Vai trò của ánh sáng trong nhiếp ảnh

Một phần của tài liệu tiểu luận Nghệ thuật tạo hình nhiếp ảnh (Trang 32)

Trong cuộc sống nhân loại, con người sống chung với vạn vật, mắt ta nhìn thấy, tay ta tiếp xúc, các giác quan ta nhận biết nó bằng những hình ảnh, âm thanh, sắc màu, hương vị của vạn vật và nó được lưu giữ trong ký ức chúng ta. Chính ánh sáng đã giúp ta nhận ra vạn vật đó, để xác định được nó to, nhỏ, ngắn, dài, vuông vức hay tròn trịa. Những hình ảnh ta quan sát được là muôn hình vạn trạng, phong phú vô cùng.

Các nhà phê bình nghệ thuật đã nói: “Ánh sáng đối với nhiếp ảnh như con người cần có không khí, nhưng ánh sáng như con dao hai lưỡi đối với bất cứ ai không hiểu biết về nó”.

Là một loại hình hoạt động nghệ thuật, nhiếp ảnh mang đến cho con người những khoảnh khắc tận hưởng cái đẹp từ cuộc sống, làm phong phú thêm vẻ đẹp tâm hồn của mỗi con người, hướng con người đến với cái đẹp vĩnh hằng.

Nhiếp ảnh là quá trình tạo ra hình ảnh bằng sự tác động của ánh sáng lên các chất liệu cảm quang của phim và giấy ảnh. Quá trình này được thực hiện bởi các thiết bị cơ học, quang học, hoá học hay kỹ thuật số.

Nói đến nghệ thuật nhiếp ảnh là phải nói đến ánh sáng. Ánh sáng là yếu tố cơ bản và tiên quyết trong tạo hình nhiếp ảnh. Không có ánh sáng thì không có nhiếp ảnh. Ánh sáng là ngôn ngữ, là tiếng nói của nhiếp ảnh. Cũng bởi thế mà các nhà lý luận đã gọi nhiếp ảnh là “nghệ thuật vẽ bằng ánh sáng” - “Photography”.

Có thể cụ thể hoá vai trò của ánh sáng dưới các khía cạnh: Ánh sáng là điều kiện thu hình và phương tiện tạo hình nhiếp ảnh. Ánh sáng quyết định màu sắc và cung bậc màu sắc trên từng đối tượng vật thể và bối cảnh. Ánh sáng là phương tiện thể hiện ý đồ của tác giả và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Ánh sáng gây ấn tượng tâm lý thị giác - tình cảm đối với bạn đọc v.v...

3.1. Ánh sáng là điều kiện thu hình và phương tiện tạo hình nhiếp ảnh

Khẳng định ánh sáng là điều kiện ghi hình bởi ánh sáng là chất liệu đặc biệt để tạo dựng hình ảnh của hiện thực. Khái niệm “Vẽ bằng ánh sáng” có nghĩa là diễn tả quá trình ánh sáng tác động lên bề mặt của phim và giấy ảnh, làm biến đổi - chuyển hoá các hạt muối bạc (AgBr) cấu tạo lên màng nhũ tương, tạo ra hình ảnh (xem phần kỹ thuật phim, giấy ảnh). Ánh sáng - do đó - chính là tác động vật lý (quang hoá) để sáng tạo hoặc tái tạo hình ảnh.

Nói ánh sáng là điều kiện thu hình còn có nghĩa là chỉ có ánh sáng và phải có ánh sáng thì các yếu tố hình hoạ khác như màu sắc, đường nét, độ

tương phản, mảng khối... mới có ý nghĩa và phát huy tác dụng tạo hình, bằng không thì tất cả chỉ là một “màn đêm”.

Còn, khi nói ánh sáng là phương tiện tạo hình nghĩa là dùng các loại ánh sáng, nguồn sáng, hướng chiếu và tính chất của nó để tạo hiệu quả cho bức ảnh nói riêng, và hoạt động sáng tạo ảnh nói chung.

3.2. Ánh sáng quyết định cung bậc màu sắc của đối tượng, vật thể, tạo nên sắc điệu của ảnh

Một trong những đặc tính quan trọng của ảnh là sự liên tục của sắc độ. Sự liên tục của sắc độ trong ảnh là khả năng ghi nhận những thay đổi từ nhạt đến đậm từ trắng sang đen (đối với ảnh đen trắng) hoặc những thay đổi “gam” tử màu này sang màu khác trên vật thể (trong ảnh màu) mà không để lộ ra những bước chuyển tiếp.

Trong nhiếp ảnh, ánh sáng có khả năng tạo ra một số lượng gần như vô hạn các giá trị hay sắc độ xám, nhờ phản ứng với mọi chất liệu nhạy sáng của nhiếp ảnh. Khả năng tái tạo của sắc độ liên tục của hình ảnh một cách tinh tế thì ngoài Video ra không có một phương tiện tạo hình nào có thể sánh được với nhiếp ảnh. Hơn nữa, do hình ảnh của nhiếp ảnh thường được tạo ra bởi ống kính - ống kính này dùng để thu nhận và hội tụ các tia sáng - nên ảnh được tạo ra sẽ hết sức chi tiết. Và, trong ảnh điều này chứng tỏ ở khả năng biểu hiện phong phú, vô hạn của ánh sáng. Cũng là đối tượng ấy, cảnh vật ấy, người xem sẽ nhận biết sự thay đổi về gam độ màu sắc rất khác nhau, nếu ảnh chụp ở vào các hoàn cảnh sử dụng ánh sáng khác nhau.

Nghiên cứu khả năng biểu hiện của ánh sáng, ngay từ năm 1672 nhà bác học NiuTơn đã làm một thí nghiệm về sự tán sắc của ánh sáng bằng cách chiếu một chùm tia sáng hẹp vào một lăng kính và đã thu được ở mặt sau lăng kính một dải quang phổ liên tục bảy màu: Đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Tuy nhiên sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối, vì dải quang phổ

liên tiếp với nhau nên nó không tách biệt dứt khoát mà giữa hai màu tiếp giáp có sự giao thoa, pha trộn.

Với điều kiện và phương tiện kỹ thuật nhiếp ảnh ngày càng xuất hiện những chất liệu nhạy sáng mới khiến cho “dải sắc độ liên tục” được tạo nên bởi ánh sáng, trong ảnh sẽ ngày càng trở nên phong phú hơn.

3.3. Ánh sáng tạo không gian cho ảnh

Không gian trong ảnh là không gian hình khối, không gian ba chiều trên mặt phảng hai chiều của phim và giấy ảnh.

Xét về bản chất, không gian luôn tồn tại vĩnh cửu, nó chính là tầng khí quyển trong vũ trụ. Song, khí quyển không phải ở đâu và lúc nào cũng có mật độ dày, mỏng như nhau mà nó phụ thuộc vào thời tiết và ánh sáng. Một thực tế là, sự vật ở càng xa thì ảnh hưởng của sức cản không khí càng lớn. Ngay cả trong điều kiện trời đầy nắng thì những lớp cảnh ở xa ấy cũng sẽ mờ nhạt hơn rất nhiều so với các vật thể ở cận cảnh. Đó chính là hiệu ứng của vật chiếu sáng, nguồn sáng.

Như vậy, có thể khẳng định, cùng với những yếu tố khác, ánh sáng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên ấn tượng về không gian trong ảnh. Nếu trời quang mây tạnh, hướng chiếu sáng tốt, chiều sâu ảnh trường lớn. Ngược lại, nếu thời tiết xấu, nhiều sương mù bao trùm bầu khí quyển, chiều sâu ảnh trường kém.

3.4. Ánh sáng thể hiện ý đồ của tác giả và nội dung tư tưởng của tác phẩm

Khi nói ánh sáng là phương tiện thể hiện ý đồ của tác giả tức là muốn nhấn mạnh yếu tố chủ quan, sự lợi dụng góc nhìn riêng của người cầm máy, nhằm cách điệu hoá đối tượng cần phản ánh. Ví dụ, biến một đối tượng ngoài thực tế xấu hơn hoặc đẹp hơn rất nhiều trong bức ảnh nhờ ánh sáng. Còn vế sau - ánh sáng diễn đạt nội dung, thể hiện chủ đề bức ảnh, là muốn khẳng

định tính khách quan, khả năng to lớn của ánh sáng trong mọi trường hợp, các nhà nhiếp ảnh cần phải khai thác, sử dụng.

“Tóc mây”- Ảnh: Quang Phùng

Trên thực tế, nhiều người cầm máy chỉ quan tâm đến lượng ánh sáng tác động lên phim. Song, sự thực không phải như vậy. Ánh sáng là yếu tố rất lợi hại đối với việc tạo hình nhiếp ảnh, nó như con dao hai lưỡi nếu người cầm máy ít hiểu biết. Điều này đã được thực tiễn chứng minh khá phong phú. Những nhà nhiếp ảnh giàu kinh nghiệm thường quan tâm đến mọi khía cạnh của ánh sáng. Đó là tính chất, cường độ, hướng chiếu... và hiệu quả của ảnh. Theo họ, mỗi loại ánh sáng đều có khả năng truyền tải những ý tưởng riêng. Vì thế, những người cầm máy “khó tính” và lão luyện” bao giờ cũng tự ý thức và cân nhắc khá kỹ đến hiệu quả bức ảnh trước khi bấm chụp. Nếu ánh sáng không thích hợp theo ý muốn, họ kiên trì chờ đợi, sẵn sàng tìm cách làm thay đổi tính chất của nguồn sáng cho đạt mục đích.

3.5. Ánh sáng gây ấn tượng tâm lý đối với bạn đọc

Con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể sáng tạo của nhiếp ảnh. Vì thế, con người cũng luôn có những phản ứng trước tác động của ánh sáng. dụ: Ánh sáng rực rỡ, tinh thần sảng khoái, thường gây tình cảm lạc quan. Ánh sáng mờ nhạt, màu sắc trong ảnh u ám, xám xỉn thường gây cảm giác buồn bã... Sự phản ứng trước ánh sáng tự nhiên thì như vậy. Còn trên thực tế, khi chiếu sáng một bề mặt hay một vật thể, ánh sáng có đặc tính không dễ mô tả thành lời. Đôi khi do thời tiết hay do hướng chiếu của mặt trời, hoặc do ánh sáng phản chiếu đã tạo nên cho ảnh một “trạng thái cảm xúc” tác động mạnh đến người xem. Lúc ấy, ánh sáng làm thay đổi “ý niệm” nhận thức trong họ về một hiện thực. Trong một số trường hợp, ánh sáng trở thành “tiếng nói chính”, “nhân vật trung tâm”, chủ đề chính của bức ảnh. Ví dụ: Tác phẩm “Tóc mây” của Quang Phùng, “Giọt nắng chiều” của Thi Thơ, hay “Nối sáng” ...

Chúng ta đều biết, ánh sáng các mùa có cường độ mạnh, yếu rất khác nhau. Bởi thế, đối với những nhà nhiếp ảnh tài ba và những người có con mắt thẩm mỹ, khi nhìn vào bức ảnh họ có thể nhận biết được bức ảnh chụp vào lúc nắng sớm, chiều tà hay giữa trưa, vào mùa hè oi ả hay tiết đông giá lạnh v.v... Trong nhiều tình huống, ánh sáng gây ấn tượng về một tác phẩm hội hoạ nhiều hơn là cuộc sống hiện thực.

Điều trên đã chứng tỏ, không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng ánh sáng là biểu hiện của những phạm trù tốt đẹp: Hy vọng, tình yêu và sự sống. Còn khi không có ánh sáng là sự tuyệt vọng của cảm giác mất mát.

CHƯƠNG III:

CÁC YẾU TỐ HÌNH HOẠ TRONG ẢNH

Hình hoạ là những “chất liệu” chính - cơ sở vật chất để tạo thành tác phẩm ảnh. Các yếu tố đó bao gồm: màu sắc, đường nét, nhịp điệu, sự tương phản... Bức ảnh không tái hiện được nó cũng có nghĩa là nhiếp ảnh không tồn tại. Sau đây chúng ta sẽ đi sâu nghiên cứu giá trị đích thực của các thành phần đó.

Một phần của tài liệu tiểu luận Nghệ thuật tạo hình nhiếp ảnh (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(99 trang)
w