6. Bố cục của luận văn
3.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình
Để xây dựng được những hình tượng chân thực như Giang Minh Sài trong Thời xa vắng, hay Núi trong Sóng ở đáy sông, kể cả những nhân vật xấu xa nhưng rất thật như Châu (Thời xa vắng), Linh Anh (Hai nhà)…Lê Lựu đã sử dụng nhiều biện pháp xây dựng nhân vật độc đáo. Nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu hiện lên rất đầy đặn ở cả chân dung bên ngoài và đời sống nội tâm bên trong. Có những nhân vật được miêu tả tỉ mỉ, có những nhân vật chỉ được phác thảo bằng một vài chi tiết. Nhưng tất cả được hiện lên rất sống động. Sự thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu không phải ở sự mới lạ mà nằm ở khả năng vận dụng kỹ thuật xây dựng nhân vật giàu chất truyền thống. Những sáng tác của Lê Lựu thời kỳ đổi mới tập trung xoáy sâu vào những vấn đề của đời sống cá nhân. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật là một trong những cách tiếp cận làm nổi bật hình tượng nhân vật. Có thể khái quát cách xây dựng nhân vật của Lê Lựu ở hai đặc điểm, đó là xây dựng ngoại hình nhân vật tương xứng với tính cách và nhân vật có ngoại hình không tương xứng với tính cách.
Kiểu nhân vật có ngoại hình tương xứng với tính cách có khi được miêu tả trực tiếp qua điểm nhìn của người trần thuật, có khi được miêu tả gián tiếp thông qua điểm nhìn của các nhân vật khác trong tác phẩm.
Đọc Thời xa vắng hẳn người đọc không thể quên hình ảnh anh nông
dân Sài hiền lành, chất phác. Tính cách này của Sài dường như đi theo anh đến hết cuộc đời, dù cuộc sống của anh trải qua nhiều thay đổi, dù đất nước đang trong chiến tranh hay hòa bình, sống ở nông thôn hay đô thị thì bản tính thật thà của một anh nhà quê chân chất vẫn không hề mất đi. Với Giang Minh
Sài, Lê Lựu không dùng nhiều trang viết miêu tả ngoại hình, nhưng qua những nét đặc tả về nhân vật người đọc vẫn hình dung ra một anh Sài đúng chất nông dân. Sài hiện lên với vẻ đẹp ngoại hình tương xứng với tính cách, đó là một anh thanh niên “đẹp trai, khỏe mạnh, thông minh mà lại hiền”. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì Sài sẽ không có gì đặc biệt mà sẽ dễ bị nhạt nhòa, hòa lẫn với nhiều nhân vật và con người khác. Vì vậy, để nhân vật của mình trở nên đặc biệt và nổi bật, Lê Lựu đã khoác cho Sài “một bộ áo cánh nâu”, cho anh “đội nón” và đi “chân đất” với “một chiếc túi dết đã vá hai
miếng” [26, tr.48] cộng với dáng dấp “tất bật, quê mùa” nữa thì đây đích thị
là một anh nông dân không lẫn vào đâu được. Miêu tả ngoại hình nhân vật không chỉ để người đọc hình dung hay mường tượng về nhân vật đó thế nào, mà tác giả qua đó muốn khắc họa chân dung bên trong của nhân vật. Ngoại hình đó phần nào thể hiện được cuộc đời của một anh nông dân cam chịu nhiều khổ đau, bất hạnh, yếu đuối, không dấu được với “đôi mắt buồn xa xôi…đôi môi dày mím lại lặng lẽ mà vẫn như gợi mọi người phải nhìn vào nó, tìm ở phía trong nó
một cái duyên thầm và bao nhiêu điều sâu xa” [26, tr.173]. Những điều sâu xa
đó được minh chứng qua cuộc đời Sài sau này. Điều đặc biệt của Lê Lựu chính là chỗ đó. Không kể nhiều, tả nhiều nhưng với những nét đặc trưng, ông đã làm nổi bật được đời sống, tính cách nhân vật trước hết qua cách khắc họa ngoại hình nhân vật.
Vẫn với nghệ thuật xây dựng nhân vật qua ngoại hình, Lê Lựu dành nhiều ưu ái cho nhân vật Hương. Ở Hương tác giả không chỉ xây dựng hình ảnh một người phụ nữ có vẻ đẹp tâm hồn mà còn có ngoại hình xinh đẹp. Ngoại hình của Hương hiện lên chủ yếu qua cảm nhận của nhân vật Giang Minh Sài. Khi còn học cấp hai, Sài đã phải tìm cách tránh xa cô vì một lẽ giản đơn: “Cho đến hôm ấy, Sài mới thấy một cô gái đẹp như thế”, đó là vẻ đẹp của một cô gái quê thanh khiết, trong trắng. Lần đầu tiên gặp cô, anh đã
không thể nào quên được cô gái có “cái gáy nõn nà do hai hàng tóc rẽ ra cặp
gọn gẽ thành hai mảng đen mướt trùm xuống hai bờ vai” [26, tr.48]. Trước vẻ
đẹp của Hương, Sài luôn cảm thấy tự ti vì mình “là thằng bé quê mùa đã có vợ” [26, tr.48] nên dù học chung lớp nhưng hầu như chưa lần nào Sài dám nhìn thẳng vào Hương. Nhưng cái ấn tượng về người con gái duyên dáng, xinh đẹp luôn sống mãi trong tâm trí Sài. Với “đôi mắt long lanh lúc nào
cũng như cười, cái miệng với hàm răng rất trắng và đều đặn” mỗi lần Hương
nở nụ cười thì khiến người đối diện không thể nào quên. Vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng, thuần khiết của người con gái đó đã cho thấy một tâm hồn trong sáng, một tình yêu thủy chung nhưng không kém phần mãnh liệt. Có thể nói Hương là hình tượng tiêu biểu của người phụ nữ vừa đẹp người lại đẹp nết, vừa có nhan sắc lại giàu phẩm hạnh. Đặt Hương trong mối quan hệ gắn bó với nhân vật Sài, Lê Lựu càng soi rọi, làm nổi bật bi kịch cuộc đời của nhân vật Sài. Sự đối lập về tính cách của hai nhân vật, một bên là người con gái mạnh mẽ, chung thủy, sẵn sàng làm tất cả để giữ lấy tình yêu, một bên là chàng trai nông dân chất phác, thụ động, thiếu bản lĩnh, không quyết định được hạnh phúc cuộc đời mình nên cuối cùng đánh mất tình yêu đích thực của mình và cả cuộc đời phải hứng chịu thất bại.
Ông Đại trong Sóng ở đáy sông là kiểu nhân vật có tính cách khác người, dị biệt. Để làm nổi bật tính cách đó, Lê Lựu đã miêu tả nhân vật với ngoại hình cũng khá đặt biệt, có thể nói là ấn tượng. Về ngoại hình đó là một “người cao to, hồng hào, không có râu nên rất khó đoán tuổi và không biết lúc nào đang
vui hay đang buồn vì rất ít khi ông nói cười với vợ con” [33, tr.6]. Khuôn mặt
của ông dường như thiếu sự biểu cảm, điều đó khiến người đọc hình dung về một con người khô khan, thiếu tình cảm. Vẫn là khuôn mặt không vui không buồn ấy, trong đám tang người vợ “ông lặng lẽ với những cái bắt tay đều đều, với những lời lẽ rất đều đều trên khuôn mặt không ai biết là buồn hay vui.
Ông không thắm thiết với ai, cũng chẳng ghẻ lạnh với ai” [27, tr.78]. Ông luôn tạo cho mình một ngoại hình chải chuốt, khó ai có thể thấy ông ăn mặc
“nhầu nhĩ, xốc xách, rối bù” bao giờ, và “kể cả ngồi trong hầm trú ẩn, ông
vẫn giữ được đường ngôi trên đầu mượt và thẳng” [27, tr.103]. Miêu tả nhân
vật này, tác giả tập trung diễn tả khuôn mặt, với những nét đặc tả, đó là khuôn mặt khó nắm bắt được cảm xúc. Không ai có thể đoán được những suy nghĩ, hay tình cảm gì qua khuôn mặt ấy. Khắc họa chân dung nhân vật với những nét dị biệt, Lê Lựu đã thành công khi đi sâu làm nổi bật tính cách, bản chất nhẫn tâm, máu lạnh, khô khan, cứng nhắc và vô cảm của con người này.
Như vậy, trong các sáng tác của mình, Lê Lựu đã thành công khi sử dụng ngòi bút miêu tả chân dung bên ngoài để làm nổi bật đời sống nội tâm bên trong của nhân vật. Nhưng bên cạnh những nhân vật có ngoại hình tương xứng với tính cách nhân vật, thì tác giả còn tạo được nét riêng trong những sáng tác của mình thông qua loại nhân vật có ngoại hình không tương xứng với tính cách. Chính sự đối lập giữa bên ngoài và bản chất bên trong đã làm cho nhân vật hiện lên độc đáo hơn và gây ấn tượng mạnh hơn. Lê Minh Hiếu
(Chuyện làng Cuội), Châu (Thời xa vắng), Linh Anh (Hai nhà)… là những
kiểu nhân vật như vậy.
Với Lưu Minh Hiếu, tác giả không tập trung miêu tả nhiều ngoại hình, nhưng chỉ vài nét đặc tả, nhân vật hiện lên khá đặc biệt. Khó ai có thể đoán được cái bản chất thật của con người giả dối, độc ác ấy qua khuôn mặt có duyên, qua nụ cười lúc nào của nở trên môi: “cái miệng rộng và sang. Hàm răng hơi nhô
vừa vừa đủ để làm người có duyên, xởi lởi, không vổ” [24, tr.153]. Ngoại hình
đó trở thành trợ thủ đắc lực để hắn lấy lòng mọi người. Trong mắt mọi người hắn không chỉ tài giỏi mà còn rất vui vẻ, thân tình, hết lòng vì dân làng. Sự nhẫn tâm, giả dối, bản chất bỉ ổi, nham hiểm của hắn ẩn giấu sau cái nụ cười duyên dáng, xởi lởi ấy một cách hoàn hảo, khéo léo. Vì thế hắn đã có những
cú lừa ngoạn mục đối với tất cả mọi người. Với những nét ngoại hình đặc biệt, Lê Lựu đã dần vén bức màn về tính cách nhân vật thông qua sự đối lập về ngoại hình và nội tâm nhân vật.
Viết về những nhân vật có ngoại hình đối lập với tính cách nhân vật, Lê Lựu dành nhiều đất diễn cho những người phụ nữ đẹp nhưng giả dối. Đó là những cô gái thành thị, thuộc tầng lớp tri thức như Châu hay Linh Anh. Họ giống nhau ở lối sống giả dối, buông thả, ở bản tính lăng loàn, mất nết nhưng họ lại được trời phú cho một lớp bọc hoàn hảo, một nhan sắc mĩ miều.
Nếu Hương đẹp ở vẻ đẹp đoan trang, trong sáng, thuần khiết thì Châu lại mang vẻ đẹp sắc sảo, cuốn hút với “đôi mắt lúc nào cũng bốc lên ngọn lửa
ngùn ngụt sức trẻ trung” [26, tr.199], đôi mắt ấy đã hút mất hồn vía của Sài,
khiến anh quên hết tất cả và chỉ muốn đắm chìm trong tình yêu với cô gái
“đẹp như tiên, thông minh và dịu dàng”, có đôi mắt đẹp hút hồn ấy. Với vẻ
đẹp của mình, Châu đã lừa dối và lao vào cuộc tình với biết bao người đàn ông, nhưng có lẽ thành công nhất của cô là khiến Sài u mê trong sự lừa dối ấy và từng bước hủy hoại cuộc sống của một người lính đầy bỡ ngỡ như Sài khi tiếp xúc với cuộc sống thành thị. Bản chất mộc mạc, thật thà của người nông dân như Sài đã hoàn toàn thất bại khi chung sống với cô gái thành thị xinh đẹp nhưng giả dối, hư hỏng như Châu. Sự tan rã của cuộc hôn nhân chông chênh ấy dường như là một tất yếu.
Cũng giống như Châu, Linh Anh cũng được trời phú cho vẻ đẹp cuốn hút, đầy ma lực với “đôi mắt sáng bất kể lúc nào cũng trở thành giông bão, làm cho lật những gã đàn ông si tình như chiếc thuyền nan lênh đênh chìm nổi giữa khơi xa mù mịt. Hai mi mắt dài, đen ẩm ướt của đôi mắt sóng sánh ấy, chỉ cần một cái liếc nhẹ cũng làm tan nát, rụng rời bất cứ kẻ nào mon men
đến trêu đùa, tán tỉnh” [25, tr.103]. Cô còn sở hữu một đặc sản, ấy là “cái má
chỉ hơi nhếch mép lên một chút thì cái lúm đồng tiền đã xoáy tròn lại, nói không ngoa, nó như cái xoáy nước ở sông Cái, tạo nên những hũm rất sâu, có
thể hút hàng trăm người chìm nghỉm cùng một lúc” [25, tr.103]. Nhưng trái
với ngoại hình xinh đẹp ấy lại là một tính cách lăng loàn, hư hỏng. Cô ta sẵn sàng trao thân cho bất cứ người đàn ông nào, kể cả già lẫn trẻ, để rồi ngụy trang bằng vẻ ngoài hoàn hảo lừa dối chồng mình. Hai đứa con, kết quả của những ngày tháng ăn chơi sa đọa, những cuộc tình vụng trộm sau lưng chồng. Cái khuôn miệng xinh đẹp, duyên dáng ấy là nguồn gốc của những lời nói thất học, giả dối.
Miêu tả đối lập gay gắt giữa vẻ đẹp bên ngoài và bản chất nội tâm bên trong khi viết về những người phụ nữ như Châu hay Linh Anh có thể gây ấn tượng mạnh đối với người đọc khi khám phá tác phẩm. Nhưng với một cách nhìn nhận khác, đây cũng là hạn chế trong đánh giá con người của nhà văn. Ở đây, cảm xúc chủ quan thái quá đã chi phối cách miêu tả nhân vật của Lê Lựu. Nhưng điều đó vẫn không làm mất đi giá trị của tác phẩm, bởi những đứa con tinh thần ấy đã đứng vững trong lòng người đọc bởi một thế giới nội tâm có chiều sâu và rất sắc sảo.