Hoàn thiện sản phẩm,dịch vụ

Một phần của tài liệu luận văn quản trị chiến lược Giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Trang 28)

Ngay từ khi ra đời, mỗi sản phẩm - dịch vụ của ngân hàng đều có sẵn những thuộc tính cơ bản nhất định. Tuy nhiên, do đặc điểm của sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là dễ bắt chước nên trong quá trình cung ứng, các ngân hàng luôn tìm cách hoàn thiện sản phẩm dịch vụ bằng cách bổ sung cho nó các thuộc tính mới, nhằm tạo ra sự vượt trội so với các sản phẩm - dịch vụ tương tự trên thị trường, hấp dẫn khách hàng. Đặc điểm của ngành ngân hàng là quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng có sự tham gia của khách hàng nên quan niệm về mức độ hoàn thiện của sản phẩm phải được xem xét trên cả giác độ ngân hàng và giác độ khách hàng.

Theo quan niệm của khách hàng, một sản phẩm dịch vụ ngân hàng hoàn

thiện là sản phẩm dịch vụ đáp ứng được tốt nhất nhu cầu mong muốn của khách hàng. Một sản phẩm ngân hàng hoàn thiện sẽ phải đem lại cho khách hàng một tập hợp tiện ích và lợi ích. Do vậy, khi đánh giá một sản phẩm dịch vụ, khách hàng thường căn cứ trên các tiêu chí: Mức độ tham gia của khách hàng vào quá trình cung ứng sản phẩm dịch vụ ít và đơn giản, trình độ công nghệ hiện đại, tốc độ xử lý

nhanh, mức độ chính xác cao, hiệu quả đem lại cho khách hàng lớn, thái độ phục vụ tốt.

Theo quan niệm của ngân hàng, một sản phẩm dịch vụ hoàn thiện trước hết phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn đối thủ cạnh tranh đồng thời phải là sản phẩm dịch vụ đem lại lợi nhuận cho ngân hàng.

Như vậy xét trên cả hai giác độ, một sản phẩm ngân hàng hoàn thiện phải đem lại lợi ích cho cả khách hàng và ngân hàng nhưng trước hết phải xuất phát từ lợi ích của khách hàng.

Việc hoàn thiện sản phẩm dịch vụ, tạo cho nó tính hấp dẫn vượt trội so với đối thủ cạnh tranh là rất cần thiết cho các ngân hàng vì nó không chỉ giúp duy trì khách hàng mà còn thu hút thêm khách hàng mới.

Tuy nhiên việc hoàn thiện sản phẩm dịch vụ chỉ là tạo ra những phiên bản mới có tính năng ưu việt hơn trên cơ sở những sản phẩm hiện tại. Nó không tạo ra sản phẩm mới nên không thể đáp ứng các nhu cầu mới phát sinh của khách hàng. Chính vì thế, bên cạnh việc hoàn thiện các sản phẩm sẵn có, ngân hàng cũng phải đầu tư thích đáng vào việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới.

Một phần của tài liệu luận văn quản trị chiến lược Giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Trang 28)