Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Tự chủ về tài chính tại trường Đại học Thương mại (Trang 87)

5. Kết cấu của luận văn

3.2.2 Hạn chế và nguyên nhân

Thứ nhất, Hạn chế về nhận thức, tư tưởng

Công chức viên chức nhà trường chưa thực sự hiểu và có trách nhiệm cao trong công tác tìm kiếm, khai thác, bồi dưỡng nguồn thu, tiết kiệm chi. Phần lớn người lao động còn tâm lý ỷ lại trông chờ vào nguồn kinh phí NSNN cấp, trong sử dụng tài sản vẫn còn thói quen lãng phí của công, cha chung không ai khóc. Hạn chế này có nguyên nhân bắt nguồn từ công tác tuyên truyền, giáo dục của trường về nội dung nghị định số 43/2006/NĐ- CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho công chức, viên chức, người lao động chưa đầy đủ, thường xuyên và có hiệu quả.

Thứ hai, Hạn chế về khai thác nguồn thu sản xuất, dịch vụ

Khi phân tích về cơ cấu nguồn thu của nhà trường tác giả nhận thấy nguồn thu từ hoạt động sản xuất và cung ứng dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp nhất trong tổng thu. Điều đó chứng tỏ nhà trường chưa thực sự quan tâm khai thác nguồn thu này, chưa tạo ra cơ chế thuận lợi, thông thoáng để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư nâng cao hiệu quả, tận thu các nguồn tài chính.

Thứ ba, Hạn chế trong ban hành văn bản quản lý

Mặc dù đã ban hành một số văn bản quản lý thu chi nhưng vẫn chưa bao trùm hết các hoạt động tài chính của trường, Quy chế chi tiêu nội bộ chưa thực sự bám sát mọi hoạt động của trường, một số định mức trong Quy chế chi tiêu nội bộ còn chưa hợp lý như định mức thanh toán giờ giảng vượt định mức thường chậm so với văn bản hướng dẫn và lạc hậu. Cơ chế quản lý nguồn lực tài chính trong hoạt động liên kết đào tạo phi chính quy, mức thu học phí thấp (theo quy định) mà phần để lại cho đối tác nhiều (25%/số thực thu) gây thiệt hại cho trường. Cơ chế quản lý nguồn thu học phí trực tiếp tại trường cũng phân làm 2 cấp làm gia tăng công việc

và gia tăng chi phí, đồng thời gây chậm trễ cho công tác quyết toán. Cơ chế quản lý hoạt động dịch vụ còn chưa phù hợp làm cho hoạt động này kém hiệu quả.

Thứ tư, Những hạn chế khác

Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của trường ĐHTM nhìn chung còn chậm, chưa có bước chuyển biến có tính đột phá, việc tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công, giữa cơ quan quản lý nhà nước với đơn vị sự nghiệp còn chưa rõ ràng, hiệu quả, do việc ban hành cơ chế chính sách triển khai thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp chậm, chưa đồng bộ, cụ thể:

- Một số Bộ, Ngành quản lý ngành, lĩnh vực chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Ngành theo quy định tại khoản 4 điều 5 và khoản 7 điều 8 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ; do đó chưa đồng bộ với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

- Tự chủ về bộ máy: Theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; tuy nhiên thực tế các đơn vị chưa được tự quyết định biên chế, số biên chế do lịch sử để lại làm cho bộ máy cồng kềnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, nhưng không tinh giản được, một số công việc chỉ cần ký hợp đồng thuê, không cần thiết bố trí biên chế thường xuyên nhưng trường vẫn phải duy trì biên chế thường xuyên cho đến khi có thể giải quyết chế độ cho số lao động này theo quy định .

- Một số chính sách là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp (như chế độ học phí…); cũng như nhiều định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành đã lạc hậu hoặc còn thiếu (định mức giờ giảng, định mức biên chế theo lĩnh vực, theo ngành, nghề…) chưa được ban hành hoặc sửa đổi kịp thời, nên hạn chế tính tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp.

- Việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng hoạt động sự nghiệp của đơn vị khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn nhiều lúng túng, chưa có hệ thống đánh giá kết quả hoạt động thích hợp với đặc thù của từng ngành.

- Việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên (đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí và đơn vị do NSNN bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động) còn mang tính bình quân, trên cơ sở nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và khả năng NSNN, chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí, nên còn tình trạng trông chờ, ỉ lại vào sự bao cấp của nhà nước và cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình đẩy nhanh xã hội hóa đối với những dịch vụ công.

Một phần của tài liệu Tự chủ về tài chính tại trường Đại học Thương mại (Trang 87)