Các chương trình du nhập, tái du nhập, hay mở rộng sẽ ngày càng gia tăng trong những năm tới khi các cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học xảy ra thường xuyên do ngày càng nhiều các loài sinh vật bị tiêu diệt trong thiên nhiên. Nhiều dự án tái du nhập cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng sẽ được các kế họach khôi phục chính thức do chính phủ đề ra thực hiện. Tuy nhiên, các chương trình tái lập quần thể cũng như các chương trình nghiên cứu chung về các loài có nguy cơ tuyệt chủng đang ngày càng chịu nhiều tác động của những sắc luật nhằm hạn chế bớt sự chiếm hữu cũng như sử dụng chúng. Nếu như các quan
chức chính phủ thực thi các bộ luật này một cách cứng nhắc đối với các chương trình nghiên cứu khoa học vốn không phải là mục tiêu cơ bản của luật, thì công việc nghiên cứu bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng có thể sẽ bị hạn chế. Các thông tin khoa học mới là rất cần thiết để lập nên những dự án cũng như để đề xuất các nổ lực bảo tồn khác. Các nhà sinh học bảo tồn cần phải giải thích về những lợi ích của các chương trình của họ để các quan chức chính phủ cũng như quảng đại quần chúng có thể hiểu được, và họ cũng cần giải quyết được những vấn đề chính đáng của các người nêu trên. Các quan chức chính phủ, những người làm cản trở cho các dự án khoa học, có thể sẽ làm hại tới các sinh vật mà họ đang cố gắng bảo vệ. Tuy nhiên, mối nguy hiểm đối với các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng do những nghiên cứu khoa học chậm trễ và do lập kế hoạch quá thận trọng là không đáng kể nếu so với sự suy thoái nhanh chóng của đa dạng sinh học trên thực tế mà nguyên nhân chính là do nơi cư trú bị hủy hoại, do ô nhiễm môi trường, và do khai thác quá mức.