Không gian chiến trận

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Thế giới nhân vật trong Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu (Trang 63)

Cùng với việc sử dụng không gian làng quê khá quen thuộc với mọi người càng đi sâu vào từng bước chân của nhân vật, tác phẩm mở ra những biên độ không gian rộng gắn liền với đời sống, nối tiếp với nhau hướng về không gian chiến trận, tranh đấu.

Hai mươi chương của tiểu thuyết đều được tác giả định vị bởi một tiêu đề cụ thể, mỗi tiêu đề mang một nét không gian tương ứng với nội dung trình bày trong đó. Chẳng hạn, ở chương thứ 8 có tiêu đề ‘‘Tráng sĩ đăng đàn” thì

nội dung tương ứng trong đó nói về sức mạnh của bộ xương đồng gân sắt lạ lùng của ông Võ. Nhưng vì thái độ thờ ơ với thời cuộc, sức mạnh của ông

hoài phí theo ngày tháng. Khi được Tinh và Chí phân tích cặn kẽ, khai thông mê muội thì khoái chí nhận ra mình “bây giờ mới thoát thai mà đẻ vào cõi

người”. Từ đó ý thức được phận sự của một con người là cống hiến sức mình

cho cộng đồng. Ông Võ lên đường gia nhập quân đội ở Trùng Quang, hăng hái góp sức cho cách mạng không tiếc công sức, không tiếc tính mạng.

Tiến trình câu chuyện cứ vậy mà trôi chảy, mỗi cảnh huống mở ra một mảng màu mới soi rọi vào ý thức của người đọc. Không gian đa chiều ở đây tạo nên sự đa diện, phong phú cho tổng diện chiến trận Trùng Quang. Sự hào hứng cảm thụ nơi người đọc, đàn hồi chứa đựng ý nghĩa nhân sinh phong phú.

Trong Trùng Quang tâm sử, chúng ta bị lôi cuốn bởi những quang cảnh chiến tranh tràn ngập hào khí và sôi động. Nếu không gian làng quê là nơi diễn ra mọi tội ác của giặc thì qua không gian chiến trận ta thấy hiện lên tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu quật cường. Ở không gian chiến trận này, những phẩm chất anh hùng và yêu nước của nhân vật được khắc họa một cách đậm nét hơn. Đây là một sân khấu lớn để họ phô hết tài năng kiệt xuất của mình. Các nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết Trùng Quang tâm sử, đều mang trong họ những cốt cách đặc trưng: giỏi binh pháp, giỏi điều binh, giỏi quán xuyến… Tất cả những cốt tính này là năng khiếu thiên bẩm trong nhân cách họ, nhưng nếu không gặp hoàn cảnh, nhân cách ấy sẽ không hoặc kém phát huy công hiệu. Ở đây ta gặp một điển hình là ông Chân, mặc dù có tài có tâm nhưng trong thế đơn lẻ ông cũng chịu ngồi bó gối chờ thời.

Khi đặt những tài năng giữa không gian kịch tính của chiến trận, giữa cuộc đấu tranh một mất một còn thì những tài năng được vận hành hết công suất. Điều đặc biệt là những nhân vật tác giả đưa vào cuộc chiến đấu anh dũng đều là những con người xuất phát từ không gian đời thường. Điều này cũng đi từ dụng ý khích lệ tinh thần chiến đấu trong nhân dân. Cho họ biết, ở trong họ có nhiều tài năng bị vùi quên bởi tự ty, mặc cảm.

Không gian chiến trận trong tác phẩm còn là nơi mà các anh hùng thực sự được ghi nhận, là nơi rực sáng ánh hào quang chiến thắng của ý chí chiến đấu, ý chí cứu quốc.

Đậm màu nhất trong Trùng Quang tâm sử là không gian rừng núi, nó là một phần của không gian chiến trận. Tính hùng vĩ là tĩnh mặc của không gian rừng núi góp sức, tạo nên sự đa sắc thái cho không gian chiến trận. Ở đó, vừa có sự hùng dũng của cuộc chiến, lại vừa chứa đựng những màu sắc rất thơ mộng, không gian rừng núi trong tác phẩm tạo sự điều hòa cho chiến trận Trùng Quang.

Bức tranh đa diện trong Trùng Quang tâm sử, cho thấy bản lĩnh quan sát, khắc họa của người họa sĩ bậc thầy - Phan Bội Châu. Cũng tìm kiếm thước màu từ cuộc sống thường trực, cũng tạo ra những mảng màu đó mang sắc thái nghệ thuật trong tác phẩm của mình, nhưng ở Trùng Quang tâm sử, khoảng đời của một thời đại đã được tái hiện sắc sảo, đầy những xúc cảm rung động.

Tấm lòng yêu nước xót nòi đã hướng ánh nhìn của Phan Bội Châu đạt đến độ sắc sảo, uyên thâm hơn. Không gian trong Trùng Quang tâm sử là cái không gian mang tình cảm, xúc cảm rất thật được chuyển từ tâm huyết của tác giả. Bởi vậy, giá trị chuyển tải nội dung của tác phẩm đạt đến tối đa. Hôm nay, đọc Trùng Quang tâm sử, chúng ta vẫn cảm nhận trọn vẹn khí thế lên

đường cứu nước của một thời. Vượt thời gian, cuốn tiểu thuyết của Phan Bội Châu khẳng định giá trị trường tồn của mình, khẳng định tài năng và tâm huyết của tác giả - Phan Bội Châu.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Thế giới nhân vật trong Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w