LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRONG DOANH NGHIỆP
1.2.4. Đầu tư vào hoạt động Marketing và tài sản vô hình khác
* Đầu tư vào hoạt động Marketing
Doanh nghiệp muốn cạnh tranh thắng lợi thì marketing được cho rằng là chức năng then chốt quyết định sự thành công của doanh nghiệp: nhờ có marketing dự báo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, dự tính các hành động cho doanh nghiệp, hỗ trợ bán hàng thông qua quảng cáo, khuyến mại,… Muốn vậy đòi hỏi phải:
+ Xác định rõ hướng đi: Doanh nghiệp phải suy tính kỹ trước khi quyết định có nên cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp lớn hay không, nếu cảm thấy không có đủ nội lực thì chuyển hướng khác.
+ Xác định thời gian đi: Nếu doanh nghiệp đã xác định được hướng đi và nếu không phạm sai lầm nào về kế hoạch tiếp thị cộng với một chút may mắn thì doanh nghiệp sẽ có được thị phần.
+ Phạm vi triển khai: Doanh nghiệp nên lựa chọn phương án triển khai trên phạm vi nào thì cần phải cân nhắc rõ ràng.
+ Hiểu người tiêu dùng: Tiến hành nghiên cứu thị trường để am hiểu sâu sắc người tiêu dùng để thiết kế sản phẩm phù hợp với họ và khác biệt với đối thủ, cụ thể:
+ Hệ thống phân phối mạnh; + Bao bì bắt mắt và hoàn hảo; + Chất lượng sản phẩm hoàn hảo; + Can đảm và kiên trì;
* Đầu tư vào tài sản vô hình khác
Tài sản vô hình là những tài sản không mang hình thái cụ thể, chúng ta không thể cầm nắm được. Nó không thể nhìn thấy được, cảm nhận được bằng mùi vị, màu sắc nhưng chúng ta có thể cảm nhận nó bằng trực giác của mình. Nó mang lại những giá trị khác với giá trị sử dụng thông thường. Dường như giá trị của nó gắn cùng với những yếu tố thuộc về tâm lý, vì vậy giá trị của nó cũng do yếu tố tâm lý chi phối phần nào.
Đầu tư vào tài sản vô hình là hành động bỏ vốn để nâng cao năng lực, giá trị vai trò của tài sản vô hình đối với công ty như thương hiệu, các mối quan hệ, những công nghệ, bí quyết mới bằng cách quảng cáo, mở rộng phạm vi ảnh hưởng, mua lại bản quyền hay tự nghiên cứu, sáng chế.
Các hình thức đầu tư vào tài sản vô hình:
Đầu tư hướng nội: Đầu tư vào phần mềm,bí quyết, công nghệ, bản quyền để trực tiếp làm tăng năng suất lao động của công nhân, hiệu suất của máy móc. Khi đầu tư theo hướng phát triển các yếu tố như phần mềm, bí quyết, công nghệ…công ty đã chủ động làm tăng năng suất cũng như hiệu suất của công ty. Và lợi ích thu được từ việc đầu tư theo hướng nâng cao nội lực này không chỉ dừng lại ở các việc trực tiếp đẩy mạnh quá trình sản xuất tài sản hữu hình mà còn gián tiếp tăng lên về mặt tài sản vô hình.
Đầu tư hướng ngoại: là hoạt động đầu tư tập trung vào những yếu tố bên ngoài công ty như thương hiệu, uy tín, các mối quan hệ kinh doanh trên thị trường. Nó không trực tiếp quyết định đến việc công ty sản xuất được số lượng bao nhiêu sản phẩm, chất lượng và năng suất như thế nào nhưng nó lại quyết định đến việc công ty sẽ tiêu thụ được bao nhiêu sản phẩm, giá thành cao hay thấp.
Trong thời đại của kinh tế tri thức thì đầu tư vào tài sản vô hình như đầu tư nhân lực, thông tin và thương hiệu là những loại tài sản có ý nghĩa quyết định nhưng không hề xuất hiện trong bảng tổng kết tài sản của một doanh nghiệp. Đầu tư xây dựng được thương hiệu mạnh, hệ thống thông tin, … thì doanh nghiệp không chỉ nâng được uy tín và vị thế của mình mà giúp cho công ty có cơ hội mang lại lợi nhuận cao hơn bởi khách hàng sẵn sàng trả ở mức giá cao hơn cho thương hiệu nổi tiếng, cho sự an tâm về chất lượng và đẳng cấp sản phẩm trên thị trường.