1.1. Lịch sử hình thành và phát triển
Lịch sử hình thành
Ngành thép Việt Nam ra đời năm 1960 với việc hợp tác với Trung Quốc xây dựng khu liên hợp gang thép Thái Nguyên. Mẻ gang đầu tiên được sản xuất ra vào năm 1963. Nhưng mãi đến 15 năm sau, năm 1978, nhà máy này mới cho ra sản phẩm thép cán. Công suất thiết kế của khu liên hợp gang thép Thái Nguyên là 100 ngàn tấn/ năm.
Ở miền Nam, chế độ cũ cũng đã xây dựng được một ngành công nghiệp gang thép tương đối phát triển với các công ty lớn như VICASA, VIKIMCO.. tất cả những nhà máy này sau thống nhất đã được hợp nhất lại thành Công ty luyện kim đen Miền Nam với tổng công suất 80 ngàn tấn/ năm.
Quá trình phát triển
Giai đoạn 1976- 1988: Nền kinh tế bao cấp của Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng, trì trệ kéo dài; lạm phát phi mã cùng với sự bao vây cấm vận quốc tế đã làm cho ngành thép gặp rất nhiều khó khăn, không thể phát triển được và phụ thuộc chặt chẽ vào nước ngoài. Sản lượng toàn ngành mỗi năm chỉ duy trì ở mức 40
– 85 ngàn tấn/ năm. Phần lớn nhu cầu thép trong nước đều do các nước Xã hội Chủ nghĩa là Liên Xô và Đông Âu viện trợ.
Giai đoạn 1989- 1995: Các nước Xã hội Chủ nghĩa ngừng các viện trợ kinh tế cho Việt Nam bao gồm cả ngành thép. Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu tiến hành đổi mới và mở cửa; phát triển theo cơ chế thị trường có định hướng của nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế phát triển.
Ngành thép đã bắt đầu có những bước tăng trưởng đầu tiên; sản lượng toàn ngành đã tăng lên 100 ngàn tấn/ năm vào năm 1990. Năm 1995, sản lượng thép cán tiếp tục tăng gấp 4 lần so với năm 1990 đạt 450 ngàn tấn/ năm, bằng với mức Liên Xô đã trợ cấp cho nước ta hàng năm trước năm 1990. Sản lượng thép Việt Nam đã bước đầu có khả năng đáp ứng được thị trường nội địa.
Giai đoạn này chứng kiến nhiều sự ra đời của các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn trong ngành thép. Năm 1990, Tổng công ty thép Việt Nam được thành lập, thống nhất quản lý ngành sản xuất thép quốc doanh trong cả nước. Đến năm 1995, Công ty này tiếp tục sát nhập thêm với Tổng công ty kim khí thuộc Bộ Thương mại.
Đây là một giai đoạn phát triển sôi động của ngành, với nhiều dự án đầu tư chiều sâu và liên doanh với nước ngoài được thực hiện. Năm 1991, với việc ra đời của nghị định 91 về việc thành lập các tập đoàn kinh doanh nhà nước và mở rộng ngành nghề lĩnh vực kinh doanh cho các tập đoàn này, các ngành cơ khí, xây dựng, quốc phòng và các thành phần kinh tế khác đua nhau tham gia sản xuất thép.
Giai đoạn 1996 – 2000: Ngành thép tiếp tục duy trì mức phát triển cao và mở rộng sang khu vực tư nhân.
Năm 2000, sản lượng cán thép đạt 1,57 triệu tấn/ năm gấp 3 lần so với năm 1995 và 14 lần so với năm 1990. Với tốc độ tăng trưởng cao như vậy, có thể nói đây là giai đoạn hoàng kim của ngành thép Việt Nam.
Ngành thép được đầu tư mạnh và tiếp tục phát triển sang khu vực tư nhân: toàn ngành đã đưa vào hoạt động 13 liên doanh, trong đó 12 liên doanh cán thép và
gia công, chế biến sau cán. Tỷ trọng sản xuất của tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel) từ 100% giai đoạn trước đã giảm xuống chỉ còn 40%. 60% còn lại thuộc về các liên doanh, các công ty 100% vốn nước ngoài và các công ty tư nhân.
Giai đoạn 2001 tới nay (đầu năm 2012): Đây là một giai đoạn dài và chứng kiến nhiều bước phát triển thăng trầm của ngành thép Việt Nam. Dù vẫn duy trì tốc độ phát triển cao, nhưng những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 – 2010, sự yếu kém trong quản lý các dự án thép đầu tư nước ngoài và những nguy cơ về cuộc khủng hoảng công suất thừa đang đe dọa ngành thép Việt Nam.
Từ năm 2001- 2007: Ngành thép tăng trưởng tương đối ổn định, mặc dù sản lượng vẫn ở mức thấp so với thế giới. Năm 2002, quy mô các doanh nghiệp thép công suất lớn (trên 5 ngàn tấn/ năm) đã tăng lên con số 50; trong đó có 12 dây chuyền cán có công suất 300- 500 ngàn tấn/ năm. Năm 2007, mức sản lượng tiêu thụ của Việt Nam xấp xỉ 10 triệu tấn bằng khoảng gần 1% so với mức tiêu thụ thép thế giới (1400 triệu tấn). Mức tiêu thụ bình quân 100 kg/ người, so với 200 kg/ người của ASEAN và 1000 kg/ người ở các nước phát triển. Do đó, mức sản lượng của ngành còn ở mức khiêm tốn so với khu vực và thế giới.
Từ năm 2008 – 2010: Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Nhiều ngành kinh tế trong đó có ngành thép gặp nhiều khó khăn. Mức tăng trưởng chậm lại. Năm 2008, ngành thép tăng trưởng âm, chỉ đạt mức tiêu thụ 4,1 triệu tấn ít hơn 300 ngàn tấn so với năm 2007. Sang năm 2009, ngành đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể từ những chính sách kích cầu của chính phủ, sản lượng tăng trở lại, đến năm 2010, ngành không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn bắt đầu xuất khẩu.
Từ năm 2011 – nửa đầu năm 2012: những chính sách về kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng sau khủng hoảng đã gây ra nhiều khó khăn cho ngành. Ngành tiếp tục có tăng trưởng âm vào năm 2011 và gặp nhiều khó khăn khi bước sang năm 2012 trong bối cảnh lạm phát vẫn cao.
Cũng giống như các nước đang phát triển khác, sự phát triển của ngành thép Việt Nam bị coi là đi theo chiều ngược khi công nghiệp cán có trước công nghiệp luyện, nguyên nhân chính là do hạn chế về vốn đầu tư trong giai đoạn đầu và do định hướng, chính sách phát triển ngành.
Điều kiện, tiềm năng của Việt Nam cho phát triển ngành thép:
Về tài nguyên thiên nhiên, các nguyên liệu chính cho sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ, than antraxit, than gầy, khí thiên nhiên, nguyên liệu sản xuất ferro, gạch chịu lửa, nguyên liệu thép phế.
- Quặng sắt: Việt Nam hiện có khoảng 200 quặng sắt lớn nhỏ, trong đó có khoảng 91 quặng có trữ lượng đáng kể. Tổng trữ lượng quặng ước tính 1,2 tỷ tấn. Đáng kể nhất là các quặng sắt Thạch Khê, Quý Xa, Trại Lau, Tiến Bộ, Cao Bằng, Hà Giang với tổng trữ lượng dự kiến 850 triệu tấn, dữ lượng chắc chắn khai thác được 400 triệu tấn. Đặc điểm chung của các quặng này là trữ lượng lớn nhưng mỏ phân tán, ở vùng sâu, vùng xa, chất lượng không đồng đều. Mỏ lớn nhất hiện nay là Thạch Khê (Hà Tĩnh) rất khó khăn trong khai thác do mỏ nằm sâu dưới đáy biển, mức đầu tư khai thác lớn, chi phí kinh tế cao, trong khi hàm lượng kẽm trong quặng lớn nên giá trị thương mại thấp.
- Than mỡ: trữ lượng loại này ở Việt Nam rất hạn chế, không đủ cho các lò cao của ngành. Đây là loại cần nhập khẩu phục vụ sản xuất.
- Than Antraxit và than khác: Việt Nam có tiềm năng lớn, trữ lượng khoảng 6,6 tỷ tấn; chắc chắn khai thác được 3,4 tỷ tấn. Đây là lợi thế tiềm năng rất lớn cho phát triển công nghệ luyện kim phi cốc (là loại công nghệ không sử dụng đến lò cao, than cốc sản xuất gang mà trực tiếp từ quặng tạo ra sắt xốp cho sản xuất phôi thép). Tuy nhiên công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được áp dụng nhiều ở Việt Nam.
- Khí thiên nhiên: được phân bố cả ở ngoài biển và trong đất liền, khí thiên nhiên có trữ lượng tới 250 tỷ m3. Đây là nhiên liệu quan trọng trong lò nung, lò ủi
thay dầu FO, làm chất hoàn nguyên trong sản xuất sắt xốp. Tuy nhiên, hiện nay giá khí thiên nhiên đang ở mức cao, gây khó khăn cho sản xuất thép.
- Nguyên liệu sản xuất Ferro, gạch chịu lửa: nước ta có quặng Mangan, Crom, Niken, Titan, Silic.. đặc biệt là trữ lượng đất hiếm cao; tuy nhiên chưa được khai thác hợp lý.
Nước ta không có tài nguyên than mỡ cho ngành nhưng lại có tiềm năng về khí thiên nhiên, quặng, than antraxit, chất trợ dung, nguyên liệu sản xuất gạch chịu lửa..cho sản xuất thép. Tuy nhiên, do khó khăn về chất lượng, trữ lượng quặng, việc khai thác và vận chuyển tốn kém; nên hiện nay ngành chưa thế tiến hành sản xuất thép từ nguyên liệu trong nước mà đa phần phải nhập khẩu. Trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, phân tích và sử dụng công nghệ phù hợp để phát huy những tiềm năng thế mạnh trên.
Đặc điểm ngành thép Việt Nam
Với việc chỉ làm tự sản xuất được khâu cán thép ở mức độ chưa cao, ngành công nghiệp thép của Việt Nam hiện nay vẫn còn rất non trẻ và trong tình trạng kém phát triển so với khu vực và thế giới. Ngành thép hiện đang lệ thuộc 60% vào phôi thép thế giới. Nguồn tài nguyên trong nước chưa tận dụng được, các sản phẩm thép phục vụ cho các ngành quốc phòng, đóng tàu Việt Nam chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu từ bên ngoài. Đóng góp phần lớn vào sự phát triển ngành là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Hòa Phát, Việt Ý..)
Ngành thép vẫn ở tình trạng phân tán, thiếu bền vững. Sản phẩm các doanh nghiệp làm ra chủ yếu để tiêu thụ trong nước nhưng các doanh nghiệp lại thiếu hợp tác với nhau để cùng phát triển, có hiện tượng thép lậu giá rẻ tràn vào chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Về năng lực sản xuất và trang thiết bị, ngành thép Việt Nam chủ yếu sản xuất theo quy mô nhỏ, lẻ, phân tán, sử dụng công nghệ hỗn hợp, kết hợp nhiều loại hình công nghệ khác nhau:
+ Dây chuyền công nghệ hiện đại: gồm các dây chuyền cán liên tục của các công ty nước ngoài và một số nhỏ công ty Việt Nam.
+ Dây chuyền công nghệ loại trung bình: bao gồm các dây chuyền công nghệ cán liên tục như Tây Đô, Natsteel Vina, Vinausteel và các công ty tư nhân cổ phần khác;
+ Dây chuyền lạc hậu gồm các dây chuyền cán thủ công mini của các nhà máy thép Đà Nẵng, thép Miền Trung và các cơ sở khác ngoài Tổng Công ty Thép Việt Nam.
+ Loại cán rất lạc hậu: Gồm các dây chuyền cán mini có công suất nhỏ (<20,000T/n) và các nhà máy cán của các hộ gia đinh, làng nghề.
Hiện nay ngành Thép Việt Nam có các chủng loại sản phẩm sau :Thép tấm, lá, cuộn cán nóng; Thép tấm, lá, cuộn cán nguội; Thép xây dựng; Sắt, thép phế liệu; Phôi thép; Thép hình; Thép Inox; Thép đặc chủng; Thép mạ; Kim loại khác.