Những năm tháng vui buồn đáng nhớ

Một phần của tài liệu tập san viện cơ học việt nam 30 năm xây dựng và phát triển (Trang 138)

Nguyễn Ngọc Quỳnh,Phó Giáo sư, Tiến sĩ

ăm 1970, sau khi tốt nghiệp Phó Tiến sĩ ở Tiệp Khắc về, tôi được phân công về Phòng Cơ học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Ngày đầu tiên đến Phòng, tôi thật ngỡ ngàng thấy các anh Nguyễn Thành Bang, anh Nguyễn Tùng Sương đang lợp mái nhà tranh vách đất ở khu Đồi Thông. Anh Bang tâm sự với tôi: “Khó khăn lắm anh ạ, đề nghị mãi mới có ngôi nhà tranh 3 gian này”.

N

Phòng Cơ học được thành lập ngày nào tôi không rõ, nhưng những năm tồn tại khá vất vả, đã hai lần suýt bị giải tán. Lần thứ nhất cấp trên định đưa toàn Phòng sang Bộ Giao thông biệt phái (1971), rồi sau đó ai cần thì được gọi về Phòng, những người còn lại thì ở lại bên đó. Khi được tin này, chúng tôi đều hoảng và thắc mắc, kéo nhau đến nhà riêng của đồng chí Trần Quỳnh để trình bày nguyện vọng (có khoảng 9, 10 anh chị em trong đó có chị Phượng, chị Trung, chị Liên, anh Đỉnh, anh Đàm...). Đồng chí Trần Quỳnh lúc đó là Bí thư Đảng đoàn của Ủy ban Khoa học Nhà nước. Tôi nhớ trong số anh em phát biểu có anh Nguyễn Huy Đỉnh người Quảng Trị, phát biểu rất hăng: “Nếu chúng tôi có ai sai thì Ủy ban cứ phạt, tại sao Ủy ban lại đuổi hết tất cả chúng tôi”. Đồng chí Trần Quỳnh rất ôn tồn bảo với chúng tôi là đồng chí ấy cũng không thống nhất với phương án này, anh em cứ về, ngày mai Đảng đoàn sẽ bàn bạc.

Mặt khác, anh em cử tôi đến gặp anh Nguyễn Văn Hiệu, mới ở Liên Xô về là Ủy viên Ủy ban Khoa học, để vận động anh Hiệu không ủng hộ quyết định đi biệt phái. Xong việc ra về, đôi giày rất đẹp của tôi mang từ Tiệp về, để ngoài cửa nhà anh Hiệu ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã không cánh mà bay, tôi phải mượn giày anh Hiệu để đi về nhà. Quyết định đi biệt phái phá sản, nhưng chúng tôi vẫn luôn ở tâm trạng bất an.

Lần thứ hai, trong đề án xây dựng các viện, các phòng thuộc Ủy ban Khoa học Kĩ thuật Nhà nước, Phòng Cơ học bị xóa sổ vì họ cho rằng ngành Cơ học không cần thiết tồn tại. Chúng tôi vất vả lắm mới tổ chức được cuộc họp, mời các nhà khoa học đến tham dự. Tôi gặp anh Nguyễn Văn Hường, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trên đường Hoàng Văn Thụ đang đi đến dự cuộc họp. Anh ấy nói với tôi: “Vô lí quá, tại sao lại phải bỏ ngành Cơ học khỏi hệ thống Khoa học Nhà nước”. Cuộc họp hôm đó do Cố Giáo sư Trần Đại Nghĩa chủ trì và để cho các nhà Khoa học bên ngoài phát biểu là chính. Hầu như tất cả mọi người đều phản đối việc xoá sổ ngành Cơ

Những kỉ niệm sâu sắc 135 học. Nhờ cuộc họp đó mà sau này Phòng Cơ học được tồn tại và phát triển thành Viện Cơ học ngày nay. Tôi nhớ mãi câu nói đùa của Cố Giáo sư Trần Đại Nghĩa: “Cứ nghĩ cơ học cao xa làm tên lửa, đại bác mà chính làm ra cái máy sản xuất bánh cuốn cũng rất khó”.

Những năm tháng tồn tại của Phòng, việc nghiên cứu khoa học cũng khá vất vả, khi Phòng không có thiết bị thí nghiệm, tiền nghiên cứu không có nên phần lớn anh em tự kiếm việc bên ngoài để làm, một số thì nghiên cứu lí thuyết. Cũng như anh em, tôi vẫn hăng hái tập trung nghiên cứu ứng dụng bên ngoài.

Công trình đầu tiên (1971) của Tổ Dao động là khử rung phân xưởng máy phát điện Diesel của Trại gà Cầu Diễn. Tôi và chị Ngô Minh Phượng đạp xe toát mồ hôi mang theo máy Tastograph từ Hà Nội về Cầu Diễn. Đến Nhà máy thì không chạy được, do máy rung quá mạnh, sợ sập nhà. Tôi đề nghị Nhà máy cứ để cho máy chạy để chúng tôi đo đạc dao động và tìm nguyên nhân gây rung. Quả thật do máy rung quá mạnh nên khi chúng tôi vào đo cũng rất sợ nhà đổ nên phải làm thật nhanh để xác định được nguyên nhân gây rung. Chúng tôi kết luận do móng của Nhà máy thiết kế sai, bề rộng của móng quá nhỏ, chiều cao lại cao nên gây rung động ngang quá mạnh. Sau khi tìm nguyên nhân xong, móng được mở rộng theo bề ngang, đồng thời đào hào đầm cát xung quanh các móng.

Kết quả sau khi sửa xong, khoảng một tuần, toàn bộ phân xưởng máy chạy tốt, còn dao động nhỏ cho phép và xưởng đi vào hoạt động bình thường. Nhà máy hỏi chúng tôi có mua trứng hoặc gà giá rẻ không? Chúng tôi thấy ngại nên không mua và được nhà máy chiêu đãi một bát phở không người lái rồi cùng nhau đạp xe tiến về Hà Nội lòng đầy phấn khởi.

Một công trình nghiên cứu đáng nhớ của Tổ Dao động là giải quyết tốt rung động ở Nhà máy Xay Hà Nội ở thời kì tiền Viện Cơ học. Phân xưởng sàng, xay xát của Nhà máy rung động mạnh làm phá hỏng kết cấu sàn và dầm của xưởng máy. Nhà máy có hai ý trái ngược: Ông Giám đốc thì không tin chúng tôi làm được vì vấn đề phức tạp, còn ông Phó Giám đốc thì cho rằng chúng tôi có thể làm giảm rung được. Một điều đáng nói nếu không giải quyết tồn rung động thì phân xưởng phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất. Nhờ ý kiến cấp trên của Cục Lương thực nên chúng tôi được phép tiến hành nghiên cứu giảm rung động. Anh Nguyễn Cao Mệnh tính toán phần kết cấu, còn tôi tính toán phần đệm cách chấn để giảm chấn động truyền xuống sàn và dầm. Anh Thuấn mới về nên rất tích cực với công việc. Chúng tôi vào kho Nhà máy để tìm các tấm cao su từ băng tải bỏ đi cắt thành các miếng nhỏ tròn để đệm vào chân máy. Thực ra, các thông số về độ cứng và độ đàn hồi của các tấm cao su không có nên việc tính toán lí thuyết và thực tế không thể phù hợp một cách chắc chắn.

Viện Cơ học 30 năm xây dựng và phát triển

136

Tôi nhớ buổi sáng hôm đầu thí nghiệm, cho tấm đệm cao su vào chân máy thì máy và sàn càng rung mạnh. Trưa hôm đó, tôi và anh Mệnh rất lo là có thể thất bại, miệng đắng không ăn được cơm trưa. May sao chiều đến chúng tôi quyết định tăng gấp đôi bề dày đệm cao su vào chân máy và thật bất ngờ khi máy chạy, cả máy và sàn giảm chấn động một cách đáng kể. Chúng tôi làm thử thêm vài lần, thay đổi bề dày cao su đệm chân máy và tìm được một thông số tối ưu cho giảm chấn. Nhà máy phấn khởi, nhất là ông Phó Giám đốc và ông Trưởng phòng Kĩ thuật vì cả hai ông này hợp tác chặt chẽ, ủng hộ chúng tôi thực hiện công việc này. Sau kết quả thí nghiệm, chúng tôi hướng dẫn Nhà máy tự làm cho tất cả các máy trong phân xưởng, toàn bộ phân xưởng được sửa sang lại và máy chạy ổn định để sản xuất lâu dài. Nhờ kết quả này, cuối năm Nhà máy bán rẻ cho Phòng mấy tạ thịt lợn để chia nhau ăn Tết, ngày xưa thế là phấn khởi lắm rồi. Anh em vui vẻ vì đã làm được một việc có ích cho sản xuất chứ không mong gì đến khen thưởng.

Năm 1979 sau khi thành lập Viện Cơ học, Tổ Dao động được tách ra, tôi được làm Tổ trưởng Tổ Nền Móng. Còn phần dao động được thành lập phòng do anh Mệnh làm Trưởng phòng. Tuy Tổ tôi bị đúp lại chưa được lên Phòng, nhưng tôi động viên anh em cố gắng, có ngày lên lớp. Hồi ấy ngoài anh Bằng, Thuấn, Duy Sơn, Ngà và Vân Anh, chúng tôi có 2 cộng tác viên là chị Phượng và anh Nguyễn Đàn. Anh Đàn là cán bộ lãnh đạo của một Trung tâm ở Tổng cục Hoá chất về hưu nhưng rất thích nghiên cứu nên làm cộng tác viên không lương của Tổ. Chúng tôi tập trung hướng chính là nền móng ứng dụng vào thực tế sản xuất. Nhiều công trình nghiên cứu nền móng mang lại hiệu quả rất lớn như việc nâng tầng nhà làm việc của Ủy ban Khoa học Xã hội 36 Trần Xuân Soạn, Khách sạn của Tổng cục Điện lực ở đường Lê Thái Tổ... Có một công trình mà tôi nhớ hơn cả là giải quyết sự cố đóng cọc ở công trình Trường Dạy nghề do Liên Xô viện trợ ở Công trường Phú Thụy. Ông Trưởng ban Công trường đến Viện để nhờ chúng tôi giúp đỡ giải quyết vấn đề đóng cọc bê tông bị gãy. Cọc bê tông được chế tạo tại Nhà máy Sản xuất Bê tông ở Chèm dài 6m, nhưng không hiểu tại sao cọc đóng xuống được 4m thì gãy, không thể đóng thêm được nữa. Một điều khó khăn lớn nhất là bên A bắt công trường phải nhổ các cọc bị gãy lên. Việc đóng cọc xuống đất thì dễ, nhưng nhổ cọc lên lại là một công việc vô cùng khó khăn, Công trường không thể nào thực hiện được. Chúng tôi xuống Công trường để theo dõi việc đóng cọc và tính toán sức chịu tải của cọc qua độ chối của cọc ở độ sâu 4m. Kết quả nghiên cứu giúp chúng tôi đưa ra kết luận.

Cọc gãy ở độ sâu 4m là do gặp một lớp đất cứng (hoặc sét hoặc cát chặt). Tải trọng của cọc theo tính toán còn cao hơn sức chịu tải do thiết kế yêu cầu, vì thế các cọc gãy không cần phải nhổ lên. Kết luận này bên thiết kế không chịu và đổ cho chất lượng cọc bê tông kém. Mặt khác, họ cũng không chấp nhận sức chịu tải của cọc gãy

Những kỉ niệm sâu sắc 137 là đạt yêu cầu thiết kế nên phải nhổ lên. Chúng tôi yêu cầu họ cho xem tài liệu địa chất nhưng họ cũng không cho xem. Trước tình hình như vậy, chúng tôi đề nghị Công trường thực hiện hai việc:

Tổ chức nén cọc gãy tại công trường để xác định sức chịu tải do bên thiết kế chọn cọc và giám sát thí nghiệm.

Khoan địa chất công trình ở các vùng đóng cọc bị gãy để xem địa tầng của đất, nhất là lớp đất sân dưới 4m.

Tất cả việc này đều do Tổ chúng tôi thực hiện, còn Công trường chi phí để thí nghiệm. Phải nói rằng những người thực hiện công trình rất tích cực, nhất là anh Bằng, anh Duy Sơn phải ngủ tại công trình trong ổ rơm, lều vải để theo dõi thí nghiệm cọc. Kết quả thí nghiệm sức chịu tải cọc gãy còn cao hơn sức chịu tải cho phép của thiết kế. Còn cọc bê tông bị gãy ở độ sâu 4m là do dưới mũi cọc là lớp đất sét cứng, không thể nào đóng xuyên qua được. Bên thiết kế hoàn toàn chấp nhận. Ông Trưởng ban Công trường rất phấn khởi, tuyên dương chúng tôi làm việc rất khoa học thì bên thiết kế mới hết đường chối. Qua khảo sát địa chất, chúng tôi đề nghị công trình này không nên áp dụng đóng cọc, lãng phí lớn, nếu nơi nào đã đóng rồi thì đóng tiếp cọc ngắn hơn, còn nơi nào chưa đóng thì không nên đóng nữa.

Sau khi hoàn thành công trình, Ban Quản lí Công trường có gửi thư cảm ơn và thưởng Tổ 1000đ, còn phía thiết kế yêu cầu chúng tôi không nên công bố các sai sót thiết kế của họ.

Cần phải nói rằng sau ngày thành lập Viện, qua rồi những ngày “cách mạng văn hóa” trước đây, chúng tôi tập trung nghiên cứu ứng dụng rất hiệu quả. Nhiều hợp đồng được kí kết làm không xuể. Phòng Thực nghiệm Cơ học Đất suốt ngày đỏ đèn, anh em rất đoàn kết. Nhờ thế, đến năm 1986 Tổ cũng được nâng cấp thành Phòng và tôi được “Tấn phong” làm Trưởng Phòng. Riêng tôi gắn bó với Viện từ năm 1970 cho đến ngày nghỉ hưu (2002), nhiều lúc rất gian nan, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định rời Viện. Cuộc sống nhiều lúc vui nhưng lắm lúc buồn, tâm trạng tôi như câu thơ của Nhà thơ Tế Hanh “ Bài thơ tình gửi từ Hàng Châu”:

“... Những ngày buồn nghĩ lại thấy vui vui Những khi vui nhớ lại thấy bùi ngùi Nói sao hết em ơi bao kỉ niệm...”

Nhân ngày kỉ niệm thành lập Viện, tôi mong các bạn trẻ tập trung nghiên cứu nhiều công trình có giá trị đích thực, nâng cao trình độ nghiên cứu của một Viện đầu ngành, vừa nghiên cứu lí thuyết vừa ứng dụng có tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

138

Một phần của tài liệu tập san viện cơ học việt nam 30 năm xây dựng và phát triển (Trang 138)