3.2.1. Không gian làng quê
Không gian nghệ thuật là “hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật; là
sự mô hình hóa thế giới của tác giả. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm mang tính biểu trưng và quan niệm’’ [7,120]
Tầng nghĩa của tác phẩm văn học sẽ không còn nếu tách hình tượng ra khỏi không gian mà nó tồn tại, bởi không gian là nơi chi tiết hóa điểm nhìn về thế giới và chiều sâu cảm thụ của nhà văn. Đồng thời cũng là nơi cung cấp dữ liệu cho việc phát hiện tính độc đáo của hình tượng nghệ thuật; có khả năng biểu đạt được xúc cảm của tác giả một cách tinh tế, chính xác và trọn vẹn ra tác phẩm, có khả năng đưa độc giả đến các tầng bậc trải nghiệm sâu sắc. Không gian nghệ thuật, do đó là bộ phận hữu cơ không thể thiếu trong tác phẩm văn học.
Sự nhận thức đầy đủ về thảm cảnh của đân tộc, mất niềm tin với lí tưởng trung quân, Phan Bội Châu thực sự đã nhận ra sức mạnh đáng trọng nhất của cuộc cách mạng là đông đảo quần chúng nhân dân.
Với lối kết cấu không gian đa chiều, tiểu thuyết Trùng Quang tâm sử đã khích lệ quần chúng đứng lên vì sự nghiệp cứu quốc. Không gian đa chiều mang lại ở tác phẩm là cảnh hừng hực khí thế chiến đấu, khơi gợi cảm xúc phấn khích; vừa là những bức tranh mang màu sắc nông thôn, rừng núi, quán xá… rất đời thực, gần gũi với đời sống bình dị mang lại cảm nhận thân thiết.
Những bức cảnh không gian cứ dần mở ra theo sự phát triển của tuyến hình tượng nhân vật. Mở đầu Trùng Quang tâm sử là không gian làng quê ai cũng nhận ra. Sau đoạn giới thiệu mở đầu lộng lẫy màu sắc chiến công của tổ tiên, Phan Bôi Châu pha thêm màu mới với sự dân dã hóa không gian nghệ thuật ‘‘Ở ngoài tỉnh thành Nghệ An dọc theo Sông Cấm, đi ra phía Bắc, có
một người quẩy hai thùng nước mắm, dọc đường vừa đi vừa rao” [2,23].
Những chiều cảnh không gian tác giả dựng nên trong tiểu thuyết, đa phần là cảnh gần gũi với đời sống của người dân. Ở đó, đủ các hoàn cảnh phong phú :đồng ruộng, chợ búa, đường làng, quán trọ, chùa chiền và có kĩ viện. Không gian mở ra rất đa sắc thái nhưng đều xuất phát từ đời sống hiện thực của nhân dân cả. Mỗi hoàn cảnh trong đó tác giả lại làm nổi bật ý chí căm thù giặc, sự thức tỉnh cách mạng rất sâu sắc. Nhắm đúng mục tiêu khai thông dân trí, những không gian của Phan Bội Châu tạo nên những rung động đáng nhớ. Những rung động này gieo vào lòng người dân những cảm nhận mới mẻ về bản thân và không gian đời sống quanh mình. Sự tài tình trong dụng ý sáng tạo của Phan Bội Châu đưa lại những hiệu quả nhận thức tối trọng.
Phan Bội Châu chọn không gian làng quê để khởi đầu tác phẩm. Nhưng làng quê ở đây không êm dịu như bản chất vốn có của nó, mà hiện lên khắc nghiệt bởi số phận nó mang lại là sự nô lệ. Sự ngột ngạt của nạn cảnh ngoại xâm, được tác giả định hình ngay từ bối cảnh khắc nghiệt của hai đối tượng thời tiết ‘‘trời về mùa đông, gió rét như cắt…” và cái nắng oi bức, khó thở của buổi đứng trưa. Sự ngột ngạt của môi trường phải chăng làm nền báo hiệu cuộc sống khắc nghiệt của con người trong đó.
Ruộng đất là cuộc sống của nông dân. Nhưng dưới sự bóc lột, bòn rút của giặc Ngô, cuộc sống ấy bị đè nặng bởi sưu cao, thuế nặng. Nhân dân luôn sống trong tình trạng nơm nớp: ‘‘Không đủ nộp thuế thì sẽ chết với bọn quan
lại thôi” [2,24]. Không gian run rẩy, tắc nghẹn trong nỗi sợ sệt vô cùng của
nhân dân trước cường quyền. Thực cảnh đau khổ của nhân dân hiện lên rõ nét. Nỗi khổ ở đây là nỗi khổ của sự mất tự chủ của kiếp nô lệ. Mặt Xý bỗng đỏ bừng, đầu tóc dựng đứng, thét lớn: ‘‘Con thề giết hết bọn giặc đó!” ,
“Quân giặc đã bất nhân đến cực độ, con thề phải giết hết bọn chúng mới thôi” [2,25]. Ý chí của Xý, dẫn tới hành động phá ngục cứu chú Cựu thoát ra
khỏi kiếp nô lệ, làm một người tự do ở chốn lục lâm.
Đặt nét bút đầu tiên lên trang tiểu thuyết Trùng Quang tâm sử, tác giả đã
đi tìm cho nó một vị thế. Chọn không gian làng quê gần gũi nhất với nhân dân, chứa đựng trong đó những cận cảnh có thực của cuộc sống, sự tàn ác của quân giặc, nỗi sợ sệt đáng thương của nhân dân và sự nổi bật đáng trọng của tinh thần đấu tranh bất khuất đã được biểu hiện rõ nét hơn, giàu ý nghĩa hơn. Các lớp không gian đều có ý nghĩa biểu hiện cuộc đời, song mỗi không gian đều phản ánh những phương diện ý nghĩa thiêng liêng. Tác phẩm đề cao tinh thần đứng lên chiến đấu, dẫn tới sự chiêm nghiệm: sống như thế nào để có ý nghĩa trong cuộc đời.