LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRONG DOANH NGHIỆP
1.4.2. Nhóm nhân tố chủ quan
* Chiến lược phát triển kinh doanh, chiến lược đầu tư của doanh nghiệp
Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là căn cứ để xác định chiến lược đầu tư và các kế hoạch đầu tư cụ thể. Chiến lược kinh doanh quyết định chiến lược đầu tư, do vậy một chiến lược phát triển đúng đắn cùng với sự lựa chọn phương án đầu tư phù hợp là điều kiện tiền đề, tiên quyết đảm bảo hiệu
quả hoạt động, duy trì và tạo ra các nguồn lực lớn hơn cho doanh nghiệp.
* Năng lực tài chính
Đây là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư. Năng lực tài chính mạnh ảnh hưởng đến vốn, nguyên vật liệu, máy móc… cấp cho dự án và do đó ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của dự án. Năng lực tài chính của DN cũng ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
* Chất lượng quản lý hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp
Chất lượng quản lý hoạt động đầu tư phát triển tại doanh nghiệp bao gồm chất lượng trong công tác chuẩn bị đầu tư, chất lượng quản lý thực hiện đầu tư và chất lượng quản lý khai thác vận hành.
Có thể coi chất lượng quản lý hoạt động đầu tư là nhân tố quan trọng nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến hiệu quả đầu tư của DN. Nếu năng lực quản lý tốt sẽ nâng cao chất lượng dự án, tiết kiệm chi phí và từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư.
* Chất lượng nhân lực
Mọi sự thành công của DN đều được quyết định bởi con người trong DN. Do đó chất lượng của lao động cả về trí tuệ và thể chất có ảnh hưởng rất quan trọng đến kết quả hoạt động kinh doanh nói chung và kết quả hoạt động đầu tư nói riêng.
* Cơ cấu sử dụng vốn
Một trong những đặc điểm của hoạt động đầu tư phát triển là sử dụng vốn lớn, do đó, một cơ cấu sử dụng vốn đầu tư hợp lý sẽ góp phần khai thác có hiệu quả các nguồn lực với chi phí thấp nhất. Vì vậy, cơ cấu sử dụng vốn hợp lý sẽ có tác dụng nâng cao kết quả và hiệu quả của hoạt động đầu tư phát triển.