Tuyệt chủng là một quá trình tự nhiên

Một phần của tài liệu Giáo trình đa dạng sinh học (Trang 44)

Sự đa dạng loài trên thế giới đã được tăng lên kể từ khi cuộc sống được hình thành. Sự gia tăng này không đều, hay đúng hơn mang tính chất của các thời kỳ có tỷ lệ hình thành loài cao, theo sau đó là thời kỳ thay đổi không đáng kể và giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt (mass extinction). Điều đó được coi như là hậu quả của một số vấn đề nguy hại có qui mô lớn, như là sự tràn ngập của nham thạch núi lửa, sự va chạm của các thiên thạch gây ra những sự thay đổi mạnh mẽ trong khí hậu trái đất làm nhiều loài không còn khả năng tồn tại. Tuy nhiên, sự tuyệt chủng loài xảy ra thậm chí không bắt nguồn từ những xáo động to lớn. Lý thuyết tiến hóa nói rõ rằng một loài có thể bị dồn vào tuyệt chủng do không cạnh tranh nổi với một loài khác hay do bị ăn thịt. Một loài có thể tiến hóa từ một loài khác để đáp ứng với những thay đổi của môi trường hay là do sự thay đổi ngẫu nhiên của quỹ gen. Hiện tại chúng ta cũng không biết đầy đủ những nhân tố xác định sự phồn thịnh hay suy thoái của một loài, nhưng ít nhất chúng ta có thể khẳng định rằng sự tuyệt chủng là một hiện tượng nằm trong chu trình vận động của tự nhiên tương tự như sự hình thành loài.

Nếu tuyệt chủng là một phần trong các quá trình tự nhiên, thì tại sao lại phải suy nghĩ và quan tâm nhiều đến chuyện mất mát các loài. Câu trả lời nằm trong mối tương quan về sự tuyệt chủng và hình thành loài. Sự hình thành loài là một quá trình diễn ra rất chậm, qua sự tích luỹ dần các đột biến và những sự chuyển đổi các allen qua cả hàng chục ngàn năm thậm chí cả hàng triệu năm. Kirchner và cộng sự (2001) đã báo cáo rằng, trung bình trái đất cần khoảng 10 triệu năm để hồi phục sự đa dạng từ những tuyệt chủng mang tính toàn cầu. Nếu tốc độ của việc hình thành loài tương đương hay vượt quá tốc độ tuyệt chủng, sự đa dạng sinh học được duy trì hay tăng lên. Trong lịch sử các thời kỳ địa chất, đa dạng sinh học tương đối ổn định nhờ sự cân bằng giữa sự hình thành loài mới và sự tuyệt diệt loài cũ. Tuy nhiên trong những khoảng thời gian ngắn hơn, tốc độ đa dạng hóa kém hơn nhiều so với tốc độ tuyệt chủng. Điều đó có nghĩa là sự tiến hóa của sinh giới sẽ không theo kịp với những sự tuyệt chủng nhanh chóng. Một trong những lý do để giải thích tại sao sự đa dạng lại cần phải có một thời gian dài như thế để phục hồi, đó là sự tuyệt chủng không chỉ là mất đi một hay một số loài mà cả tổ sinh thái - vai trò của loài trong hệ sinh thái - cũng bị mất đi. Sự phục hồi trở nên phức tạp do những vai trò chuyên biệt như là vật ký sinh, thức ăn,... thích hợp, do vậy các loài không thể hình thành được khi chưa có sẵn vật chủ, nguồn thức ăn.

Các hoạt động của con người trong thời gian gần đây đang gây ra sự tuyệt chủng ở tỷ lệ vượt xa tỷ lệ các loài được thay thế. Sự mất đi của loài hiện nay là chưa từng thấy, không theo một qui luật nào và có thể là không cứu vãn được.

Một phần của tài liệu Giáo trình đa dạng sinh học (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w