Khủng hoảng nợ công của EU đang từ các nước ở vòng ngoại vi lan vào các nước trung tâm, đặc biệt là Italia, nền kinh tế lớn thứ ba của khối EU.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Italia công bố ngày 13/10/2010, nợ công của nước này đã lên mức kỷ lục mới trong tháng 8/2010 với hơn 1,840 tỷ euro. Chính phủ Italia dự đoán, hết năm 2010, nợ công của họ sẽ tăng lên 118.5% GDP và tiếp tục tăng lên 119.2% GDP trong năm 2011 trước khi giảm xuống còn 117.5% GDP vào năm 2012 và 115.2% vào năm 2013.
Trung Tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR)-tổ chức chuyên cung cấp dự báo và phân tích kinh tế độc lập cho các tổ tức cá nhân, chính phủ và khu vực thứ ba đã đưa ra nhận định này ngày 3/8/2011, giữa lúc mối lo nợ công có nguy cơ nhấn chìm khu vực đồng euro.
CEBR cho biết đã phân tích theo hai chiều hướng khác nhau đối với nền kinh tế của Italia và Tây Ban Nha và thấy rằng Italia khó có thể chống đỡ được với khối nợ công hiện nay cho dù lãi suất cho vay giảm, trừ khi nền kinh tế của quốc gia bên bờ Địa Trung Hải này tăng trưởng đột biến.
Trên thực tế, Italia đã tìm cách thắt chặt ngân sách và có kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách vào năm 2014.
Theo tính toán của CEBR, nợ công của Italia sẽ tăng từ 128% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 150% GDP vào năm 2017 nếu lãi suất trái phiếu chính phủ vẫn dừng ở mức trên 6% hiện nay và kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng 0.1% trong quý I/2011.
Nếu chi phí cho vay giảm xuống 0.4%, nhưng kinh tế không thoát khỏi tình trạng tăng trưởng chậm chạp thì nợ công của Italia vẫn ở mức 123% trong năm 2018, cao hơn gấp đôi mức qui định của Liên minh châu Âu (EU).[11]
Thị trường tài chính Italia ngày 2/8 đã trải qua "cơn sốt mới" khi lãi suất cho vaycủa chính phủ tăng cao kỷ lục kể từ khi lưu hành đồng euro. Thực trạng này đã làm gia tăng quan ngại rằng nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực đồng euro có thể rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Tại Italia, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên tới 6.18% cao hơn mức được ghi nhận vào ngày 21/7, khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo về kế hoạch ngăn chặn khủng hoảng nợ. Trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư đang bán rẻ trái phiếu của Tây Ban Nha và Italia do lo ngại các khó khăn về nợ công của hai nước này sẽ trầm trọng thêm vì kinh tế tăng trưởng chậm.
Chính vì thế khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, Chủ tịch phụ trách quản lý tài sản của Goldman Sachs, ông Jim O'Neill đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách châu Âu phải nhanh chóng phối hợp hành động ngăn ngừa áp lực thị trường buộc Italia phải xin cứu trợ vì Italia là mắt xích cực kỳ quan trọng trong kết cấucủa Eurozone và khoản nợ công của nước này giờ đã tương đương với 25% GDP của các nước châu Âu. Tuy nhiên, cho dù là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia hay Bỉ nối gót Ireland, vấn đề được mọi người quan tâm nhất là liệu Eurozone có đứng vững trong cơn bão nợ công.
Kể từ khi bắt đầu ý tưởng được cho là "không tưởng" về một châu Âu thống nhất, trải qua mấy thế hệ gian khổ nỗ lực, những người dân ở "lục địa già" cảm thấy hoan hỉ vì những thành tựu đạt được khiến thế giới kính nể trong việc nhất thể hóa về kinh tế và chính trị. Những gì mà châu Âu gặt hái trên con đường đi tới "Liên bang châu Âu", tới nay, được phản ảnh rõ nét nhất ở sự ra đời của đồng tiền chung - euro. Nhưng không ai ngờ 50 năm sau khi Tuyên ngôn Schuman (đánh dấu ý tưởng hợp nhất các nước châu Âu), 12 năm đồng euro được lưu hành trong giới doanh nghiệp, 8 năm đồng euro xuất hiện trong cuộc sống người dân châu Âu, đồng tiền chung của "lục địa già" phải đối mặt với sự đe dọa nghiêm trọng.
Trong "vấn đề Hy Lạp", "vấn đề Ireland" hay "câu chuyện" của các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, người ta đã thấy tầm quan trọng của chính sách tiền tệ linh hoạt. Lẽ ra khi rơi vào thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại, các nước như Hy Lạp hay Tây Ban Nha có thể giảm đồng nội tệ để giảm nợ, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu nhưng gia nhập Eurozone, họ không có thứ "vũ khí tiền tệ" này. Hơn nữa, sau khi xin cứu trợ, họ lại rơi vào tình trạng cần đến kích thích kinh tế thì lại phải thực thi những biện pháp khống chế sự tăng trưởng kinh tế(cắt giảm chi tiêu, tăng thuế). Vòng luẩn quẩn xuất hiện: "Để trả nợ phải thắt chặt chi tiêu - thắt chặt chi tiêu khiến nền kinh tế đi xuống - nền kinh tế đi xuống làm nợ tăng - nợ tăng lại phải vay thêm - muốn vay thêm lại phải thắt chặt chi tiêu". Hệ quả là trong Eurozone, nền kinh tế phải chịu thêm áp lực như tỉ lệ thất nghiệp cao, kinh tế tăng trưởng chậm chạp, có thể họ mãi mãi không thể trả hết nợ, còn nợ thì ngày thêm chồng chất và chỉ đợi nước phá sản.
Do đó, khi Hy Lạp rơi vào thế khó, lời khuyên nước này tạm rút khỏi Eurozone, dùng trở lại đồng tiền riêng của mình đã xuất hiện. Nhưng nếu Hy Lạp nghe theo lời khuyên đó, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và có thể là Italia cũng đi theo con đường của Hy Lạp. Bao nhiêu nỗ lực để tạo lập Eurozone có nguy cơ trở thành "dã tràng xe cát biển Đông". Tuy nhiên, việc rút ra khỏi Eurozone dù là tạm thời đối với bất cứ nước nào cũng sẽ gây ra khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng. Bởi hiện nay, ở các nước nằm trong diện nguy hiểm nêu trên, cánh cửa huy động vốn của ngân hàng đang hẹp lại nhanh chóng. Một khi thông tin rút khỏi Eurozone lan ra, những đồng tiền dù chỉ là gửi tiết kiệm ở ngân hàng cũng sẽ được rút ra để tìm đến nơi an toàn hơn, đẩy ngành ngân hàng tới chỗ sụp đổ. Hệ quả là nền kinh tế nước đó sẽ rơi vào thảm kịch.
Ở khía cạnh này, ông Klaus Regling-người đứng đầu EFSF hoàn toàn có cơ sở khi khẳng định: "Không một nước nào muốn từ bỏ đồng euro: Đối với các nước yếu hơn thì đó sẽ là một sự tự sát về kinh tế cũng giống như các thành viên mạnh hơn. Còn về mặt chính trị, châu Âu chỉ còn giữ được một nửa giá trị của mình nếu không có đồng euro". Và như vậy việc một nhà kinh tế nào đó nói rằng Hy Lạp Ailen, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… đang bị đồng euro "cầm tù" cũng không phải là không có lý.[12]