Tổng quan về ĐBSCL:

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI cho mục tiêu phát triển kinh tế Đồng bằng song Cửu Long (Trang 38)

I. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế vùng Đồng bằng song Cửu Long:

1. Tổng quan về ĐBSCL:

1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên:

Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cực nam của Tổ quốc, phía đông bắc giáp Thành phố Hồ Chí Minh, đông và nam giáp biển Đông, bắc giáp Campuchia, tây giáp biển Đông và vịnh Thái Lan; là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu của vùng Đông Nam Á và thế giới. Diện tích tự nhiên là 39.763 km2, dân số tính đến cuối năm 2010 là khoảng trên 18 triệu người, mật độ dân số gần 440 người/km2, là vùng sản

xuất lương thực trọng điểm, có tính quyết định đối với đất nước; là vùng sản xuất thực phẩm lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn, nhất là nuôi trồng thủy hải sản ven biển, trên sông, các vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao.

1.2. Tình hình phát triển kinh tế ở ĐBSCL:

Hàng năm, vùng đất Chín Rồng đã đóng góp khoảng 22% GDP của cả nước, tiếp tục khẳng định vai trò số 1 quốc gia về sản xuất nông nghiệp và thủy sản khi chiếm hơn 50% tổng sản lượng cả nước. Về hàng hóa nông nghiệp, so với tổng sản lượng cả nước, chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu, cung cấp khoảng 70% lượng trái cây, sản lượng thủy sản chiếm 52%, 80% lượng tôm xuất khẩu, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước,… Tính đến thời điểm cuối năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của vùng chủ yếu là nông- thủy sản đạt hơn 8 tỷ USD. Những kết quả này cùng tiềm năng sẵn có sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thị trường nội địa phát triển, xuất khẩu và hỗ trợ tích cực cho các ngành công nghiệp…

Hằng năm, ĐBSCL cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng nuôi trồng; đồng thời chiếm 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Những lợi thế từ biển mang lại đã góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân của các địa phương ven biển.

Sóc Trăng với chiều dài bờ biển 72km, có ngư trường khai thác đánh bắt thủy hải sản rộng, diện tích rừng phòng hộ trên 5.800ha và trên 50.000 ha đất bãi bồi ven biển là điều kiện để phát triển bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh. Sóc Trăng xác định nông nghiệp vẫn là lợi thế thời gian tới, trong đó, kinh tế thủy sản là mũi nhọn, với diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 80.000ha.

Còn tỉnh Cà Mau phía Đông Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp biển Tây có diện tích ngư trường thăm dò khai thác trên 80.000km2 và bờ biển dài 254km chạy từ

Đông (cửa Gành Hào) sang Tây thuận lợi cho tỉnh khai thác thế mạnh phát triển kinh tế biển.

Diện tích nuôi trồng thủy sản trên 300.000ha mỗi năm, sản lượng khai thác thủy sản trung bình 150.000 tấn/năm, Cà Mau trở thành tỉnh có diện tích nuôi trồng, khai thác thủy hải sản lớn nhất vùng ĐBSCL.

Tỉnh Bến Tre cũng xác định kinh tế biển là thế mạnh thứ 2 sau kinh tế vườn và hiện xếp thứ 3 về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của vùng.

Ngoài lợi thế là nông nghiệp, trong thời gian gần đây, vùng ĐBSCL còn được quan tâm đầu tư phát triển. Thể hiện rõ nét nhất là đưa vùng trở thành trung tâm năng lượng lớn. Từ đó, công trình trọng điểm quốc gia là Trung tâm Khí- điện- đạm Cà Mau được hình thành. 2 nhà máy khí điện Cà Mau 1, 2 có công suất 1.500 MW, cung cấp trên 9 tỷ kWh điện/năm. Nhà máy đạm Cà Mau vừa đi vào sử dụng có công suất 800.000 tấn urê/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu cả nước. Ngoài ra còn có đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn, Trung tâm Điện lực Cần Thơ và các nhà máy điện Duyên Hải, Long Phú, Kiên Lương,… đang được triển khai sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng của vùng và cho cả nước trong thời gian tới. Đây chính là cơ sở để có thể khơi dậy tiềm năng và thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Xét trên bình diện kinh tế chung, trong 10 năm qua, vùng kinh tế ĐBSCL đã liên tục tăng trưởng mạnh. Hàng năm, bình quân tốc độ tăng trưởng gấp 1,5- 2 lần so với cả nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư nhằm bắt kịp tốc độ tăng trưởng. Theo ông Trần Hữu Hiệp- Vụ trưởng Vụ Kinh tế, xã hội- BCĐ Tây Nam Bộ, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đã có những cải thiện rất đáng ghi nhận. Trục dọc xương sống Quốc lộ 1 được đầu tư nâng cấp, các cầu lớn vượt sông như cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu… đang góp phần nâng cao vị thế vùng. Các tuyến về giao thông, cầu trọng điểm, tuyến đường thủy, luồng tàu biển khác đang trong quá trình xây dựng hoặc sẽ triển khai trong thời gian tới.

Dân số đồng bằng sông Cửu Long thuộc loại trẻ phân theo nhóm tuổi và giới tính, khoảng 53% dân số trong vùng ở độ tuổi dưới 20, có 24,3% dân số từ 20 đến 34 tuổi và chỉ có 22,7% dân số trên 35 tuổi. Đây là điều kiện thuận lợi cho vùng trong việc đào tạo, sử dụng, phát huy nguồn lực trẻ để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh cần có những hạt nhân là những tỉnh, thành phố có điều kiện thuận lợi về địa lý, kinh tế, có tiềm năng và tiềm lực lớn đi đầu tạo sự phát triển trước để làm động lực thúc đẩy cho quá trình phát triển của cả vùng, nên vừa qua Chính phủ đã có Quyết định số 492/QĐ-TTg ban hành ngày 16 tháng 4 năm 2009 thành lập Vùng Kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI cho mục tiêu phát triển kinh tế Đồng bằng song Cửu Long (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w