Đối tượng, cách đề cập đến đối tượng trong ảnh

Một phần của tài liệu tiểu luận Nghệ thuật tạo hình nhiếp ảnh (Trang 60)

Trong nhiếp ảnh, tính chất của đối tượng hầu như không có ảnh hưởng lớn tới chất lượng tạo hình, mà điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò của người cầm máy: “Đẹp không phải trên đôi má hồng của người thiếu nữ, mà trong ánh mắt của kẻ si tình”. Một cảnh vật được coi là bình thường cũng có thể mang trong nó nhiều khả năng cho ta chụp được bức ảnh đẹp - nếu anh ta cũng “si mê” về hiện thực đó...

Như vậy, có thể nói, đối tượng thể hiện không quyết định giá trị của tác phẩm ảnh, hoặc nếu có cũng chẳng đáng là bao, mà toàn bộ giá trị là ở cách thức chúng ta nhìn nhận đối tượng và sự gợi cảm của nó đối với người cầm máy. Xu hướng chung của những người mới làm nghề là muốn đưa vào trong khung ngắm càng nhiều chi tiết càng tốt. Thực ra, đó là cách thể hiện tham lam, ôm đồm, thiếu chọn lọc... Trước một đối tượng, người phóng viên ảnh phải biết xác định, cái gì cần đưa vào tác phẩm và phải khuôn hình nó ra sao. Nếu đối tượng là cảnh vật, thì phải cố gắng làm thế nào thể hiện được những đường nét tế nhị, giàu giá trị biểu hiện của phong cảnh; màu sắc của tự nhiên như thế nào là phù hợp, làm phân biệt các tầng tầng lớp lớp trong ảnh... Nếu có vai trò con người trong đó, thì con người chỉ là “những nét chấm phá”, góp phần làm “điểm dõi về thị giác” của độc giả trước cảnh vật trong thiên nhiên.

Trong nhiếp ảnh, cũng như trong mọi phương tiện biểu hiện khác, người sáng tạo được đề cập đến nhiều chủ đề trong một hình ảnh. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải tôn trọng một sự phân chia thứ bậc nào đó giữa các yếu tố tạo nên hình ảnh. Các yếu tố phụ giữ vai trò làm nổi bật các yếu tố chính, chứ không được làm phân tán con mắt người xem khỏi đối tượng chính. Tất cả các yếu tố trong bức ảnh phải tham gia vào cùng một cảnh tượng hoặc cùng một hành động.

6.1. Khuôn hình đối tượng

Đối tượng mà chúng ta bàn ở đây là đối tượng theo nghĩa rộng - đối tượng hiện thực trước ống kính nhà nhiếp ảnh. Vậy, khuôn hình là chọn phạm vi thu hình đối tượng sao cho hợp lý. Việc khuôn hình hầu hết được tiến hành ngay trên khung ngắm trước khi bấm máy. Nếu cứ chụp cho xong, rồi sau đó “khuôn hình lại” khi phóng ảnh là sai. Đó thực chất chỉ là cắt cúp lại cho nhỏ bớt bức ảnh mà thôi. Bất cứ một nhà nhiếp ảnh nào cũng đều biết rõ, bề mặt của một tấm phim không phải bao giờ cũng thừa thãi cho việc đặt đối tượng vào trong đó để rồi có thể lại cắt bỏ nó đi. Hơn nữa, một cỡ ảnh nhất định, nếu phóng từ một diện tích trên phim (Card dùng cho máy ảnh kỹ thuật số cũng vậy) càng nhỏ hơn bao nhiêu, thì chất lượng kỹ thuật hình ảnh sẽ càng giảm đi bấy nhiêu (cả độ nổi hạt, và độ sắc nét). Ngoài ra, việc in phóng ảnh hiện nay thường là tự động hoá, nên chúng ta không thể lúc nào cũng tự khuôn lại hình ảnh theo ý mình được.

Do vậy, đối với nhà nhiếp ảnh giỏi thì khuôn hình tức là phải “đặt” đối tượng một cách thích đáng vào trong khuôn ảnh ngay khi bấm chụp. Tuy vào đối tượng chính có kích thước như thế nào mà có thể có nhiều cách khuôn hình khác nhau: Toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh hay đặc tả (sẽ được mô tả cụ thể trong phần bố cục ảnh).

6.2. Sự phân bố không gian và tính phương hướng của đối tượng trong ảnh

Để nội dung bức ảnh thể hiện được rõ ràng, chặt chẽ, thống nhất ta không chỉ xem xét mối quan hệ giữa chủ thể, vật thể phụ và bối cảnh, mà còn phải dựa vào việc phân bố không gian giữa chúng với nhau có chính xác hay không, tương thích không? Phân bố không gian trên ảnh thực chất là nghiên cứu xem đối tượng, nhất là đối tượng chính “đứng” ở vị trí nào trong bối cảnh... thì đảm bảo tính hợp lý của bố cục.

Nếu chỉ đơn thuần xuất phát từ chỗ làm nổi bật chủ thể mà không chú ý đến không gian chung, cũng như vị trí chiếm lĩnh của các vật thể khác trong không gian của toàn cảnh, có thể sẽ làm cho hình ảnh kém sức hấp dẫn, hoặc mất đi tính lôgíc của nội dung thông tin, vấn đề được tác giả đề cập.

Sự phân bố không gian trong ảnh luôn quan hệ mật thiết với tính phương hướng của đối tượng được chụp. Tính phương hướng là nhân tố quyết định vị trí đứng chụp, góc chụp và không gian cần thể hiện. Nếu chủ thể không có phương hướng

tốt, thường làm cho người xem có cảm giác bức bối, khó chịu, hình tượng sẽ ngớ ngẩn hoặc thiếu vững chắc. Như vậy, phân bố không gian và tính phương hướng trong ảnh chính là để phần không gian trên, dưới, trước sau đối tượng sao cho hợp lý, dễ chấp nhận.

Ví dụ: Khi chụp một đoàn vận động viên đang chạy hoặc một cuộc đua xe đường dài... Phương hướng của các hoạt động này là phía đích của cuộc đua. Do vậy, khi bấm máy nhà nhiếp ảnh phải khuôn hình sao cho, khoảng không gian phía trước các vận động viên phải thông thoáng. Trường hợp đặc biệt, khi cần mô tả sự bế tắc hoặc cản trở nào đó thì ta phải làm ngược lại. Như vậy, tính phương hướng và sự phân bố không gian trên tấm ảnh đã giúp người xem hiểu rõ hơn chủ đề mà tác giả muốn gửi gắm.

Tính phương hướng không chỉ quy định riêng cho chủ thể - đối tượng chính, mà nó còn quan hệ đến cả đối tượng phụ và bối cảnh. Trong một bức ảnh mà các nhân vật chính, phụ thuộc tập trung vào một hướng thống nhất, hành động thống nhất, đồng thời bối cảnh lại không bổ trợ cho đặc trưng của công việc, thì về mặt cấu trúc, bức ảnh thể hiện không đạt, còn nội dung thì tản mạn, không phục vụ được theo yêu cầu của chủ đề.

Một phần của tài liệu tiểu luận Nghệ thuật tạo hình nhiếp ảnh (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(99 trang)
w