Phương pháp phân tích là cách thức mà nhà phân tích sử dụng để tác động vào đối tượng phân tích. Phương pháp phân tích có tác động rất lớn đến chất lượng phân tích. Khi có thông tin phân tích chính xác, đầy đủ thì việc lựa chọn đúng phương pháp phân tích là rất quan trọng
Nhà phân tích có thể sử dụng một hoặc nhiều phương pháp phân tích để đưa ra các kết quả phân tích. Thông thường nhà phân tích thường sử dụng nhiều phương pháp phân tích kết hợp với nhau bởi vì mỗi phương pháp phân tích đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Ngoài ra, khi nhà phân tích áp dụng bất kỳ phương pháp phân tích nào phải chú ý đến các điều kiện bắt buộc khi áp dụng phương pháp phân tích vì nếu không thỏa mãn các điều kiện mà phương pháp đưa ra sẽ dấn tới kết quả phân tích sai lệch.
Sự kết hợp nhiều phương pháp phân tích khác nhau như thế nào phụ thuộc vào trình độ của nhà phân tích. Trong luận văn này chỉ trình bày những chú ý khi nhà phân tích sử dụng hai phương pháp phân tích phổ biến: phương pháp so sánh và phương pháp phân tích tỷ số.
• Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh được sử dụng để so sanh các số liệu thời kỳ này với thời kỳ khác, chúng ta có thể so sánh sự thay đổi của từng chỉ tiêu qua các năm hoặc so sánh với một năm gốc xác định. Sử dụng phương pháp so sánh cho chúng ta biết được chiều hướng, độ lớn, tốc độ của một xu thế. Phân tích so sánh cũng đồng thời so sánh xu thế của các chỉ tiêu liên quan tới nhau.
Khi áp dụng phương pháp này, nhà phân tích có thể phân tích sự thay đổi giữa các năm (ngắn hạn) và phân tích xu thế (dài hạn) của chỉ số
Phân tích sự thay đổi giữa các kỳ liên tiếp: theo phương pháp này, ta so sánh các chỉ tiêu của một vài thời kỳ để thấy sự thay đổi của chỉ tiêu qua các thời kỳ. Chúng ta có thể so sánh cả về số tuyệt đối và số tương đối. Tuy nhiên, khi so sánh qua các kỳ liên tiếp chúng ta cần lưu ý: nếu xuất hiện một chỉ tiêu mang giá trị âm ở năm cơ sở và giá trị dương ở kỳ kế tiếp thì ta không thể tính toán một cách chính xác sự thay đổi tương đối của chỉ tiêu đó. Mặt khác, khi không có số liệu của một chỉ tiêu ở thời kỳ cơ sở thì chúng ta không thể tính được sự thay đổi giữa hai thời kỳ. Hoặc khi chỉ tiêu ở kỳ cơ sở quá nhỏ, sự thay đổi tương đối có thể tính được nhưng số liệu phải được phân tích cẩn thận bởi sự thay đổi tương đối có thể rất lớn do chỉ tiêu của kỳ cơ sở quá nhỏ. Một lưu ý nữa khi áp dụng phương pháp này là: nếu một chỉ tiêu có giá trị ở kỳ cơ sở nhưng không có giá trị ở kỳ kế tiếp thì sự thay đổi là giảm 100%
Phân tích xu thế (so sánh trong dài hạn): so sánh các số liệu trong một số thời kỳ (ngắn hạn) nhiều khi không mang lại hiệu quả, do đó, để phân tích tài chính trong dài hạn người ta dùng phương pháp phân tích xu thế. Theo phương pháp này, chúng ta phải chọn một thời kỳ làm cơ sở cho mọi chỉ tiêu, với một chỉ số được chọn trước thường là 100. Kỳ cơ sở là khung tham chiếu để so sánh, vì vậy chúng ta nên chọn một kỳ ngẫu nhiêu, với điều kiện hoạt động bình thường làm kỳ cơ sở. Khi có sự thay đổi từ giá trị âm sang giá trị dương của hai kỳ liên tiếp thì sự thay đổi tương đối không có ý nghĩa. Khi phân tích xu thế, nhà phân tích không nhất thiết phải thực hiện phân tích tất cả các chỉ tiêu mà nên tập trung vào một số chỉ tiêu quan trọng điển hình cho nghiên cứu.
• Phương pháp tỷ số:
Phương pháp tỷ số được các nhà phân tích sử dụng phổ biến rộng rãi trong phân tích tài chính. Việc thiết lập, lựa chọn đúng các tỷ số và tiến hành phân tích sẽ cho biết được tình hình tài chính của doanh nghiệp. Phân tích tỷ số cho phép chúng ta phân tích đầy đủ khuynh hướng bởi vì mọt số dấu hiệu có thể được kết luận thông qua việc quan sát số lớn các hiện tượng riêng lẻ.
Việc trình bày các tỷ số cần phải cẩn trọng vì các yếu tố tác động vào số liệu có thể làm chúng ta hiểu nhầm và giải thích sai tỷ số. Do vậy, một tỷ số bề ngoài có
vẻ tốt nhưng trên thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Ví dụ: doanh thu năm N của doanh nghiệp là 1000, chi phí năm N của doanh nghiệp là 700, doanh thu năm N+1 của doanh nghiệp là 900, chi phí năm N của doanh nghiệp là 540, tỷ số chi phí/doanh thu thời kỳ N là 70%, thời kỳ N+1 là 65%. Nhà phân tích đưa ra kết luận là doanh nghiệp có sự cải thiện tình hình quản lý doanh thu và chi phí. Tuy nhiên, nếu xem xét các yếu tố khác của tỷ số sẽ thấy doanh thu giảm xuống, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã bị giảm thị phần, và nếu điều này tiếp diễn thì tình hình trong tương lai của doanh nghiệp không tốt.
Một tỷ số đơn lẻ không đem lại nhiều ý nghĩa, do đó khi phân tích tỷ số cần phải có sự so sánh. Ta có thể so sánh các tỷ số của doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác trong ngành , các tiêu chuẩn của ngành, trung bình ngành. Từ đó, nhà phân tích sẽ rút ra những nhận định có ý nghĩa về vị thế của công ty trên thị trường, sức mạnh của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh. Trên cơ sở đó, nhà quản trị, nhà đầu tư, chủ nợ,… sẽ đưa ra các quyết định phù hợp
So sánh các tỷ số của doanh nghiệp theo thời gian để thấy được biến động của tỷ số là tốt lên hay xấu đi. Các tỷ số của một doanh nghiệp có thể đượcchấp nhận dễ dàng vì chúng cao hơn mức trung bình ngành, tuy nhiên khi xem xét xu thế biến động của các tỷ số thì doanh nghiệp đó trong những năm gần đây lại có xu hướng giảm xuống. Một doanh nghiệp khác trong ngành có các tỷ số thấp hơn doanh nghiệp trên, thấp gần xấp xỉ trung bình ngành mang lại cảm giác bất ổn cho mọi người. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp mang lại cảm giác bất ổn này lại có xu hướng tăng lên tiên tiếp trong những năm gần đây. Do đó, nhà đầu tư nên so sánh các tỷ số theo thời gian để xác định sự biến động của các tỷ số đó, xu hướng phát triển của doanh nghiệp. Sự biến động theo hướng tích cực sẽ cho phép đối tượng quan tâm đến tình hình tài chính doanh nghiệp yên tâm.
Các doanh nghiệp đều có đặc điểm đặc thù riêng mà các doanh nghiệp khác không có. Các đặc thù này thể hiện trong đầu tư, công nghệ, rủi ro, đa dạng hóa sản phẩm và nhiều yếu tố khác… Do đó, mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng một tiêu chuẩn cho chính doanh nghiệp mình sau khi đưa các đặc thù này vào xem xét.