CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN
3.2.2 Sử dụng linh hoạt chính sách tín dụng cho đoạn thị trường DNV&N
Do đặc điểm của DNV&N là nhu cầu vốn đa số là vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh, thời gian quay vòng vốn nhanh, nên dựa trên quy trình tín dụng sẵn có của toàn hệ thống NHCT Việt Nam, được sự cho phép của NHCT Việt Nam, Chi nhánh Tây Hà Nội vận dụng linh hoạt khi cho vay DNV&N:
Đa dạng hoá các hình thức bảo đảm như bảo đảm băng kho hàng, bằng tài sản hình thành từ vốn vay, mục đích là để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có dự án khả thi nhưng không đáp ứng được các điều kiện về tài sản đảm bảo đều được vay vốn để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời phấn đấu giảm tỷ lệ cho vay không có tài sản đảm bảo bằng tài sản. Tuy tài sản đảm bảo là nguồn thu nợ thứ hai của ngân hàng nhưng nếu chủ yếu cho vay dựa trên tài sản đảm bảo thì sẽ gây khó khăn cho DNV&N trong việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, thực tế này không chỉ diễn ra ở chi nhánh NHCT Tây Hà Nội mà còn diễn ra ở các ngân hàng khác. Trong điều kiện của
các DNV&N hiện nay thì việc có tài sản mà đáp ứng được yêu cầu về tài sản đảm bảo của ngân hàng là rất khó,vì tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là máy móc thiết bị cũ kỹ lạc hậu, trong khi có thể doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, có uy tín trên thị trường, phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi. Một thực trạng nữa là giá trị tài sản đảm bảo của doanh nghiệp bị định giá thấp, chỉ bằng 1/3 giá trị tài sản mà họ đem ra thế chấp. Kết quả là doanh nghiệp không muốn vay vốn ngân hàng, vì họ sẽ phải chịu rủi ro lớn gấp nhiều lần nếu như làm ăn thua lỗ và bị ngân hàng cầm cố tài sản. Do vậy để thoả mãn được nhu cầu vay vốn của DNV&N, ngân hàng cần phải linh hoạt trong việc yêu cầu có hay không có tài sản đảm bảo.
Ví dụ: Đối với những khách hàng quen biết lâu năm, có tình hình tài chính tốt, có phương án sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cao thì ngân hàng có thể xem xét cho vay mà không cần tài sản đảm bảo. Mặt khác, ngân hàng có thể áp dụng hình thức cho vay tín chấp với đối với những doanh nghiệp có uy tín, những doanh nghiệp có sự bảo lãnh của một đơn vị doanh nghiệp lớn. Với hình thức tín chấp, DNV&N phải chứng minh được tình hình tài chính của mình là tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả. Linh hoạt trong vấn đề bảo đảm tiền vay không có nghĩa là không có tài sản đảm bảo. Ngân hàng chỉ cho vay không có tài sản đảm bảo hay cho vay tín chấp đối với những doanh nghiệp tin chắc vào khả năng hoàn trả vốn vay của họ. Còn đối với những doanh nghiệp chưa có uy tín, tình hình tài chính kém lành mạnh thì yêu cầu về tài sản đảm bảo lại cần thiết. Ngân hàng cần thực hiện tốt công tác phân loại tài sản để định ra mức bảo đảm an toàn, chỉ chấp nhận những tài sản đủ điều kiện, đồng thời thường xuyên kiểm tra và giám sát tài sản đảm bảo trong thời gian sử dụng tiền vay của khách hàng. Bởi vì tài sản bảo đảm có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng cho vay của ngân hàng.
- Về quy trình thẩm định và xét duyệt cho vay: Chi nhánh cần xây dựng một quy trình thẩm định và xét duyệt cho vay cụ thể, đảm bảo các thủ tục đơn giản, gọn nhẹ và cụ thể về thời gian từ khi khách hàng nộp đơn xin vay đến khi giải ngân.
- Về hồ sơ, thủ tục cho vay: trên cơ sở các quy định về hồ sơ pháp lý của NHNN Việt Nam, các ngân hàng cần nghiên cứu đơn giản hoá thủ tục, giảm các giấy tờ không cần thiết cho khách hàng.
- Về chính sách lãi suất: lãi suất cho vay chính là giá cả của vốn vay, lãi suất cho vay cao hay thấp có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mở rộng cho vay của ngân hàng. Trong điều kiện sản xuất kinh doanh của các DNV&N còn gặp nhiều khó khăn, khả năng cạnh tranh không cao, tỷ suất lợi nhuận còn thấp thì việc áp dụng một mức lãi suất hợp lý, linh hoạt, phù hợp với từng doanh nghiệp là việc làm cần thiết. Do vậy, ngân hàng cần đổi mới mọi mặt về tổ chức nghiệp vụ, sắp xếp bộ máy sao cho gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả nhằm giảm chi phí, tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất cho vay.
- Về phương thức cho vay: đa dạng hóa các hình thức cho vay thích hợp với từng doanh nghiệp như cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức tín dụng, cho vay theo dự án, …. Hiện nay chi nhánh NHCT Tây Hà Nội thực hiện cho vay chủ yếu dựa trên phượng thức cho vay từng lần, điều này làm hạn chế khả năng mở rộng cho vay đối với DNV&N.
- Về thời hạn cho vay: việc xác định thời hạn khoản cho vay nên dựa trên đặc điểm sản xuất kinh doanh, chu kỳ sản xuất kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp, thời hạn thu hồi vốn của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chi nhánh cũng nên mở rộng cho vay trung dài hạn để tài trợ cho nhu cầu vốn đầu tư vào các trang thiết bị máy móc của DNV&N.
- Có chính sách ưu đãi, khuyến khích DNV&N: đối với những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, có uy tín thể hiện trong việc thanh toán vốn vay đầy đủ, đúng hạn, hay đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà nước khuyến khích hỗ trợ phát triển như: may mặc, thủ công nghệ xuất khẩu…. Chi nhánh nên có những chính sách ưu đãi riêng. Đó có thể là việc cho vay với mức lãi suất thấp hơn, các điều kiện về tài sản thế chấp được lới lỏng hơn, thời hạn vay linh hoạt hơn….