WIPO, tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới được thành lập năm 1967, trải qua hơn 40 năm phát triển, hiện nay WIPO đã có 185 thành viên, hoạt động tích cực và đóng góp vào việc tạo nền tảng quốc tế bảo vệ các quyền SHTT. Trên website chính thức của mình, WIPO đã khẳng định: “Sứ mệnh của WIPO là khuyến khích phát minh và sáng tạo cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và văn hóa của tất cả các quốc gia trên cơ sở một hệ thống sở hữu trí tuệ quốc tế cân bằng và hiệu quả”. Các vấn đề về sở hữu trí tuệ và cạnh tranh cũng được WIPO thực sự quan tâm. Bởi, như đã nêu trong mục đích hoạt động của mình, việc khuyến khích các phát minh, sáng tạo là nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội trên cơ sở của một hệ thống cân bằng. Nhận thức được sự quan trọng của việc cân bằng giữa việc sử dụng các quyền SHTT và sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh, WIPO đã có 1 Dự án về sở hữu trí tuệ và chính sách cạnh tranh (WIPO project on intellectual property
and competition policy). Dự án này nhằm mục đích phát triển, hoàn thiện các biện pháp hỗ trợ các nước giải quyết các vấn đề SHTT liên quan đến hành vi HCCT bằng cách cung cấp các hợp tác kỹ thuật cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển theo yêu cầu để các nước này hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa SHTT và chính sách cạnh tranh. Bên cạnh đó, dự án cũng quan tâm đến việc làm thế nào để phát triển các hoạt động chuyển giao quyền SHTT khuyến khích cạnh tranh, đặc biệt là để phát triển sáng tạo, sáng chế và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển và kém phát triển. Dự án cũng là cơ hội để các thành viên WIPO có cơ hội trao đổi kinh nghiệm quốc gia và khu vực về mối liên quan giữa quyền SHTT và chính sách cạnh tranh. Với tư cách là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc trong việc khuyến khích phát triển các tài sản trí tuệ, WIPO không đưa ra những quy định mang tính bắt buộc cho các thành viên mà chỉ đưa ra các hỗ trợ, xây dựng các mạng lưới để phát triển các vấn đề về quyền SHTT cho các thành viên. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng như hỗ trợ của WIPO lại đóng góp phần quan trọng vào việc xây dựng pháp luật cũng như thực hiện pháp luật của các nước thành viên. WIPO cũng hết sức quan tâm đến mối quan hệ giữa cạnh tranh và SHTT. Trong các tài liệu đã công bố, có thể thấy quan điểm của WIPO về vấn đề này như sau.
Mối quan hệ giữa hệ thống SHTT và chính sách cạnh tranh càng ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thể vì các quyền SHTT đã trở nên vô cùng quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Một lĩnh vực chủ yếu trong mối quan hệ giữa hệ thống SHTT và chính sách cạnh tranh là vấn đề liên quan đến các hợp đồng li-xăng giữa các chủ thể tư nhân. Li-xăng là một cơ chế để chủ sở hữu quyền SHTT cho phép người khác sử dụng quyền SHTT của mình theo các điều khoản và điều kiện đã thống nhất. Hợp đồng Li-xăng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích và là công cụ hữu hiệu đối với quá trình
chuyển giao, phổ biến công nghệ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp cụ thể, hợp đồng li-xăng có thể có những HCCT ảnh hưởng đến thị trường và nhiều quốc gia đã phát triển được cơ chế để giải quyết vấn đề này.