Môi trường

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI cho mục tiêu phát triển kinh tế Đồng bằng song Cửu Long (Trang 66)

II. Tồn tại và nguyên nhân

2.Môi trường

Phần lớn FDI đầu tư vào ĐBSCL là vào các khu công nghiệp, điều đó dễ khiến Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trở thành công xưởng của thế giới. Dễ thấy nhất là tình trạng ô nhiễm tại hàng loạt khu công nghiệp (KCN) ở ĐBSCL. Một cán bộ lãnh đạo Ban Quản lý KCN Vĩnh Long đã “nói thật” về chuyện các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng KCN thường không mạnh dạn đầu tư cả chục triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung khi chưa có nhiều nhà đầu tư vào KCN, vì sợ lỗ vốn. Đến khi KCN được lấp đầy, các nhà máy trong KCN đã xả nước thải, thì các công ty xây dựng hạ tầng KCN mới tính đến chuyện xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. ĐBSCL hiện có hơn 130 khu - cụm công nghiệp, tuy nhiên, hầu hết đều nằm tiếp giáp sông và chưa có hệ thống xử lý nuớc thải.

Hiện nay, điều nghịch lý là một số nhà máy thuộc các ngành nghề dễ gây ra ô nhiễm lại đặt ở đầu nguồn nước, còn nhà máy an toàn về môi trường thì đặt gần biển. Theo TS Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường-Tài nguyên Trường Đại học quốc gia TPHCM, chuyện “đặt lộn” vị trí như trên do việc xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL chưa có sự gắn kết giữa các địa phương trong vùng.

Ngoài chuyện xây dựng các KCN, hiện nay việc thu hút đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng có “vấn đề”. TS Trần Võ Hồng Sơn, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng: Khi chuyện xé rào (giảm miễn tiền thuê đất, tiền thuế) bị phát hiện và ngăn chặn, các địa phương dùng đến lợi thế dễ dãi trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để lôi kéo và thu hút đầu tư. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án A được sao chép từ dự án B cũng khá phổ biến. Cách làm trên đồng nghĩa với việc “bán” một phần môi trường để công nghiệp hoá.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, cảnh phá rừng để đào ao nuôi tôm vẫn đang tiếp diễn, các loại vật tư nông nghiệp vẫn đang được sử dụng bừa bãi. Nhiều loại chất thải độc hại trong dân cư, y tế, xây dựng… vẫn chưa được kiểm soát…

Một số KCN, CCN còn tập trung quan tâm khả năng thu hút đầu tư và lấp đầy mà thiếu bố trí quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý chất thải, chậm hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường vẫn đưa vào hoạt động sản xuất, từ đó các nguồn thải đã gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí một số khu công nghiệp đã lấp đầy hoặc gần lấp đầy nhưng hệ thống xử lý tập trung, hệ thống xử lý cục bộ của doanh nghiệp… chưa hoàn chỉnh vẫn tiếp tục hoạt động thải các nguồn chất thải gây ô nhiễm ra môi trường.

Công tác thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường ở một số địa phương, ở một số dự án... chất lượng chưa cao, nên đã để “lọt lưới” một số dự án có trình độ công nghệ lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Công tác kiểm tra, giám sát thực thi Luật BVMT đối với các KCN, CCN thời gian qua chưa thực sự được làm tốt theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất và xử lý vi phạm đối với các dự án đầu tư thiếu triệt để nên nhiều vi phạm tiếp tục diễn ra mà chưa được ngăn chặn kịp thời.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI cho mục tiêu phát triển kinh tế Đồng bằng song Cửu Long (Trang 66)