Khái niệm tuyệt chủng có rất nhiều ý nghĩa và khác nhau tùy thuộc vào từng bối cảnh cụ thể. Một loài bị coi là tuyệt chủng (extinct) khi không còn một cá thể nào của loài đó còn sống sót tại bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu như một số cá thể của loài còn sót lại chỉ nhờ vào sự kiểm soát, chăm sóc, nuôi dưỡng của con người, thì loài này được coi là đã bị tuyệt chủng trong thiên nhiên hoang dã (extinct in the wild). Trong hai trường hợp trên, các loài có thể coi như bị tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu (globally extinct). Một loài bị coi là tuyệt chủng cục bộ (locally extinct) nếu như chúng không còn sống sót tại nơi chúng đã từng sinh
sống, nhưng người ta vẫn còn tìm thấy chúng tại những nơi khác trong thiên nhiên. Một số nhà sinh học sử dụng cụm từ loài bị tuyệt chủng về phương diện sinh thái học (ecologically extinct), điều đó có nghĩa là số lượng cá thể loài còn lại ít đến nổi tác dụng của nó không có chút ý nghĩa nào đến những loài khác trong quần xã.
Một vấn đề quan trọng đối với sinh học bảo tồn đó là khi nào thì một loài sẽ tuyệt chủng bởi sự giảm thiểu đáng kể phạm vi của nó, hay là sự suy thoái và chia cắt nơi sống? Khi quần thể của loài có số lượng cá thể hạ xuống ở mức độ báo động nhất định, nhiều khả năng loài sẽ bị tuyệt chủng. Trong một số quần thể một vài cá thể có thể sống dai dẳng vài năm hay vài thập kỷ, thậm chí có thể sinh sản, nhưng rồi cuối cùng số phận của nó cũng bị tuyệt chủng. Đặc biệt trong các loại cây gỗ, các cá thể bị cách ly, không sinh sản có thể tồn tại đến hàng trăm năm. Những loài này được coi là “cái chết đang sống”. Nói một cách nghiêm túc thì loài không bị tuyệt chủng vì một số cá thể còn sống, nhưng quần thể không còn sinh sản nữa, do vậy, tương lai của nó được giới hạn trong quãng thời gian ngắn ngủi của các cá thể còn lại.