Phương thức tạo dựng bố cục ảnh

Một phần của tài liệu tiểu luận Nghệ thuật tạo hình nhiếp ảnh (Trang 88)

Từ những vấn đề mang tính lý thuyết, cũng như thực tiễn sáng tác, chúng ta đều nhận thấy: Bố cục một bức ảnh là bao hàm rất nhiều thao tác, đó là việc gạn lọc, sắp xếp, phối hợp, tạo sự liên hệ giữa các thành phần chủ yếu trong một bức ảnh sao cho bắt mắt, góp phần tác động tâm lý đối với độc giả. Việc tìm ra lôgic sắp đặt trong một bối cảnh thực phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quan sát và sâu chuỗi các ý tưởng của từng nghệ sỹ, nhà báo. Nếu quá lạm dụng các tiết tấu sẽ dẫn đến những bức ảnh rập khuôn, máy móc.

Song, về cơ bản, dù hình thức bố cục nào thì người ta cũng thường chia ra mấy định dạng dưới đây: Bố cục theo hướng chụp, bố cục theo góc độ cao thấp và bố cục theo khoảng cách. Mỗi định dạng này lại được chia ra một số cách thức biểu hiện rất cụ thể.

4.1. Bố cục theo hướng chụp

Lựa chọn hướng chụp là người cầm máy phải quan sát tìm ra hướng thể hiện rõ nhất đặc trưng của đối tượng, đồng thời kết hợp tốt mối quan hệ giữa đối tượng chính, đối tượng phụ và bối cảnh, làm cho bức ảnh có sức biểu đạt mạnh mẽ và sinh động. Có ba hình thức bố cục theo hướng chụp.

4.1.1. Bố cục chính diện

Bố cục chính diện tức chụp đúng vào mặt trước của đối tượng. Loại bố cục này, đối tượng thường đặt vào trung tâm của bức ảnh. Đây là dạng cân bằng đều, cân bằng đối xứng.

Bố cục vào mặt chính - mặt trước của đối tượng, sự kiện, tạo không khí trang trọng, nghiêm túc, nhưng có nhược điểm là hình ảnh kém sinh động, không tạo ra cảm giác chiều sâu về không gian; các đối tượng vật thể đều có cảm giác bị dẹt, không rõ hình khối.

4.1.2. Bố cục mặt bên

Bố cục mặt bên là chụp đúng vào hướng bên của đối tượng. Bố cục mặt bên nói chung linh hoạt hơn so với bố cục chính diện, nó thể hiện được tư thế, động tác của nhân vật - nếu là chụp về con người hành động. Bố cục mặt bên tạo cảm giác lập thể, cảm giác chiều sâu ảnh trường rõ hơn lối bố cục mặt chính.

4.1.3. Bố cục chéo bên

Bố cục chéo bên là lựa chọn hướng chụp tạo thành góc trên dưới 45o so với hướng chính của đối tượng. Bố cục chéo bên linh hoạt hơn, sinh động hơn bố cục mặt bên, nó tạo được cảm giác hình khối và cảm giác chiều sâu của không gian.

Bố cục chéo bên dễ tạo những đường nét hội tụ, có sức lôi cuốn sự chú ý của người xem. Nếu ta“đặt” đối tượng chính vào điểm đó sẽ rất nổi

Hướng chụp khác nhau sẽ tạo ra những hình thức bố cục khác nhau. Bởi vậy, căn cứ vào đối tượng cụ thể, trường hợp cụ thể mà người cầm máy lựa chọn cách thể hiện nội dung của tác phẩm.

4.2. Bố cục theo góc độ cao thấp

Lựa chọn góc độ hay bố cục theo góc độ thực chất là xác định điểm nhìn cao, thấp của người cầm máy trước đối tượng cần thể hiện. Ở các góc độ cao, thấp khác nhau của người chụp, hình ảnh các vật thể và bối cảnh của bức ảnh cũng khác nhau.

4.2.1. Bố cục ngang tầm đối tượng

Đây là cách chụp rất quen thuộc với nhiếp ảnh phổ thông, là cách chụp thông dụng nhất. Chụp ngang tầm đối tượng - ngang tầm mắt hình ảnh có độ xa gần chính xác, không có hiện tượng biến hình. Cách bố cục này làm nổi rõ những cảnh vật ở phía trước ống kính, nhưng các vật thể ở xa thường bị che khuất bởi những vật thể ở phía trước. Vì vậy, cách bố cục này nhiều khi khó thể hiện chủ đề, nhất là chụp các đối tượng cách xa ống kính. Bố cục ngang tầm mắt đặc biệt thích hợp với chụp ảnh cận cảnh và đặc tả.

4.2.2. Chụp góc độ thấp

Bố cục từ góc độ thấp là cách chụp khi cần thể hiện đối tượng, sự vật ở phía trên đường chân trời. Nói cách khác là người cầm máy ở vị trí thấp hoặc thấp hơn rất nhiều so với đối tượng chụp. Ví dụ: chụp những công trình xây dựng nhà cao tầng, mắc đường dây cao thế...

Chụp ở góc độ thấp, tạo hiệu quả ảnh phần nào khác hơn, bề thế hơn, đồ sộ hơn, cao vút hơn, đôi khi nguy nga tráng lệ hơn so với ngoài thực tế. Nhiều trường hợp nó thể hiện sự uy nghi, hùng dũng của đối tượng.

4.2.3. Chụp từ góc độ cao - chụp chúc máy ảnh

Chụp từ góc độ cao là phương thức thường được ứng dụng nhất trên thực tế, nó nhằm thể hiện các vật thể, bối cảnh ở vị trí thấp so với đường chân trời. Chụp ở góc độ cao (chụp chúc máy) rất thích hợp với việc thể hiện những đối tượng, sự vật chiếm vị trí rộng lớn, số lượng nhiều trong không gian. Góc độ chụp này làm tách biệt giữa các vật thể, tạo môi trường không gian trên ảnh rất thoáng đãng, nhiều tầng lớp, người xem ảnh có cảm giác sự vật như nhiều hơn, đông đúc hơn so với hiện thực.

4.3. Bố cục theo khoảng cách

Lựa chọn khoảng cách chụp bao giờ cũng phải xuất phát từ yêu cầu về nội dung của bức ảnh và ý đồ cần thể hiện của tác giả, nhất thiết không thể phản ánh chung chung, không có tính mục đích. Chẳng hạn, muốn thể hiện không khí của một ngày hội lớn, khí thế ra quân đầu năm của tuổi trẻ trong một chiến dịch nào đấy... ta phải chụp toàn cảnh. Nhưng, vẫn sự kiện đó, nếu toà soạn yêu cầu phóng viên phản ánh sắc thái riêng của một tổ lao động, một

nhóm người nào đó cùng tham gia một công việc, tất yếu ta phải chụp trung cảnh. Và cụ thể hơn, nếu Ban biên tập yêu cầu phải lột tả cho được một nhân vật nào đó có thành tích nổi bật trong lao động, thì không có cách nào khác tốt hơn, hiệu quả hơn là chụp cận cảnh.

Như vậy, lựa chọn khoảng cách chụp là công việc đầu tiên sau khi đã xác định đề tài cần phản ánh. Lựa chọn khoảng cách chụp có thể tiến hành dưới bốn hình thức cụ thể: Ảnh toàn cảnh, ảnh trung cảnh, ảnh cận cảnh và chụp đặc tả.

4.3.1. Bố cục toàn cảnh

Là giới thiệu cho người xem toàn bộ sự kiện và không gian xảy ra sự kiện. Nói cách khác là cung cấp cho người xem biết được hoàn cảnh, vị trí, không khí diễn biến của sự kiện, sự việc đó. Ví dụ, chụp toàn cảnh một công trường đang xây dựng, một khu công nghiệp, một góc thành phố... Ở đây, người xem ảnh không cần quan tâm đến các chi tiết mà họ chỉ cần nhận biết cái tổng thể, những hoạt động chung, một bức tranh khái quát về hiện thực.

4.3.2. Bố cục trung cảnh

Trung cảnh là giới thiệu cho độc giả một cách cụ thể hơn những công việc chủ yếu, những con người cụ thể cùng tham gia vào một công việc nào đó. Ở đây, hình ảnh phải thể hiện được mối quan hệ giữa các nhân vật đang

hoạt động. Xem ảnh, bạn đọc có thể nhận thấy rõ cử chỉ, động tác của họ. dụ: ảnh chụp một nhóm công nhân đang lắp máy hay một ca phẫu thuật tại một phòng mổ của bệnh viện...

4.3.3. Bố cục cận cảnh

Là chụp sự vật ở cự ly gần hơn so với trung cảnh. Xem ảnh người ta có thể thấy rất rõ nhân vật với các thao tác cụ thể, chính xác, và chi tiết. Chụp đối tượng là con người đang làm việc thì cự ly khoảng từ một đến hai mét. dụ: Chụp tấm gương người lao động giỏi, một công nhân đang tiện một chi tiết máy hay một bác sỹ đang chẩn đoán bệnh...

4.3.4. Bố cục đặc tả

Đặc tả là nhấn mạnh vào đặc điểm, tính cách, trạng thái tâm lý của nhân vật (vầng trán thông minh, cặp mắt lanh lợi, đôi bàn tay chai sạn...). Khi chụp, ống kính máy ảnh cần tập trung vào điểm nổi bật của đối tượng. Với sự vật, ảnh đặc tả thường giới thiệu rất tỷ mỷ những nét hoạ văn, những dạng kiểu kiến trúc thời cổ.

Khái niệm cận cảnh, trung cảnh, toàn cảnh là sự phân định mang tính nghiệp vụ, thường phải dựa trên cơ sở của nội dung cần thông báo. Chụp con người ở khoảng cách vai ba mét ta nhận được bức ảnh trung cảnh lùi lại khoảng mười mét trở ra, ta sẽ thấy con người ở vị trí toàn cảnh. Như vậy, tỷ lệ khi chụp người phải tính đến bối cảnh. Nhưng nếu chụp một nhà máy, công trường, khu phố, thì khoảng cách ứng với các khái niệm trên lại hoàn toàn khác. Điều quan trọng phải là ý đồ và mục đích chủ yếu của tác giả. Chẳng hạn, một công trình thuỷ điện chụp từ trên máy bay ở độ cao vài trăm mét cũng không thể thu hết toàn bộ đối tượng, mặc dù điểm chụp rất xa; những chiếc ô tô, máy xúc hoặc con tàu đồ trên cảng chỉ nhìn thấy như một chấm nhỏ và con người thì không phân biệt được, bức ảnh đó vẫn có thể côi là cận cảnh... Như vậy, điểm ngắm có thể phải rất xa, chúng ta mới nhìn thấy toàn bộ công trình ở trung cảnh, toàn cảnh.

Tóm lại: Vận dụng các yếu tố hình hoạ trong nhiếp ảnh là một trong

những yêu cầu cơ bản đối với người cầm máy nói chung và nhà báo nhiếp ảnh nói riêng. Song chúng ta quyết không được coi đó như bài thuốc vạn năng, tiếp nhận nó một cách thụ động mà phải vận dụng nó một cách linh hoạt, sáng tạo trong từng hoàn cảnh cụ thể. Có như vậy mới có thể vươn tới sự thành công trong hoạt động nghề nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kỹ thuật và nghệ thuật nhiếp ảnh - Nhà xuất bản tổng hợp Đồng Nai. 1999.

2. Thiết bị kỹ thuật và phương pháp tạo hình nhiếp ảnh - Nhà xuất bản chính trị Quốc gia 2002 - Nguyễn Tiến Mão - Đỗ Phan Ái.

3. Các bài viết đăng trên các chuyên san thông tấn xã Việt Nam và tạp chí nhiếp ảnh Việt Nam từ 2005 - 2010.

4. Các bài viết trên trang Web: http://www.vapa.org.vn. - Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam.

5. Các bài viết trên trang Web: http://www.vietnamjournalism.com.

6. Các bài viết trên trang Web: http://www.vnphoto.net.

7. Ảnh lấy từ nhiều nguồn: Báo in, các tạp chí, báo mạng - chủ yếu làm nhiệm vụ hình hoạ cho các phần mục.

MỤC LỤC

CHƯƠNG I: TẠO HÌNH NGHỆ THUẬT...1

I. Một số khái niệm và thuật ngữ...1

II. Đặc trưng của tạo hình nhiếp ảnh...9

CHƯƠNG II: ÁNH SÁNG TRONG TẠO HÌNH NHIẾP ẢNH...16

I. Bản chất sóng của ánh sáng...16

II. Nguồn sáng, các loại ánh sáng, tính chất chiếu sáng của ánh sáng...17

III. Vai trò của ánh sáng trong nhiếp ảnh...32

CHƯƠNG III: CÁC YẾU TỐ HÌNH HOẠ TRONG ẢNH...38

I. Màu sắc trong tạo hình nhiếp ảnh...38

II. Đường nét - cơ sở vật chất trong tạo hình nhiếp ảnh...48

III. Nhịp điệu trong ảnh...51

IV. Mảng khối, sự tương phản trong tạo hình nhiếp ảnh...55

V. Độ nét và việc xử lý độ nét trong nhiếp ảnh...57

VI. Đối tượng, cách đề cập đến đối tượng trong ảnh...60

VII. Thời cơ bấm máy ghi hình đối tượng...64

CHƯƠNG IV: BỐ CỤC ẢNH...72

I. Khái niệm...72

II. Bố cục và bố trí...73

III. Các quy luật - quy tắc về bố cục ảnh...75

IV. Phương thức tạo dựng bố cục ảnh...88

TÀI LIỆU THAM KHẢO...97

* Ghi chú:

Những ảnh được sử dụng trong sách chỉ có tính chất minh hoạ cho phần mục, không bao hàm nội dung thông tin.

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH NHIẾP ẢNH

Người thực hiện: Th.s. Nguyễn Tiến Mão

Một phần của tài liệu tiểu luận Nghệ thuật tạo hình nhiếp ảnh (Trang 88)