3.3.1. Thời gian hiện tại
Thời gian nghệ thuật thuộc bình diện hình thức thể hiện của hình tượng nghệ thuật. Nó là một trong những phẩm chất quan trọng định tính hình tượng, thể hiện phương thức tái hiện của thế giới nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật có vai trò to lớn trong việc tái hiện thực tại nghệ thuật, tổ chức nên nội dung và hình thức tác phẩm để khám phá thế giới và con người. Nó vừa là khách thể (đối tượng phản ánh)vừa là chủ thể được cảm nhận một cách chủ quan. Nó chịu sự chi phối bởi tư tưởng triết học, mĩ học của thời đại, dân tộc, tác giả và nhiệm vụ nghệ thuật của tác phẩm, thời gian nghệ thuật vì vậy mà
“có thể đảo ngược, quay về quá khứ, có thể vượt tới tương lai xa xôi, có thể
dồn nén một thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài chốc lát thành vô tận” [1,322].
Cũng từ tâm thế người kể của tác giả, thời gian trong Trùng Quang tâm
sử mang dấu ấn thời gian trần thuật. Thời gian hiện tại được Phan Bội Châu
tái hiện thông qua việc quy về thời gian sự kiện, thể hiện tính liên tục sáng rõ của nó. Tất cả nhằm tới sự liền mạch cố kết, tạo nên sự tương hợp cho nội dung của tiểu thuyết.
Sự liền mạch trong thời gian ở tiểu thuyết Trùng Quang tâm sử, được vận hành bởi trình tự tuyến tính: Sự kiện diễn ra trước kể trước và ngược lại. Cuộc khởi nghĩa Trùng Quang qua nhiều thời kì, từ “hào kiệt ăn thề” đến “xoay chuyển càn khôn” nhưng tất cả đều phát triển theo một trình tự thuận chiều, khơi thông, rõ nét. Ở đây có sự hàm ý nghệ thuật hướng đến đối tượng quảng đại quần chúng của Phan Bội Châu. Thời gian trần thuật tuyến tính tạo cho tác phẩm bước tiến triển rõ ràng, mạch lạc, dễ nắm bắt phù hợp với trình độ tư duy của mọi giai tầng trong xã hội.
Trải theo kết cấu thời gian trần thuật, mỗi hồi trong Trùng Quang tâm sử đều gắn với những sự kiện khác nhau và sự kiện đó lại đi theo từng nhân vật cụ thể, mà các nhân vật trong tác phầm đều sát bước trên hành trình đấu tranh yêu nước. Lấy bối cảnh trận mạc, cùng hợp với tinh thần chiến đấu yêu nước gấp rút, thời gian trần thuật hoạch định những chặng đường cách mạng cụ thể trên tinh thần quán triệt, dứt khoát, chính xác và khẩn trương.
Từ ngày đầu hội Trùng Quang chính thức đoàn kết với tư cách là một tổ chức cách mạng, phương hướng cách mạng là nhiệm vụ được chú trọng phân kì, hoạch định ra sớm nhất: ‘‘Chúng ta bất luận thế nào, đều nhằm mục đích
duy nhất là quang phục tổ quốc. Việc cần làm trước hết là thời kì vận động, rồi tiến đến là thời kì tiến hành và tiếp theo nữa là thời kì kiến thiết. Thời kì sau đó nữa tức là sau khi khôi phục đã thành công sẽ có những người nối tiếp ta đảm đương,Chúng ta chỉ cần gắng sức lo toan cho hai thời kì trên” [2,42-
43]. Theo sự quán triệt phân kì này của cách mạng Trùng Quang diễn ra chi tiết, đốc thúc trong suốt chiều dài tác phẩm.
Đầu tiên là thời kì vận động ở đây bao hàm cả về mặt cơ sở vật chất và về nhân lực cách mạng. Khí giới là vấn đề tiên quyết được chú trọng đầu tiên: ‘‘Nếu không có khí giới đầy đủ thì chưa có thể đọ sức với quân giặc được” [2,45]. Đòi hỏi cần kíp cách mạng đặt ra là đi tìm thợ rèn để rèn binh khí. Ngay tức khắc Xí và Lực xung phong nhận nhiệm vụ. Ở đây, nổi bật một tinh thần quán triệt thời gian ăn nhập ngay từ những bước đầu của cuộc chiến.
Thời gian trần thuật luân chuyển theo bước hành động của nhân vật, mở ra những sắc thái thời gian khác nhau tùy theo tính chất nhiệm vụ. Tính sinh động trong Trùng Quang tâm sử được xuất điểm từ đó.
Nhiệm vụ “tải nhân” lí thú của Xí và Lực diễn tiến theo nhịp thời gian gọn nhẹ “Tới bến chợ thì trời đã về chiều, họ buộc thuyền ở ven bờ, bóng tà
dương đã lẫn vào trong núi, sao chiếu lấp lánh trên mặt nước và ánh sáng đèn chài chiếu xa xa” [2,48]. Rất tự nhiên, thời gian chuyển từ lúc vừa tối đến
chập tối và qua đến nửa đêm. Tính chất của nhiệm vụ đã được đặt ra ngay từ đầu là đi mời thợ rèn, nhưng nếu họ không chịu đi thì bắt cóc. Vậy nên, việc đưa hành động vào thời điểm đem tối là rất hợp lí, có cảm giác hài hòa trong sự phát triển của sự việc và hình tượng.
Khởi hành vế sau khi đã cướp được hai bác thợ rèn: Vân và Mục. Thời gian tiến theo bước hành trình của nhân vật, chuyển câu chuyện qua một bối cảnh mới, thể hiện một sắc thái hành động mới. Cứ như vậy, thời gian trôi đi, đan xen hòa quyện những sắc thái hình tượng khác nhau nhưng đều quán triệt bởi tinh thần nhanh gọn, chính xác .
Có một điều đặc biệt, trong cách lưu hành nhịp thời gian của Phan Bội Châu, thời gian trần thuật diễn tiến theo khắc đoạn của câu chuyện nhưng không cứng nhắc rập khuôn mà có nhịp xen, nhịp chuyển rất thú vị. Chẳng hạn, ở đây xác định bởi quá trình vận động cách mạng là về hai mặt: nhân sự và vật chất. Tác giả đan xen, kết hợp trong bước phát triển của hai mặt nhiệm
vụ song hành cùng nhau. Trong quá trình đi tìm nguồn lực vật chất thì nguồn lực nhân sự cũng được lồng vào rất có duyên trong đoàn trở về của Xí và Lực. Sau khi tìm được thợ rèn hoàn thành nhiệm vụ vận động mặt vật chất, trên đường về gặp chuyện bất bình nên xắn tay áo mà can thiệp. Để làm được việc hai người cần tìm một người thông hiểu trong vùng chợ, vậy là gặp ông Chân: bày tỏ tâm ý cùng nhau, hoàn thành tâm nguyện giữ công lý - giết tên quan Tuần kiểm giải nguy cho anh Hạnh; họ lên đường cùng nhau về trại Trùng Quang, trở thành đồng chí nhân lúc cách mạng được vân động tự nhiên, có thể nói là mang tính chất của chữ duyên trong cuộc đời. Sự sáng tạo này của Phan Bội Châu tạo nên tính chân thực và độ tin cậy cao cho tác phẩm. Hơn thế nữa, đặc tính của thời gian hiện tại của chiến tranh không cho phép nó trôi lan man, mọi tình tiết đều phải cô động. Mỗi thời kỳ cách mạng chứa đựng trong nó nhiều nhiệm vụ, rất nhiều vấn đề. Sự đan xen giữa các sự kiện các nhiệm vụ của cách mạng tạo sự gắn kết nhuần nhuyễn và tiết tấu dồn dập cao trào cần phải có trong chiến đấu.
Trong thời gian hiện tại ở Trùng Quang tâm sử, có một chi tiết tạo bước phát triển liền mạch, định hình cốt truyện chắc mạnh đó chính là việc đưa vào các điểm móc, thời gian cụ thể ngày, tháng, năm. Những dãy số khoảng 16, 17 tháng tám, tối hôm 30 tháng tám, nguyên ngày 16 tháng tám, bây giờ đã hạ tuần tháng chạp tới…xuất hiện với tần số khá cao. Chúng được tác giả đặt vào những vị trí phát triển chủ chốt của cuộc cách mạng Trùng Quang, tạo điểm nhấn đặc biệt cho trình tự thời gian nghệ thuật. Hơn nữa, lại có tính cụ thể, dễ nắm bắt theo dõi, tạo vị thế nhìn tác phẩm có tính hệ thống .
Thời gian trần thuật hiện tại cứ vậy kéo câu chuyện, kéo nhân vật đi đến hồi kết. Trong những bước chuyển đó, luôn có sự quán triệt với những điểm thời gian hạn định, nhịp theo tiết tấu dồn dập, tạo nên sự quyết liệt cho cuộc chiến, sự giứt khoát nhanh gọn trong hành động của nhân vật .
Trong tiểu thuyết, thời gian của lối trần thuật hiên tại còn được Phan Bội Châu kết hợp với hình thức nghệ thuật khác như: kết cấu chương hồi, kết cấu
hình tượng nhân vật, kết cấu không gian … giúp cho việc kể chuyện đạt được yêu cầu tạo hình và biểu hiện. Đưa lại khả năng tái hiện bức tranh hiện thực đời sống, thể hiện quan niệm tình cảm của nhà văn.