MÔI TRƯỜNG CỦA HUYỆN NGHĨA ĐÀN
3.1. Thuận lợi
- Nằm trên giao điểm của hai tuyến đường giao thông chiến lược Quốc gia, liên thông với các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, với nước bạn Lào, với các huyện ven biển…; Nghĩa Đàn nằm trong cực tăng trưởng kinh tế Phủ Quỳ, vùng đang có ngành công nghiệp khai thác, chế biến phát triển mạnh, thu hút nhiều nhân tài vật lực. Đồng thời “Nghĩa Đàn, Phủ Quỳ” vốn đã là một địa danh quen thuộc, từng là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc… sẽ thuận lợi cho Nghĩa Đàn liên kết, liên doanh với các địa phương, đơn vị xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch.
- Tiềm năng quỹ đất của huyện xếp thứ 4 trong các huyện miền núi thấp, chỉ đứng trên thị xã Thái Hòa mới thành lập, nhưng với lợi thế về đất đai, khí hậu thời tiết nên Nghĩa Đàn đang là nơi chiếm phần lớn về chủng loại và quy mô diện tích các cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và cây nguyên liệu của tỉnh.
- Nghĩa Đàn có nguồn nước dồi dào. Là huyện được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn nước của hai công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh, đó là hồ Sông Sào (đã xây dựng), công trình thủy lợi – thủy điện Bản Mồng (chuẩn bị khởi công) cùng 113 công trình hồ đập đã có, là thuận lợi lớn trong phục vụ sản xuất, huyện có điều kiện đầu tư thâm canh công nghệ cao nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhất là với cam, cà phê và mía nguyên liệu.
- Tuy không giàu khoáng sản như một số nguyên liệu khác trong vùng, nhưng Nghĩa Đàn đang sở hữu khoáng sản quý hiếm là đá Bazan – nguyên liệu không thể thiếu trong công nghiệp sản xuất xi măng, sản xuất đá Puzơlan.
- Nghĩa Đàn có nguồn lao động dồi dào, với bề dày lịch sử đoàn kết, yêu nước và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Cùng với việc có nhiều doanh nghiệp nông – lâm – công nghiệp đang đóng trên địa bàn và vùng phụ cận cũng là lợi thế lớn của Nghĩa Đàn trong việc tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống.
- Nghĩa Đàn luôn có sự ổn định về chính trị, an ninh quốc phòng cũng là thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.
3.2. Hạn chế
Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi một số vùng còn thấp, sức cạnh tranh hàng hóa yếu, giá trị trên một đơn vị diện tích chưa cao. Hợp tác xã nông nghiệp chưa thực sự đổi mới về chất, nhiều hợp tác xã còn tồn tại trên hình thức, một số đơn vị tư nhân kinh doanh không hiệu quả, cơ sở vật chất nông nghiệp - nông thôn nhìn chung còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa và đời sống, lao động thiếu việc làm còn nhiều, thu nhập giữa các vùng, miền và các tầng lớp nhân dân còn chênh lệch lớn. Tệ nạn xã hội đang còn nhiều tiềm ẩn phức tạp.
Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân cũng như để đáp ứng với nhu cầu đô thị hoá nông thôn, ngoài việc tận dụng nâng cấp, cải tạo các công trình hiện có, không thể không đáp ứng một diện tích thoả đáng để xây dựng thêm các công trình văn hoá - thể thao, khu vui chơi giải trí... trong thị trấn và các điểm dân cư trên địa bàn huyện.
Như vậy, với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây cũng như dự báo phát triển trong tương lai, trong khi quỹ đất của huyện lại có hạn, thì áp lực đối với đất đai của Nghĩa Đàn đã và sẽ ngày càng gay gắt hơn (nhất là ở các khu vực thị trấn, thị tứ và các tụ điểm kinh tế phát triển ), dẫn đến sự thay đổi trên phạm vi rộng lớn và sâu sắc tình trạng sử dụng đất của huyện hiện nay. Do đó trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của huyện cần phải xem xét một cách nghiêm túc việc khai thác sử dụng đất theo hướng khoa học trên cơ sở; tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả; bố trí sử dụng phải đáp ứng được nhu cầu về đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cả ở hiện tại cũng như lâu dài.
3.3. Áp lực đối với đất đai
Từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của huyện cho thấy áp lực đối với đất đai ngày càng gia tăng, đặc biệt trong giai đoạn tới do nhu cầu đất đai phục vụ
cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Áp lực đối với đất đai ngày càng tăng được thể hiện trên các mặt sau:
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp (công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến), xây dựng (bao gồm cả khai thác vật liệu xây dựng), du lịch, dịch vụ. Đồng thời với việc xây dựng hạ tầng kiến trúc đô thị, hạ tầng cơ sở nông thôn hiện đại phù hợp với quá trình phát triển, là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Mục đích sử dụng đất sẽ được quy hoạch cho phù hợp với xu thế phát triển trên từng địa bàn.
- Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp đang là những thách thức lớn trong quá trình phát triển, do quỹ đất nông nghiệp hạn chế.
Nhìn chung sức ép đối với đất đai của huyện trong giai đoạn tới rất lớn và phần nhiều sẽ lấy vào đất nông nghiệp, cần phải sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả và gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái, bền vững.
PHẦN II