Nghĩa bảo vệ quyền của người khuyết tật

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 36)

1.2.4.1. Đối với người khuyết tật

Xã hội ngày càng phát triển, ý thức người dân ngày càng được nâng cao và vấn đề quyền con người nói chung, quyền của người khuyết tật nói riêng ngày càng được coi trọng. Đối với người khuyết tật, việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi tham gia vào các quan hệ lao động càng trở nên cấp thiết.

31

Trước hết, để đảm bảo nhu cầu thu nhập và đời sống của bản thân và gia đình mình, người khuyết tật cần được bảo vệ về quyền lao động. Họ cần tìm được công việc ổn định, thu nhập đảm bảo và cơ hội phát triển nghề nghiệp và trên hết là không bị phân biệt đối xử trong công việc đó. Người khuyết tật khi tham gia quan hệ lao động vốn đã chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các lao động bình thường khác, bên cạnh đó trong mối quan hệ với NSDLĐ họ luôn ở vào vị trí yếu hơn, do đó các quyền lợi của họ có nhiều nguy cơ bị xâm phạm khi NSDLĐ lạm dụng vị trí của mình. Người khuyết tật chỉ yên tâm làm việc khi quyền lợi của họ được đảm bảo bởi pháp luật và những người thực thi. Bảo vệ quyền của người khuyết tật cũng chính là bảo vệ nguồn lực lao động cần thiết cho xã hội. Trong Lời nói đầu của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật 2006 cũng khẳng định:

Thừa nhận rằng người khuyết tật đang và sẽ đóng góp đáng kể cho phúc lợi chung và sự đa dạng của cộng đồng quanh họ, và thừa nhận rằng người khuyết tật càng hưởng trọn vẹn các quyền và tự do cơ bản của con người và càng tham gia hoàn toàn vào xã hội thì họ càng có ý thức gắn bó, điều đó mang lại tiến bộ đáng kể cho sự phát triển xã hội về các mặt kinh tế, xã hội và nhân văn, cũng như cho công cuộc xoá đói giảm nghèo [38].

Thực tế đã chứng minh nhiều trường hợp điển hình về người khuyết tật vươn lên làm chủ vận mệnh của mình: Cậu bé Nobuyuki Tsujii bị mù bẩm sinh nhưng với tài năng của mình, cậu bé đã đưa vinh quang về cho đất nước mặt trời mọc khi liên tiếp giành được các giải thưởng trong các cuộc thi piano quốc tế. Nobuyuki Tsuji được báo chí Nhật Bản ví là “hiện thân của phép màu thượng đế”. Những người khuyết tật vẫn tham gia hoạt động kinh tế - xã hội và họ đã có những đóng góp to lớn cho quá trình phát triển của nhân loại điển hình như nhạc sỹ thiên tài Beethoven bị khiếm thính nhưng vẫn để lại cho đời những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời. Giáo sư Stephen Hawking bị khuyết tật mắc bệnh thần kinh khiến ông gần như mất hết khả năng cử động, sau đó ông phải phẫu thuật cắt khí quản và không thể nói chuyện bình thường. Ông phải ngồi xe lăn và chỉ có thể nói được qua một thiết bị tổng hợp

32

gắn với một máy tính mà ông gõ chữ vào đó. Hawking hiện nay đang là Giáo sư Lucasian, chức danh giành cho giáo sư Toán học trường đại học Cambridge, Mỹ [57]. Hay tấm gương nghị lực phi thường chiến thắng số phận nghiệt ngã để trở thành nhà truyền đạo nổi tiếng thế giới của cậu bé không tay, không chân Nick Vucijic đã truyền cảm hứng và động lực phấn đấu cho biết bao mảnh đời bất hạnh giống anh trên khắp hành tinh. Đó là những bằng chứng sống về thành công không giới hạn của những người khuyết tật một khi họ được pháp luật bảo vệ và tạo điều kiện để phát huy hết khả năng tiềm ẩn trong con người.

1.2.4.2. Đối với người sử dụng lao động

Tôn trọng và bảo đảm các quyền của người khuyết tật trong quan hệ lao động là nghĩa vụ và trách nhiệm của NSDLĐ. NSDLĐ muốn đạt được mục đích lợi nhuận của mình khi thiết lập quan hệ lao động thì phải đảm bảo được các quyền lợi chính đáng của NLĐ, trong đó có người khuyết tật. Bởi lẽ người khuyết tật chính là một bộ phận không nhỏ nguồn lực lao động trong xã hội. Bản thân họ là những người chịu nhiều thiệt thòi nên nếu có cơ hội và động lực, họ sẽ phấn đấu để đạt được những thành quả to lớn mà không phải người bình thường nào cũng làm được. Một khi quyền của người khuyết tật được bảo vệ họ sẽ cảm thấy gắn bó với công việc, với doanh nghiệp, làm việc với ý thức tự nguyện và tình yêu, sự đam mê công việc. Hệ quả là năng suất lao động được nâng cao, sản phẩm tạo ra có chất lượng và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp phát triển không ngừng. Vì vậy,tận dụng được nguồn lực này sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của NSDLĐ [54].

Bên cạnh đó, bảo vệ tốt các quyền của người khuyết tật trong quan hệ lao động đồng nghĩa với việc tiết kiệm các chi phí không cần thiết cho NSDLĐ như chi phí tuyển dụng, đào tạo lao động mới, chi phí khắc phục các hậu quả về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chi phí bồi thường cho người khuyết tật bị xâm hại, chi phí giải quyết tranh chấp lao động, chi phí bị xử lý vi phạm hành chính… Những chi phí này có thể rất lớn. Ngoài ra việc sản xuất cũng có thể bị đình trệ bởi thời gian dành cho việc giải quyết các hậu quả của việc vi phạm quyền lợi của người khuyết tật gây ra. Sản xuất đình trệ sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho NSDLĐ.

33

Bảo vệ tốt các quyền của người khuyết tật còn giúp nâng cao uy tín, tên tuổi của doanh nghiệp và NSDLĐ. Để có được uy tín, ngoài thực hiện các công tác xã hội như làm từ thiện, đóng góp, gây quỹ… hay thực hiện quảng cáo, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, chú trọng vào việc bảo vệ quyền của người khuyết tật trong doanh nghiệp cũng là một cách để NSLĐ nâng cao uy tín của mình, dành được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước, các tổ chức xã hội. Những doanh nghiệp có hành vi vi phạm đến quyền lợi của người khuyết tật sẽ bị dư luận đánh giá, thậm chí còn có thể bị tẩy chay những sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đó cung cấp. Đặc biệt khi xã hội ngày càng văn minh, xu thế toàn cầu hóa ngày càng phát triển, vấn đề bảo vệ quyền của người khuyết tật trong quan hệ lao động đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng giúp các doanh nghiệp gia nhập vào các thị trường khó tính của các nước phát triển trên thế giới.

Tóm lại, bảo vệ quyền của người khuyết tật trong quan hệ lao động cũng

chính là NSDLĐ đang bảo vệ các lợi ích của chính mình.

1.2.4.3. Đối với nhà nước và xã hội

Thứ nhất, bảo vệ quyền của người khuyết tật cũng chính là bảo vệ sự ổn định

và phát triển các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội. Khi các quyền của người khuyết tật được đảm bảo, họ sẽ yên tâm lao động. Nền sản xuất sẽ phát triển, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - nguồn lực chính duy trì bộ máy Nhà nước và xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền của đất nước. Thực tế đã cho thấy, ở những quốc gia mà đời sống vật chất và tinh thần của con người nói chung và người khuyết tật không được đảm bảo, có sự bất bình đẳng, thì họ sẽ không có thời gian để xây dựng đời sống tinh thần của mình và nền chính trị ở những xã hội đó càng trở nên bất ổn, bạo động tăng cao, biểu tình, chống phá chính quyền, an ninh và trật tự xã hội bị phá vỡ, các tệ nạn xã hội phát triển. Và một khi nền chính trị của xã hội đã mất kiểm soát thì các yếu tố khác của xã hội càng không có cơ sở để được bảo vệ và phát triển.

Sự phát triển kinh tế, phát triển khoa học công nghệ là tiền đề vật chất, kỹ thuật cho sự hòa nhập, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật. Nhưng bản thân sự phát triển kinh tế không tự động đem cơ hội bình đẳng đến cho họ nếu như xã

34

hội chưa có nhận thức đúng đắn cũng như chưa có hành động cụ thể để biến sức mạnh kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tạo điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật. Việc thừa nhận và thể chế hóa vấn đề bảo vệ quyền của người khuyết tật thành các quy định của pháp luật mang tính bắt buộc cao đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức vai trò, khả năng hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật. Từ nhận thức đó, các tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ người khuyết tật không chỉ khắc phục những khó khăn trước mắt mà còn giúp họ các điều kiện cần thiết để thực hiện sự bình đẳng về nghĩa vụ và trách nhiệm như các công dân khác trong xã hội.

Thứ hai, bảo vệ quyền của người khuyết tật cũng là một cách thức để khẳng

định vị trí của quốc gia trên thế giới. Khi quyền của người khuyết tật trong một đất nước được bảo đảm, quốc tế sẽ có cái nhìn khác về đất nước đó, đất nước đó sẽ có vị trí và tiếng nói của mình trên trường quốc tế. Các quan hệ ngoại giao và kinh tế sẽ được thiết lập một cách dễ dàng và quốc gia đó sẽ có điều kiện học hỏi kinh nghiệm của các đất nước, xã hội tiến bộ văn minh khác nơi mà các quyền lợi cơ bản của con người nói chung và người khuyết tật nói riêng được đề cao và bảo vệ bằng cả pháp luật và ý thức của chính con người.

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 36)