Hoàn thiện mô hình, cơ cấu tổ chức của Ban Tƣ pháp

Một phần của tài liệu Công tác tư pháp - hộ tịch ở cấp xã những vấn đề lý luận và thực tiễn ở tỉnh Bắc Giang (Trang 74)

Xuất phát từ đặc điểm, vị trí, vai trò của Ban Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp xã, là đơn vị cơ sở thuộc hệ thống ngành Tư pháp, nên mô hình tổ chức Ban Tư pháp đang tồn tại và hoạt động như hiện nay là phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Mô hình này cần được tiếp tục kế thừa, nhưng cần được củng cố, kiện toàn và hoàn thiện để nâng cao

hiệu lực bộ máy và hiệu quả hoạt động, sao cho Ban Tư pháp thực sự trở thành cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp xã theo đúng nghĩa của nó, khắc phục tình trạng tổ chức Ban Tư pháp mang tính hình thức và hoạt động như một “hiệp hội” như ở một số nơi hiện nay.

Trên thực tế, hầu hết các địa phương chỉ bố trí 1 cán bộ chuyên trách thực hiện công tác tư pháp, trong khi khối lượng công việc của công tác tư pháp ở xã, phường, thị trấn là rất lớn và ngày càng tăng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, dẫn đến có những lĩnh vực công việc tư pháp bị bỏ trống, giao cho các cơ quan khác làm hoặc có triển khai thực hiện nhưng hiệu quả thấp, các thành viên khác của Ban Tư pháp là hình thức, không hoạt động. Phân tích cơ cấu tổ chức Ban Tư pháp hiện nay chúng ta thấy Trưởng ban Tư pháp do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đảm nhiệm, có 1 thành viên là cán bộ tư pháp - hộ tịch chuyên trách và các thành viên khác là đại diện của các tổ chức chính trị, xã hội cấp xã do Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ định làm nhiệm vụ kiêm nhiệm. Nhìn chung, việc chuyên môn hoá cán bộ tư pháp xã đã bước đầu tạo điều kiện ổn định tổ chức, cán bộ của Ban Tư pháp. Tuy nhiên, trước yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về các lĩnh vực tư pháp và để khắc phục tình trạng ở nhiều nơi, một số lĩnh vực tư pháp xã bị bỏ trống hoặc giao cho cơ quan khác thực hiện đòi hỏi cơ cấu tổ chức của Ban Tư pháp phải được củng cố, kiện toàn và hoàn thiện theo hướng tình gọn, ổn định, có hiệu lực, phù hợp với chủ trương cải cách nền hành chính của Đảng và Nhà nước và tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kế thừa cơ cấu truyền thống của Ban Tư pháp hiện nay ở phần lớn các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho thấy, Ban Tư pháp nên có ít nhất một Trưởng ban và một thành viên (là cán bộ chuyên trách). Trong đó, Trưởng ban Tư pháp do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã

đảm nhiệm; Phó trưởng ban tư pháp là một trong hai cán bộ chuyên trách có tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn nghiệp vụ của chuyên viên hay cán sự pháp lý và được tiêu chuẩn hoá, chuyên môn hoá làm công tác tư pháp xã theo Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ quy định về cán bộ công chức xã, phường, thị trấn và Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về cụ thể hoá tiêu chuẩn cán bộ công chức xã, phường, thị trấn; Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP- BNV của liên bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương. Ngoài ra, Ban Tư pháp có thể được bổ sung thêm một đến hai thành viên làm việc kiêm nhiệm là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội phụ nữ, Bí thư Đoàn thanh niên... cơ cấu như trên nhằm ngoài thực hiện nhiệm vụ về hộ tịch thì còn mảng quan trọng là tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và hoà giải ở cơ sở đòi hỏi phải có đại diện của các đoàn thể chính trị xã hội cấp xã vào cuộc, chỉ có như vậy mới đảm bảo cho Ban Tư pháp có hiệu lực, ổn định, đủ sức hoàn thành được tất cả các nhiệm vụ tư pháp ở cơ sở được giao.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, cần quy định Ban Tư pháp có 2 cán bộ, với chức danh cán bộ tư pháp là “cán bộ tư pháp” và “cán bộ hộ tịch”; đồng thời quy định Phó ban tư pháp là một cán bộ tư pháp chuyên trách để phát huy vai trò chuyên trách và quản lý, điều hành chung các nhiệm vụ công tác của Ban theo quy định của pháp luật, trong khi Trưởng ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND phải kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nhau, không có điều kiện quản lý chuyên sâu về công tác tư pháp. Theo hướng này, Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong cả nước có như vậy mới khắc phục được hình thức của nhiều Ban Tư pháp hiện nay và mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Một phần của tài liệu Công tác tư pháp - hộ tịch ở cấp xã những vấn đề lý luận và thực tiễn ở tỉnh Bắc Giang (Trang 74)