và đối với thơ Hồ Xuân Hương nói riêng. Đó là sự đổi mới trong tiếp nhận và nghiên cứu phê bình văn học. Không phải là một nhà nghiên cứu về văn học Việt Nam, nhưng với tinh thần yêu văn hoá văn học nước nhà, ông đã để lại cho sự nghiệp nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam những trang viết tài hoa và sáng tạo. Những trang viết thể hiện tư duy khoa học sâu sắc, cùng với đó là khả năng phát hiện tinh tế, thần tình cái hay cái đẹp của ngôn từ. Những trang văn vừa có tinh thần khoa học phương Tây vừa có sự nhuần nhị, tinh tế, kín đáo của phương Đông. Đây có thể là tiếng nói góp phần cổ vũ, động viên những cách tân, sáng tạo trong
63
nghiên cứu văn học, mở đầu cho một thời kì mới trong nghiên cứu và phê bình ở Việt Nam.