Theo báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006 – 2010 của bộ Kế hoạch và đầu tư: Trong nhiều năm nay, cho dù thu ngân sách đã tăng đáng kể nhưng ngân sách nhà nước vẫn chỉ đáp ứng “khoảng 60% nhu cầu chi cần thiết tối thiểu”, theo báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006 – 2010 của bộ Kế hoạch và đầu tư. Bộ này thừa nhận, ngoài mức thâm hụt ngân sách cao (từ 5 – 6.9% GDP trong những năm gần đây), còn có những khoản chi ngoài ngân sách mà nếu đưa hết vào chi ngân sách thì mức bội chi có thể lên đến trên 10%. “Đây là một tỷ lệ quá cao, dẫn đến rủi ro lớn về khả năng trả nợ trong tương lai”, bộ thừa nhận. Thâm hụt ngân sách gần đây được bù đắp bằng vay nợ trong và ngoài nước chủ yếu dưới hình thức phát hành trái phiếu, nhưng bộ này thừa nhận thực tế mà ít người dám nói ra: “Hiện nay vẫn chưa rõ nguồn kinh phí để chi trả khi các trái phiếu đến hạn thanh toán là gì”[21]
Theo quy luật, có vay thì phải có trả. Để trả nợ gốc và lãi tính riêng cho các khoản vay ODA ưu đãi, ngân sách sẽ phải chi 70,250 tỉ đồng năm 2010, tăng cao so với 58,800 tỉ đồng năm 2009 và 51,200 tỉ đồng năm 2008, theo ủy ban Tài chính – ngân sách. Nguồn chi trả có thể sẽ không đáng lo, nếu những dự án đầu tư công được cấp vốn từ những nguồn vay nợ đó đạt hiệu quả, và sinh lời. Nhưng hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) lên đến 8 trong năm 2009 là minh chứng rõ ràng nhất cho việc đầu tư công có hiệu quả như thế nào. Bổ sung cho hệ số ICOR cao là những khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, cảng biển,… đã quy hoạch hoặc đã khởi công nhưng còn dang dở và cần lượng vốn lớn nữa để hoàn thiện. Gần đây, khi được hỏi về việc có 5,000 dự án công ở Việt Nam bị chậm tiến độ theo công bố của bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế
trưởng của ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Martin Rama đã trả lời là ông “không hề ngạc nhiên”. Ông giải thích: “Ngay cả những dự án ODA do chúng tôi tài trợ cũng bị chậm… Đó là tình hình chung với các dự án ở Việt Nam” [22]
Câu chuyện Vinashin là một ví dụ. Hàng trăm triệu USD vốn trái phiếu quốc tế được huy động và chuyển cho tập đoàn này vay lại. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn chưa hiệu quả, sự vỡ nợ của Vinashin đã đặt ra câu hỏi về lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế với môi trường kinh doanh Việt Nam. Cuối tháng 11 vừa qua, trang web của Bloomberg dẫn các nguồn tin từ công ty tư vấn tài chính Moody có trụ sở tại Mỹ cho biết, nợ xấu của Vinashin cũng ảnh hưởng xấu đến các ngân hàng Việt Nam.
Từ trường hợp đơn lẻ của Vinashin, chúng ta thấy được là chuyện quản trị nợ. Nợ không phải là xấu, nhưng cần phải tính toán đến hai yếu tố: hiệu quả từ những đồng vốn vay và hệ quả lâu dài nếu không giải quyết được dứt điểm vấn đề nợ. Những gì Hy Lạp, Ireland đang trải qua sẽ có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào. Chủ nợ rất dễ biến thành con nợ nếu không kịp thời điều chỉnh lối “ứng xử” với công nợ và tầm nhìn trong đầu tư.
Với tình hình vay nợ và hiệu quả sử dụng như vậy, không có gì ngạc nhiên khi tại cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa rồi không ít đại biểu đã tỏ ra lo ngại về nợ công và an ninh tài chính của đất nước.