Hai lần đi Tây Nguyên từ 208D Đội cấn (Hồi kí vui)

Một phần của tài liệu tập san viện cơ học việt nam 30 năm xây dựng và phát triển (Trang 148)

(Hồi kí vui)

Trần Văn Trản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

ôi về Viện Cơ học tháng Tám năm 1986 sau tám năm làm việc tại Viện Kĩ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng. Trong tám năm thích hợp nhất cho tuổi làm khoa học đó, tôi phải làm những việc chẳng đâu vào đâu, ít gắn với chuyên môn được đào tạo. Thời gian đó có những sự kiện khó quên, đó là các đợt dã ngoại (chủ yếu ở Sơn Tây) để bắn thử vũ khí tên lửa “Việt - Mĩ”, nghĩa là động cơ thì lấy của các loại rốc két, phần lớn là loại không đối đất của Mĩ còn sót lại cộng với đầu đạn (tự chế) của Việt Nam. Cái sản phẩm “hợp tác” đó dùng để bắn như loại Cachiusa nhưng độ chính xác thì rất kém. Tôi nhớ lại những đợt dã ngoại đó để nói một điều là về Viện Cơ tôi cũng bắt đầu bằng hai đợt dã ngoại nhưng lần này ở tít tận Tây Nguyên.

T

Phải nói rằng việc chuyển ngành của tôi thời đó không dễ dàng vì tính quan liêu của các bộ máy. Nhưng khi tôi đã chạy xong các thủ tục ở phía quân đội thì có một số trục trặc ở phía nhận, tức là Viện Khoa học Việt Nam mà bản chất của những trục trặc đó là gì thì lâu rồi tôi không nhớ rõ. Chỉ nhớ rằng, một buổi chiều tháng Tám năm 1986, tôi đến ngõ 208 D Đội Cấn. Rất may tôi được gặp Cố Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo. Lúc đó Anh là Thư kí của Viện Khoa học Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Cơ học. Sau khi nghe tôi trình bày sự việc, với bản chất của một người tốt bụng và quyết đoán anh Đạo nói là Anh sẽ giúp đỡ. Và quả nhiên sự việc tiếp theo tiến triển rất nhanh. Tôi về Phòng Cơ học Chất lỏng do Giáo sư Nguyễn Văn Điệp phụ trách. Thông cảm với quãng thời gian tôi làm việc “không theo đúng chuyên môn” ở trong quân đội nên anh Điệp cho tôi vào nhóm nghiên cứu về các vấn đề cửa sông ven biển. Nếu chí thú với hướng nghiên cứu đó, và nhất là không phải đi dã ngoại khi mới chân ướt chân ráo về Viện Cơ thì chắc bây giờ tôi đã là một chuyên gia sâu về động lực sông - biển rồi cũng nên. Có nhiều kỉ niệm vui có, buồn có ở Viện Cơ nhưng tôi nhớ nhất là hai lần đi vào Tây Nguyên công tác theo yêu cầu của Viện lớn đối với Viện Cơ và Viện Cơ đối với tôi. Sau đây là ghi chép về các chuyến đi ấy theo hồi tưởng với độ xác thực tối đa sau 22 năm trời với biết bao sự kiện trong đời.

Những kỉ niệm sâu sắc 145 Không biết có phải là trùng hợp hay không với ý tưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ về việc thành lập cơ sở hai của họ ở Xibiri để phát triển các nghiên cứu ứng dụng, ngày ấy, theo tôi nghĩ, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, cũng như đại đa số chúng ta bây giờ, do không hiểu thật thấu đáo những cá tính hết sức đặc thù của người Việt Nam nên đã để cho chất thi sĩ lấn lướt khi ra quyết định xây dựng Tây Nguyên như một địa bàn triển khai các ứng dụng khoa học kĩ thuật của Viện. Nhiều cán bộ khoa học của Viện với những chuyên ngành khác nhau đã vào đó để khảo sát xem có thể làm gì để giúp Tây Nguyên trong việc khai thác các tiềm năng của vùng này. Trong số những người ấy có một cán bộ của Viện Sinh học, anh Cao Đắc Điểm, nằm vùng trong đó một thời gian, nghe nói để giúp đồng bào dân tộc đưa vào trồng thử một số giống ngô nước ngoài. Theo như báo cáo thì lúa, ngô, đỗ trong đó hàng năm bị thất thoát khá nhiều do bị ẩm mốc. Thế là ai đó (sau này tôi được biết chính là “cái cán bộ sinh học” (nói theo ngôn ngữ của đồng bào Tây Nguyên) nằm vùng nói trên) nêu vấn đề phải giúp bà con sấy ngũ cốc sau khi thu hoạch. Nếu tra từ điển thì thấy: sấy là một quá trình trao đổi nhiệt-chất. Tra tiếp thì lại thấy: trao đổi nhiệt-chất là một hiện tượng của cơ học chất lỏng và chất khí. Và nhiệm vụ đó được giao cho Phòng Cơ học Chất lỏng. Nói vui vậy thôi chứ ngày ấy nói về sấy là ai cũng biết Viện Cơ học có một nhóm đứng đầu là Tiến sĩ Trương Gia Bình đang triển khai một số hợp đồng về sấy nên giao cho Viện Cơ là một quyết định gần như mặc nhiên. Đó là những tháng cuối của năm 1986. Thời gian đó Phòng cũng chẳng có nhiều người, người nào cũng có nhiệm vụ cả rồi. Do nhóm của Gia Bình đang thực hiện các hợp đồng kinh tế, số khác thì bận viết luận án nên chẳng còn ai, mà nhiệm vụ chính trị được giao không thể chối từ. Cuối cùng tôi và anh Nguyễn Viết Xuân (tên khai sinh và tên thường dùng là Nguyễn Văn Xuân) phải nhận nhiệm vụ đi B, nghĩa là vào Tây Nguyên. Thế là tôi còn chưa kịp bắt tay vào làm quen với động lực học sông ngòi (nơi, hiển nhiên là có nhiều nước) thì đã phải quay sang sấy kiệt nó, tức là nước, nhưng không phải nước trong các dòng sông mà trong ngũ cốc. Phải đọc sách về kĩ thuật sấy, mà phải đọc gấp. Hóa ra nó là cả một khoa học, một khoa học ứng dụng với nhiều kiến thức dựa trên thực nghiệm và bán thực nghiệm. Thế rồi, vào một ngày tháng Hai, sau tết Đinh Mão (1987) chúng tôi lên đường, được đi bằng máy bay. Tôi và anh Xuân mỗi người tiêu hết của Viện hai tút thuốc bông lúa, không phải để hút hay để tặng các già làng Tây Nguyên mà là để mua vé máy bay, giá một lần bay đúng bằng một tút thuốc. Tây Nguyên nhìn từ trên cao quả là đẹp, bạt ngàn màu xanh, nếu chỗ nào không có cây thì màu đỏ của đất badan lại càng nổi bật. Sân bay vắng, nắng gió lồng lộng. Vết tích chiến tranh còn khá rõ qua xác xe các loại vất xung quanh sân bay. Tôi không nhớ là hôm đó có ai đón hay chúng tôi tự bắt xe về Adunpa, một huyện cách thành phố Pleiku gần trăm km. Tây Nguyên kể cũng hùng vĩ với các rừng cây, các mỏm đồi cao thấp và

Viện Cơ học 30 năm xây dựng và phát triển

146

đặc biệt là vết tích của một số miệng núi lửa có từ ngày phun ra cái chất đất đỏ Tây Nguyên bây giờ. Nhìn mãi mà chẳng thấy bức tranh đặc thù của Tây Nguyên mà tôi thường hình dung: những người đàn ông mặc khố cưỡi voi, và bức tranh khác mà nhiều người đàn ông dân tộc Kinh hình dung: hàng đoàn phụ nữ già có, trẻ có, chân dài có đội nước trên đầu, không cần mặc áo. Về đến nơi cần đến, chúng tôi được xếp ăn ở ngay trong Nhà khách của Ủy ban Huyện thì phải. Nơi đó ban ngày cũng ít người, ban đêm thì hình như chỉ có hai chúng tôi. Cái cán bộ sinh học kia quả là cán bộ nằm vùng. Anh ta bặt vô âm tín trong suốt chục ngày chúng tôi ở đó. Nghe nói anh ta vào trong bản ở với người dân. Mấy ngày sau là các cuộc tiếp xúc với một số cán bộ địa phương và lãnh đạo Công ty Lương thực Adunpa để xác định mục tiêu và nội dung công việc cụ thể của sự hợp tác. Những con số nêu lên nghe hết cả hồn, nào là nếu vận chuyển lúa ngô tươi trong một vụ từ Adunpa lên thành phố Pleiku để sấy (ở đó đã có một lò sấy từ bao giờ chẳng rõ) thì nguyên lượng hơi ẩm dư thừa chứa trong số ngũ cốc đó cần phải lấy ra trong quá trình sấy đã lên đến hàng chục tấn! Lúc đó hiểu biết về các loại máy sấy của chúng tôi thì quá sơ sài. Ban ngày gặp gỡ, chiều tối hai anh em ngồi với nhau nói lung tung về các phương án có trong đầu rồi tính toán ra các con số mà tôi tin là sai bét. Lo lắm, vào đây có nghĩa là cưỡi trên lưng voi rừng rồi, kiểu gì cũng phải làm. Xem ra những người ở địa phương mà chúng tôi cần gặp đón tiếp trọng thị lắm và hình như họ cũng tin tưởng là công việc hợp tác sẽ tốt đẹp. Lúc đó chúng tôi chỉ biết lắng nghe, ghi chép rồi tự nhủ ra Hà Nội sẽ đọc sách tiếp. Lại nhớ năm ấy vẫn trong thời kì bao cấp, nhưng cơm chúng tôi ăn no thì thôi, mà gạo lại ngon nữa chứ. Chỉ có điều, chị cấp dưỡng, không biết có phải quê ở Nhật Tân hay không mà ngày nào cũng thế, hai bữa chính đều nấu món giả cầy. Sau khoảng mười ngày thị sát thực địa, chúng tôi lại đi bằng máy bay ra Hà Nội.

Từ lúc nhận nhiệm vụ trong trạng thái “điếc phải cầm súng” đến khi chiếc máy sấy được mang vào lắp trong Tây Nguyên là khoảng thời gian một năm rưỡi. Tôi không nhớ chính xác những gì diễn ra trong đầu và ngoài đầu trong khoảng thời gian ấy, chỉ biết tôi và Viết Xuân tính toán nhiều phương án lò sấy tĩnh, đi thăm một số cơ sở có thể chế tạo cơ khí. Rồi chẳng biết thế nào mà chúng tôi gặp được một số chuyên gia đã từng chế tạo thử máy sấy động ở Viện Thiết kế Máy Nông nghiệp thì phải. Họ trong nghề có khác. Chỉ trong một thời gian ngắn họ đã làm cho chúng tôi tin rằng sấy ngũ cốc thì phải sấy bằng phương pháp động mới đảm bảo chất lượng. Chúng tôi tin ngay, mà sao lại không tin khi biết rằng một vài người trong số họ được đào tạo ở nước ngoài về lĩnh vực sấy hẳn hoi. Về phía họ - những người anh em đó, vớ được chúng tôi cũng như vớ được vàng vì họ cũng đang cần một địa chỉ để thử nghiệm sáng chế gần như đầu tay của mình. Gần đến thời gian cuối của giai đoạn lắp đặt vận hành thử máy sấy SH 001 (sấy hạt) ở địa điểm chế tạo thì Giáo sư Ngô Huy Cẩn được Viện

Những kỉ niệm sâu sắc 147 bổ sung phụ trách nhóm công tác. Tôi không nhớ rõ, có thể anh Cẩn cũng như tôi đều được giao làm máy sấy như công việc đầu tiên khi đặt chân về 208 D Đội Cấn.

Thế là tháng Tám năm 1988, ngày nào không nhớ, chiếc SH 001 lên ô tô để góp phần làm giảm hao hụt sau thu hoạch của đồng bào Tây Nguyên. Anh Xuân, với nhiệt huyết như chính ủy Viết Xuân ngày nào đã lên xe cùng nhóm chuyên gia bạn (ở đây là

các anh em ở Viện nơi chế tạo máy chứ không phải là người nước ngoài) tháp tùng máy sấy lên đường. Tôi, vì gày còm nên Viện lại ưu tiên cho hai tút thuốc Bông lúa. Nhưng cái chính là để tháp tùng anh Cẩn. Ngày ấy Phunrô còn hoạt động trong các cánh rừng Tây Nguyên. Thỉnh thoảng bọn chúng còn xông ra đường cướp của, bắt người. Chúng tôi (tác giả bài này và anh Xuân) tự xác định nếu mình có sa vào tay giặc thì sự mất mát của cách mạng cũng gần như bằng không, nhưng nếu Giáo sư Ngô Huy Cẩn mà bị địch bắt thì đó sẽ là một tổn thất lớn vì anh Cẩn, ngoài việc là một nhà toán học gặt hái được nhiều kết quả trong các không gian hàm, anh còn có một thời gian dài làm việc tại Viện Vũ khí, mà như ta đã biết, Phunrô lúc đó rất thiếu súng đạn. Hơn nữa, anh còn được biết đến như một nhà chiến lược quân sự tài ba sau khi xuất bản cuốn sách nổi tiếng: “Chiến tranh trong không gian Xôbôlép. Tiên đề và những nguyên lí” mà ngày nay được ứng dụng rộng rãi đến mức nó là cuốn sách gối đầu giường của các “vị tướng soái” trong các cuộc chiến Games đầy bạo lực trên Internet. Ý thức được những điều đó, và xuất phát từ cảm tình riêng của tôi đối với anh Cẩn nên trong suốt thời gian ở Nhà khách Ủy ban Adunpa tôi đã bí mật đề nghị với địa phương hàng tối cho người canh gác phòng ngủ của anh. Nghe nói, hai nữ dân quân trẻ gánh vác công việc cách mạng nặng nề đó, một là người Bana, người kia là dân tộc Êđê sau này đã được địa phương tặng bằng khen hay huy chương gì gì chẳng rõ.

Khi chúng tôi vào thì SH 001 đã dựng đứng, hiên ngang như một cái hộp tôn thiết diện không đều, cao chừng mười mét. Người ta tận dụng một cái nhà kho cũ để làm nơi đặt máy. Nguyên tắc hoạt động của máy nói ngắn gọn như sau: không khí được hút vào trong một đường ống, ống này được đặt trong cái lò đốt bằng trấu để làm dòng khí nóng đến một nhiệt độ nào đó (đừng cao quá kẻo lúa, ngô nứt vỏ thì hỏng). Thóc, ngô được guồng từ dưới lên đổ chảy tự do trong tháp, ở đó nó gặp luồng không khí nóng và nhả bớt hơi ẩm. Lúa tươi và lúa đã khô còn nóng được trộn theo một tỉ lệ nào đó để trao đổi nhiệt-ẩm là tốt nhất. Các mẻ sấy đầu tiên, sau khi đo độ ẩm ban đầu và độ ẩm khi lúa đủ độ khô cho thấy các thông số kĩ thuật đạt tiêu chuẩn. Tôi không được trực tiếp chứng kiến nhưng nghe một người trong nhóm nói lại là có một cụ già người Tây Nguyên đến xem máy sấy đã thốt lên: “Ái, à à. Cái cán bộ này giỏi quá. Chỉ dùng trấu mà cũng thay được ông mặt trời cơ à”. Chúng tôi ai cũng vui, thở phào nhẹ nhõm giống như tâm trạng một kẻ đang ngồi trên lưng con voi rừng hung dữ bỗng

Viện Cơ học 30 năm xây dựng và phát triển

148

nhiên nó lăn ra giãy đành đạch, thế là mình thoát thân. Niềm vui lớn đến nỗi, sau khi nghiệm thu xong máy tôi chẳng nhớ được một điều gì, ngoại trừ những giây phút nguy hiểm đến tính mạng trên đường trở ra Hà Nội thì mãi như một nỗi ám ảnh. Số là anh Cẩn, tuy là hậu duệ của cụ Ngô Thì Nhậm nhưng lại rất giản dị. Anh quyết định đi ra bằng ô tô chứ không đi máy bay để tiết kiệm thuốc lá, vì đi bằng ô tô chỉ hết có hai bao rưỡi. Thế là một chuỗi ngày dài ngồi bó gối đến mức không nhúc nhích được tí nào trong chiếc xe khách cũ kĩ chật cứng người và hàng hóa. Sự nguy hiểm là ở chỗ: trên nóc chiếc xe đó người ta chất đồ đến mức nó nặng hơn phần dưới khá nhiều. Mỗi khi nó chạy qua ổ gà hoặc đoạn đường gợn sóng thì có cảm giác nó sắp lật nhào vì quán tính phần trên lớn hơn phần dưới. May mà theo Định luật Hai của Niu Tơn thì lực quán tính phụ thuộc vào khối lượng chỉ là tuyến tính nên chúng tôi mới sống sót trong chuyến đi bão táp đó. Trong thâm tâm tôi luôn ngờ ngợ một điều là cái chuyến đi hành xác đến mức tột cùng đó có thể là nguyên nhân khiến anh Xuân sau gần hai lăm năm trông có vẻ già hơn trước tuổi, mặc dù về cuộc sống vật chất thì anh ấy từ lâu đã là niềm ao ước của hàng tá chân dài. Tôi thì hay giật mình, nhiều hôm mồ hôi vã ra như tắm, nếu quên không bật quạt trong màn. Còn anh Cẩn thì đến lúc về hưu vẫn chưa hoàn thành xong cuốn sách mà anh rất tâm đắc khi ở Tây Nguyên. Đó là quyển sách mà anh đã kịp đặt tên: “Những điều cần biết khi sấy trong không gian Bannắc”.

149

151

Một phần của tài liệu tập san viện cơ học việt nam 30 năm xây dựng và phát triển (Trang 148)