Theo nghĩa chung nhất, thuật ngữ “bài tập” dùng để chỉ một loạt hoạt động nhằm rèn luyện thể chất và tinh thần (trí tuệ).
Trong giáo dục, theo “Từ điển Tiếng Việt” do GS. Hoàng Phê chủ biên, thuật ngữ “bài tập” có nghĩa là “bài ra cho học sinh làm để vận dụng những điều đã học”. Theo Thái Duy Tuyên “bài tập là một hệ thông tin xác định bao gồm những điều kiện và những yêu cầu được đưa ra trong quá trình dạy học, đòi hỏi người học một lời giải đáp, mà lời giải đáp này về toàn bộ hoặc từng phần không ở trạng thái có sẵn của người giải tại thời điểm mà bài tập được đặt ra”.
Về mặt lí luận dạy học Hóa học, bài tập bao gồm cả câu hỏi và bài toán mà khi hoàn thành chúng HS nắm được hay hoàn thiện một tri thức hay một kĩ năng nào đó, bằng cách trả lời miệng hay trả lời viết kèm theo thực nghiệm. Ở nước ta, sách giáo khoa và sách tham khảo hay các sách điện tử…, thuật ngữ “bài tập” được dùng theo quan niệm này. Câu hỏi - đó là những bài làm mà khi hoàn thành chúng, HS phải tiến hành một loạt hoạt động tái hiện. Hình thức sử dụng các câu hỏi đó có thể là bằng lời, bằng các phiếu học tập hay bằng máy chiếu. Nội dung câu hỏi có thể về kiến thức cơ bản, hoặc để rèn luyện kĩ năng hay về thực hành thí nghiệm. Trong các câu hỏi, GV thường yêu cầu HS phải nhớ lại nội dung các định luật, các quy tắc, định nghĩa, các khái niệm, trình bày lại một mục trong sách giáo khoa hoặc các câu hỏi mang tính chất gợi ý, nêu vấn đề câu hỏi còn mang tính chất củng cố nhằm khắc sâu kiến thức cho HS. Bài toán – đó là những bài làm mà khi hoàn thành chúng, HS phải tiến hành một loạt hoạt động sáng tạo. Hình thức sử dụng của bài toán thường được viết lên bảng hoặc được in thành các tài liệu. Thông thường, bài toán được phân thành hai loại chính, đó là bài toán định lượng và bài toán định tính.
Mục đích chính của việc sử dụng câu hỏi và bài toán mà một GV cần đạt tới đó là giúp HS nắm vững hay hoàn thiện một tri thức hoặc một kĩ năng. Tóm lại, bài tập hóa học được xem như là một phương tiện dạy học then chốt trong quá trình dạy học Hóa học, dùng bài tập trong quá trình hình thành kiến thức, khai thác kiến thức, phát triển tư duy, hình thành kĩ năng, kĩ xảo cho người học và kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập… Như vậy, có thể xem bài tập là một “vũ khí” sắc bén cho GV, HS trong quá trình dạy học và sử dụng bài tập là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, và nâng cao kết quả học tập cho HS.