7. Kết cấu của luận văn
3.2.3. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện chi bảo hiểm xã hội
Nếu chúng ta giả định mọi đối tượng hưởng BHXH đã được xét duyệt, tính toán số tiền được hưởng theo đúng chế độ, chính sách của Nhà nước, thì việc quản lý chi BHXH là quá trình diễn ra từ khâu cơ quan BHXH nhận tiền (hiện tại là 100% tiền mặt) từ hệ thống các ngân hàng, hay Kho bạc Nhà nước; vận chuyển tiền xuống các địa điểm chi trả; tiến hành chi trả; thanh quyết toán sau chi trả và cuối cùng là việc quản lý đối tượng hưởng BHXH.
Các bước công việc trên chủ yếu là việc thực hiện các tác nghiệp cụ thể như: nhận tiền, chuyển tiền, chi trả. Còn khâu quan trọng nhất hiện nay của quản lý chi BHXH là công tác quản lý đối tượng hưởng BHXH.
Với xác định như trên, căn cứ vào những hạn chế, tồn tại đã đề cập ở chương 2 về quản lý chi BHXH, trong thời gian tới, để đảm bảo thực thi có hiệu quả các quy định của pháp luật về chi BHXH, cơ quan BHXH cần phải tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất: Tăng cường công tác quản lý đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội Hiện tại cơ quan BHXH đang quản lý và trực tiếp chi trả các chế độ BHXH dài hạn (hưu trí, mất sức lao động, tử tuất) cho trên 2 triệu đối tượng. Bên cạnh đó, hàng năm còn thực hiện quản lý và chi trả cho hàng triệu lượt người hưởng chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHYT) và trợ cấp BHXH một lần. Sự tăng, giảm của các đối tượng này có liên quan trực tiếp đến số tiền do ngân sách nhà nước, quỹ BHXH phải chi ra hay tiết kiệm được. Vì vậy, tăng cường công tác quản lý đối tượng hưởng BHXH được coi là giải pháp quan trọng nhất của việc thực thi có hiệu quả pháp luật về quản lý chi BHXH. Thực hiện giải pháp này ta có thể chia các đối tượng ra làm các nhóm để có biện pháp quản lý phù hợp, cụ thể là:
- Nhóm các đối tượng hưởng chế độ BHXH dài hạn, là nhóm đối tượng có số tiền hưởng BHXH chiếm tỷ trọng lớn nhất, vì vậy cần tập trung các biện pháp để quản lý. Trong nhóm đối tượng này đối với các đối tượng tăng thêm do xét duyệt mới hoặc do di chuyển giữa các địa phương thì không có vấn đề gì lớn, vì khi họ đủ điều kiện và đã làm các thủ tục để hưởng BHXH mà vì một lý do sai sót nào đó mà họ chưa được hưởng thì chắc chắn họ sẽ khiếu nại với cơ quan BHXH. Ngược lại, trong trường hợp đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng mà bị chết hoặc đã hết thời hạn được hưởng
theo quy định, nhưng do quản lý chưa chặt, cơ quan BHXH không kịp thời nắm được, trong khi đó thân nhân của đối tượng không tự giác báo cho cơ quan BHXH để cắt giảm kịp thời thì thân nhân của đối tượng (với các trường hợp chết) và đối tượng (trường hợp nhận trợ cấp tuất, mất sức lao động) vẫn có thể nhận tiền hàng tháng. Trường hợp này sẽ gây thất thoát rất lớn cho quỹ BHXH, trên thực tế đã có không ít đối tượng cắt giảm chậm 1 hoặc 2 năm, thậm chí có trường hợp lên đến cả chục năm mà không bị cắt.
- Nhóm đối tượng hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn, đây là nhóm có số lượng rất lớn hàng năm, lấy năm 2003 làm ví dụ: Cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố đã giải quyết 1.587.000 lượt người nghỉ chế độ ốm đau với số tiền là 171 tỷ đồng; 216.650 người nghỉ chế độ thai sản với số tiền chi trả là 498 tỷ đồng. Đặc điểm của nhóm đối tượng này là họ chỉ nhận được 1 lần tiền chi trả từ cơ quan BHXH, do vậy nếu công tác xét duyệt đảm bảo chính xác đúng chế độ, chính sách thì công tác quản lý chi trả đối với nhóm đối tượng này cũng không có vấn đề gì lớn. Vấn đề đặt ra đối với nhóm này hiện nay lại nằm trong khâu xét duyệt hồ sơ, nghĩa là không ít người lao động, người sử dụng lao động đã lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ của chế độ này để lập hồ sơ và chứng từ khống thanh toán với cơ quan BHXH.
- Nhóm đối tượng hưởng trợ cấp BHXH một lần, nhóm này cũng giống như nhóm trên nếu ta xét duyệt chặt chẽ và đúng chế độ thì công tác chi trả và quản lý cũng không có vấn đề gì lớn.
Tóm lại, việc phân chia từng nhóm đối tượng có các đặc điểm xét duyệt hồ sơ, chi trả và quản lý giống nhau sẽ tạo điều kiện để cơ quan BHXH hội áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm tạo được hiệu quả trong công tác chi trả và quản lý đối tượng chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng, đồng thời không gây thất thoát cho ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
* Đổi mới phương thức chi trả bảo hiểm xã hội
Theo quy định, cơ quan BHXH là tổ chức chịu trách nhiệm chi trả cho đối tượng hưởng lương hưu và các chế độ trợ cấp BHXH. Từ năm 2003 do việc sáp nhập Bảo hiểm Y tế Việt Nam vào Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên ngoài việc chi trả các chế độ BHXH cơ quan BHXH còn phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền khám chữa bệnh cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc đổi mới phương thức chi trả là cần thiết, để phù hợp với tình hình mới nhằm đảm bảo an toàn tiền mặt và thuận tiện cho đối tượng. Theo quy định hiện hành của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh thành phố đang áp dụng hai hình thức chi trả là chi trả trực tiếp và chi trả gián tiếp (cả hai hình thức này đã được đề cập ở phần trên). Điều cần quan tâm ở đây là cả hai hình thức đều chi trả 100% bằng tiền mặt, mà đây lại là một khối lượng tiền mặt rất lớn. Vì vậy, nếu không có những nghiên cứu và đầu tư nghiêm túc cho công tác này thì khó có thể tránh khỏi những tiêu cực, thất thoát trong quá trình chi trả.
Để đổi mới phương thức chi trả, trước hết cơ quan BHXH phải tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn để đánh giá lại hiệu quả công tác này trong 9 năm qua, phải chỉ ra được những ưu điểm, nhược điểm của từng hình thức, rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng mô hình chi trả và quản lý chi trả BHXH cho phù hợp với từng vùng, từng miền, từng địa bàn dân cư và từng địa phương theo các tiêu thức cần quản lý và theo xu hướng chung là cơ quan BHXH cố gắng đảm bảo trực tiếp công tác này, hạn chế hình thức chi trả gián tiếp thông qua các đại lý chi trả.
Ngoài ra, cũng đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu xem xét đến hình thức chi trả thông qua tài khoản cá nhân ở ngân hàng và tổ chức tín dụng nơi đối tượng hưởng BHXH cư trú. Về hình thức này, hiện nay đang có nhiều khó khăn, nhưng không phải vì vậy mà ta không thực hiện. Cụ thể là khác với các
nước trên thế giới, các đối tượng tham gia và hưởng BHXH hầu hết chưa có tài khoản cá nhân ở ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác, nhất là ở các tỉnh miền núi. Vì vậy, có thể trong thời gian trước mắt, cơ quan BHXH nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn người lao động tham gia và hưởng BHXH ở các tỉnh thành phố lớn, các khu đô thị hay khu công nghiệp tập trung, mở tài khoản cá nhân ở các ngân hàng hay tổ chức tín dụng khác gần với nơi mình làm việc và cư trú nhất. Trên cơ sở của những tài khoản này, đối tượng hưởng BHXH đăng ký số tài khoản với cơ quan BHXH để hàng tháng khi đến kỳ chi trả, cơ quan BHXH sẽ cùng với các ngân hàng hay tổ chức tín dụng, bằng các biện pháp nghiệp vụ để chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của từng đối tượng. Đối tượng có thể rút ra tiêu dùng vào những lúc cần thiết hoặc để ở tài khoản để sinh lợi, thông qua lãi suất quy định của ngân hàng ở từng thời kỳ.
Hình thức chi trả này đang được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhất là đối với các nước có đông đối tượng hưởng BHXH như: Mỹ, Đức, Anh, Pháp… Thực hiện hình thức này sẽ làm giảm đáng kể khối lượng tiền mặt luân chuyển trong quá trình chi trả của cơ quan BHXH và đặc biệt là rất an toàn, không cần phải có các phương tiện vận chuyển và bảo quản chuyên dùng. Còn phía cơ quan BHXH cũng sẽ tiết kiệm được đáng kể nhân lực tập trung cho công tác chi trả hàng tháng.