Nhân vật trong tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới (Trang 33)

6. Bố cục của luận văn

2.1.2.Nhân vật trong tiểu thuyết

Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng (Tấm, Cám, chị Dậu, anh Pha), cũng có thể không có tên riêng như

thằng bán tơ, một mụ nào…Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng

như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả, mà chỉ là một hiện tượng nào đó trong tác phẩm. Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát tính cách của con người. Vì tính cách là kết tinh của môi trường, nên nhân vật văn học là người dẫn dắt độc giả vào các môi trường khác nhau của cuộc sống.

Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Vì thế nhân vật luôn gắn với chủ đề của tác phẩm. Nhân vật văn học được miêu tả qua những biến cố, xung đột, mâu thuẫn và mọi chi tiết các loại. Đó là mâu thuẫn nội tâm của nhân vật, mâu

thuẫn giữa nhân vật này với nhân vật kia, giữa tuyến nhân vật này với nhân vật khác. Cho nên nhân vật luôn gắn liền với cốt truyện.

Ta có thể hiểu một cách khái quát, nhân vật văn học là nhân vật trong tác phẩm văn học được nhà văn xây dựng với những nét tính cách tiêu biểu và đời sống nội tâm phong phú. Nhân vật văn học hiện lên trong tác phẩm vừa là những con người văn học để qua đó nhà văn thể hiện và chuyển tải ý đồ nghệ thuật, vừa là những con người chân thực như con người thật của cuộc đời. Nhân vật văn học vì thế bao giờ cũng là nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

Vấn đề nhân vật là vấn đề hàng đầu quyết định diện mạo một nền văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Ở tiểu thuyết nhân vật hầu như luôn được nhà văn miêu tả tỉ mỉ từ ngoại hình đến đời sống nội tâm. Vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết cũng vô cùng quan trọng: “Vấn đề trung tâm của nghệ thuật viết tiểu thuyết là miêu tả con người và con đường đi của họ trong xã hội. Người viết tiểu thuyết nghĩ mọi vấn đề phải thông qua nhân vật, xuất phát từ nhân vật hơn là từ sự việc. Một cuốn tiểu thuyết có đứng được hay không là ở chỗ

nó có tạo ra được những nhân vật làm cho bạn đọc nhớ được hay không

(Nguyễn Đình Thi) [13]. Vì thế việc nhận diện nhân vật văn học, đặc biệt là nhân vật tiểu thuyết luôn là công việc quan trọng của công tác nghiên cứu, phê bình văn học. Nghiên cứu nhân vật, chính là nghiên cứu cách nhà văn nhìn nhận, cắt nghĩa, lý giải về con người như thế nào và bằng cách nào trong tác phẩm của mình, “nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới

riêng của đời sống trong một thời kì lịch sử nhất định” [32, tr.126]. Người ta

sẽ tìm thấy bộ mặt đầy đủ của con người trong các nhân vật của tiểu thuyết. Nếu trong tiểu thuyết, ngoài nhân vật còn có gì khác nữa, thì nhân vật cũng

vừa là cơ thể vừa là linh hồn. Nhân vật trong tiểu thuyết không hề xa lạ mà được đặt trong những mối quan hệ cụ thể, đời thường. Nó không gì khác hơn chính là hình ảnh của con người đời thường với những nỗi niềm suy tư, trăn trở được phản chiếu thông qua lăng kính văn học. Những nhân vật tiểu thuyết thường không nguyên phiến, một chiều mà nó lại hiện lên với tất cả sự phong phú, sâu sắc, nó không chỉ có một tính cách duy nhất mà nó có thể mang trong mình tất cả những đức tính tốt xấu đời thường như những con người thật của cuộc đời.

Nhìn một cách khái quát, ta có thể thấy trước năm 1975, nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam bị chi phối bởi khuynh hướng sử thi và được xây dựng theo nguyên tắc phân tuyến thiện - ác, ta - địch, tốt - xấu… rạch ròi. Về cơ bản, nhân vật được xây dựng nhằm thực hiện chức năng xã hội nhất định. Những sáng tác của Lê Lựu trong giai đoạn này cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Trước đổi mới, Lê Lựu tập trung khắc họa nhân vật theo mô hình con người tích cực của cộng đồng. Ông đặc biệt dành ưu ái cho hình tượng người chiến sĩ.

Sau 1975, nhất là sau năm 1986, thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam có nhiều thay đổi. Nhân vật không nằm trong thể khép kín và được định sẵn về số phận như trước nữa mà luôn mang tính bất ngờ, không thể dự báo. Nhân vật nhiều khi xuất hiện như một trạng thái đời sống, một dòng chảy tư tưởng, một tiếng nói, một cách nhìn. Trong giai đoạn này nó được thể hiện một cách sinh động, sâu sắc, có chiều sâu, thoát khỏi cái nhìn khô cứng, một chiều, đơn tuyến trước đây. Không nằm ngoài đặc điểm ấy, qua việc xây dựng những hình tượng nhân vật đặc sắc, sáng tác của Lê Lựu thời kỳ này đã thực sự thể hiện cái nhìn nhân bản và sâu sắc nhất về con người với một niềm day dứt khôn nguôi. Đến đây, ông thực sự xứng đáng là “nhà văn của tính cách, của số phận con người”.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới (Trang 33)