Về thị phần và cách tính thị phần:

Một phần của tài liệu So sánh pháp luật về điều khoản hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của Liên minh Châu Âu và Việt Nam (Trang 46)

Bên cạnh khái niệm thị trường liên quan thì khái niệm “thị phần” cũng là một trong những khái niệm cốt lõi trong việc điều chỉnh và áp dụng luật cạnh tranh. Thị phần chính là thước đo để đánh giá thỏa thuận HCCT của các bên có thực sự tác động xấu tới nền kinh tế nói chung hay không. Vì vậy, việc xác định cách tính toán thị phần rất quan trọng và cần được luật hóa trên cơ sở các tính toán của kinh tế học. Theo pháp luật Việt Nam thị phần của doanh nghiệp đối với một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định là tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm và được tính toán dựa trên các quy định liên quan đến các chuẩn mực kế toán Việt Nam. Ngoài ra, đối với một số lĩnh vực đặc thù, pháp luật Việt Nam còn quy định cách tính thị phần cụ thể hơn để áp dụng, như tính thị phần của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng và nhóm doanh nghiệp liên kết trực tiếp về tổ chức và tài chính. Còn theo pháp luật EU, cụ thể theo Nghị định 772/2004, thị phần sẽ được tính toán dựa trên cơ sở số liệu giá trị doanh số bán ra của thị trường, nếu giá trị bán không có, thị phần sẽ được ước tính dựa trên các thông tin thị trường có giá trị, bao gồm cả số lượng bán ra của thị trường. Thị phần sẽ được tính toán dựa trên cơ sở số liệu của năm dương lịch trước đó. Điểm đặc biệt là thị phần của bên giao sẽ được tính trên cơ sở kết hợp thị phần trên thị trường sản phẩm liên quan của bên giao và các bên nhận của bên giao đó. Cách tính thị phần này của pháp luật EU thật sự phù hợp với tính chất chuyển giao công

nghệ khi một bên có thể chuyển giao cùng một công nghệ để sản xuất ra cùng một loại sản phẩm cho nhiều bên nhận khác nhau. Vì vậy, thị phần của bên giao trong một hợp đồng cụ thể phải được tính trên cơ sở thị phần của bên giao và các bên nhận khác của bên giao đó trong thị trường sản phẩm liên quan. Cách tính này mới đánh giá chính xác sức mạnh thị trường cũng như khả năng ảnh hưởng đến HCCT của các bên trong một hợp đồng chuyển giao công nghệ nhất định. Đối với việc tính thị phần trên thị trường công nghệ liên quan, Ủy ban châu Âu đưa ra hướng dẫn như sau. Đối với thị trường công nghệ, cách tính toán thị phần sẽ dựa trên phần của mỗi công nghệ trong tổng số thu nhập từ phí chuyển giao. Tuy nhiên, biện pháp này được cho là chỉ mang tính lý thuyết mà không có tính thực tế cao do thường thiếu thông tin về phí chuyển giao. Do đó, một lựa chọn khác được nêu tại Điều 3(3) của Nghị định 772/2004 là tính thị phần trên thị trường công nghệ trên cơ sở doanh số bán ra của sản phẩm được sản xuất từ công nghệ được chuyển giao. Có thể thấy, các quy định về cách tính thị phần của pháp luật cạnh tranh Việt Nam cũng có nét tương đồng với cách tính của pháp luật cạnh tranh EU. Rõ ràng là khi xây dựng những quy phạm điều chỉnh các thỏa thuận HCCT trong các hợp đồng có liên quan đến quyền SHTT, Việt Nam nên học tập các quy định của EU trong việc xác định thị phần của bên giao trong các hợp đồng này.

Một phần của tài liệu So sánh pháp luật về điều khoản hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của Liên minh Châu Âu và Việt Nam (Trang 46)