2 Thi pháp Thơ

Một phần của tài liệu Sự nghiệp nghiên cứu và phê bình văn học của Đỗ Đức Hiểu (Trang 51)

7. Kết cấu của luận văn

2.1. 2 Thi pháp Thơ

Thơ là hình thái văn học ra đời sớm nhất của loài người. Thơ là một trong ba phương thức phán ánh cuộc sống, cùng với tự sự, kịch, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu. Từ khi nó xuất hiện tới nay, có rất nhiều định

52

nghĩa khác nhau về nó. Nhà thơ Bulgari Blaga Dimitrova viết trong Ngày phán xử cuối cùng “Ôi! nếu tôi biết thơ là gì thì cả đời tôi, tôi chẳng đau khổ thế này”. Và biết bao nhiêu nhà lí luận lỗi lạc trên thế giới và Việt Nam, đã thử định nghĩa thơ “Thơ là tiếng vọng của tâm hồn”, “Thơ thể hiện sâu sắc tâm trạng”, “Thơ là tiếng hát, nhà thơ là người hát rong, hát lên niềm khát khao sống, tình yêu, tự do”…vv còn nhiều định nghĩa khác. Song các định nghĩa truyền thống như vậy không phân biệt thế nào là thơ với văn xuôi, Văn xuôi cũng thể hiện “sâu sắc tâm trạng”, “nói lên niềm khát khao sống”, vv…Phải đợi đến các nhà thi pháp học thế kỉ XX, việc phân định thơ, tiểu thuyết mới thực sự có sức thuyết phục. Theo nhà nghiên cứu người Liên Xô Bakhtin “Thơ là nói độc bạch” (monologique), bài thơ diễn đạt “nỗi oán thán, một niềm vui, một nỗi nhớ mong, một suy tưởng” [51, tr. 48].

Thi pháp miêu tả các phương thức nghệ thuật trong tác phẩm văn học để biểu hiện ý nghĩa của nó. Các phương thức nghệ thuật ấy rất phức tạp đa dạng. Trong sự đa dạng ấy, theo Đỗ Đức Hiểu để hiểu rõ nội hàm và các đặc trưng về thi pháp của thơ, nhà nghiên cứu đã đối chiếu sự khác biệt giữa thơ và văn xuôi (tiểu thuyết). Từ đó ông đi tới việc phân chia thành hai đối tượng nghiên cứu khác biệt là thi pháp thơ và thi pháp văn xuôi (trong thi pháp văn xuôi, thi pháp tiểu thuyết là thể loại chính). Đỗ Đức Hiểu đi tới nhận định về sự khác biệt giữa thơ và văn xuôi “Thơ khác văn xuôi chủ yếu ở nhịp điệu, nhịp điệu là linh hồn của thơ (…) Thơ là chất liệu văn bản được tổ chức bằng nhịp điệu của ngôn từ”[51, tr. 31]. Vì vậy, thơ có khả năng khơi gợi cảm xúc của ngôn từ “Thơ sử dụng nhiều hình ảnh, nhiều từ tương đương, nhiều từ đồng nghĩa… để diễn tả một tâm trạng, một suy tư (giọt lệ, giọt châu, giọt hồng, giọt tủi…để nói nước mắt, sự đau đớn)” [51, tr. 35]. Đỗ Đức Hiểu đã viện dẫn nhận định của một số nhà thi pháp học nổi tiếng trên thế giới về thơ để làm căn cứ cho lập luận của mình, trong đó phải kể tới Jakopson với sơ đồ

53

trục dọc (gọi là hệ biến hoá) và trục ngang (hệ ngữ đoạn), thì trục dọc là Thơ, trục ngang là Tiểu thuyết “trục ngang Tiểu thuyết- còn gọi là trục phối hợp, liền kề, trục của các hoán dụ, trục diễn đạt sự diễn biến của câu chuyện kể, gồm những biến cố kế tiếp nhau” [51, tr. 34-35].

Từ sự phân biệt thơ và văn xuôi, Đỗ Đức Hiểu đi vào tìm hiểu những đặc trưng riêng biệt của thi pháp thơ. Theo nhà nghiên cứu, thơ có những đặc trưng cơ bản sau:

-Cấu trúc: Trùng điệp (âm thanh, nhịp điệu, ngữ nghĩa…) -Kiến trúc đầy âm vang

-Nhiều khoảng trắng trên không gian in thơ -Chất nhạc tràn đầy

Chính từ sự khác biệt này, trên tinh thần của thi pháp học, Đỗ Đức Hiểu đã đưa ra quan điểm của mình về cách đọc và bình thơ “Người đọc thơ, người phê bình thơ khai thác các đặc trưng của thơ và tìm hiểu ý nghĩa biểu đạt của mỗi chi tiết miêu tả, tất cả hợp thành một chỉnh thể cấu trúc ngôn từ và ý nghĩa phong phú” [51, tr. 35]. Với một sự hiểu biết đa dạng, phong phú, nhiều lĩnh vực, cũng như nắm vững những lí thuyết thi pháp thơ, hiểu biết về cấu trúc, kí hiệu học, cùng với các lĩnh vực khác như văn hoá, đạo đức, triết học, tôn giáo…Đỗ Đức Hiểu đã thực hiện một cuộc hành trình trong nghiên cứu và phê bình của mình trên một “địa hạt” mới mẻ, hấp dẫn, đó là văn học Việt Nam. Trong những bài viết ứng dụng thi pháp thơ, mỗi bài viết của ông đều đem tới cho người đọc những phát hiện thú vị “lấp lánh sự sáng tạo”.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp nghiên cứu và phê bình văn học của Đỗ Đức Hiểu (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)