Chính quyền đã chi vượt thu quá nhiều ngay từ khi cựu Tổng thống George W. Bush còn đang đương nhiệm. Số nợ trong giai đoạn này đã tăng thêm 4,900 tỷ USD và đến giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Obama con số này đã là 2,400 tỷ USD.
Ngoài chương trình cải tổ hệ thống y tế quốc gia, nước Mỹ còn phải chịu gánh nặng về bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm vỡ nợ, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2008. Xét về mục tiêu, những khoản chi mang tính phúc lợi là quá lớn trong tổng chi tài chính của Chính phủ Mỹ. Năm 2010, tổng cộng đã chi hết 1,984 tỷ USD, chiếm hơn 58%, trong khi thu nhập cả năm của chính phủ chỉ là 2,200 tỷ USD. Khoản chi mang tính nghĩa vụ này là sự tích lũy những lời hứa qua các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, vì thế nó vô cùng vững chắc, rất khó thu nhỏ. Nếu không cải cách, tỷ lệ này sẽ lên tới 80% sau 10 năm nữa. Đến năm 2025, tiền thu từ thuế của Mỹ sẽ chỉ đủ chi trả lãi suất và kế hoạch phúc lợi, không có chút dư thừa nào để làm việc khác nữa.
Một trong những nguyên nhân chính khiến ngân sách Mỹ thâm hụt mạnh là do dân số lão hóa. Ở Mỹ hiện nay có ba chương trình chăm sóc y tế, hỗ trợ y tế và an sinh xã hội chiếm một lượng lớn trong chi ngân sách của quốc gia. Điều này rõ ràng là không bền vững, và đó là lý do cần cắt giảm mạnh các chương trình xã hội tại Mỹ, cùng với việc tăng thuế.
Chi tiêu cho các gói kích thích kinh tế với hơn 900 tỷ USD nhưng không mấy hiệu quả, trong khi nguồn thu vẫn bị thu hẹp do tác động từ suy thoái kinh tế cũng là nguyên nhân làm bội chi ngân sách.
Mặt khác phải kể đến là chi tiêu cho các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, Libya cũng tác động không nhỏ đến nợ công và sự phục hồi kinh tế của Mỹ. Chỉ tính riêng chi tiêu cho hai cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, Mỹ đã tốn gần bốn tỷ USD.