Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn; cải tiến lề lối làm việc của Ban Tƣ pháp

Một phần của tài liệu Công tác tư pháp - hộ tịch ở cấp xã những vấn đề lý luận và thực tiễn ở tỉnh Bắc Giang (Trang 77 - 81)

Ban Tƣ pháp

Theo Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV của liên Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương thì Ban Tư pháp hiện nay có 12 nhiệm vụ sau đây (mang tính phối hợp với công chức Tư pháp - hộ tịch để thực hiện):

- Trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các văn bản về công tác tư pháp ở địa phương; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp lệnh theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tự kiểm tra các Quyết định, Chỉ thị do Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành;

- Xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn, trình Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng quy ước, hương ước thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước;

- Hướng dẫn hoạt động của các Tổ hòa giải; bồi dưỡng, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ viên Tổ hòa giải ở địa phương theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm tổ viên Tổ hòa giải;

- Thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật;

- Trực tiếp quản lý việc khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; tổ chức việc phối hợp khai thác, sử dụng, trao đổi giữa Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn với các tổ chức, đơn vị khác;

- Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc đôn đốc thi hành án theo hướng dẫn của cơ quan thi hành án cấp huyện và thực hiện công tác hành chính - tài chính trong việc đôn đốc thi hành án;

- Thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương; thực hiện một số việc về quốc tịch thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật;

- Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chứng thực chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự ở trong nước; chứng thực di chúc, văn bản từ chối nhận di sản và các việc khác theo quy định của pháp luật;

- Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác được giao với Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Tư pháp;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp xã giao.

(Tiết 3 mục III Thông tư 04/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 05/5/2005 của liên Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ).

Quy định như trên là chưa đầy đủ, có những nội dung quy định quá cụ thể nhưng lại thiếu. Nhiệm vụ thứ 12 là “thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND cấp xã giao” dẫn đến tình trạng cán bộ Tư pháp - hộ tịch biến thành cán bộ tạp vụ, Văn phòng của Uỷ ban nhân dân cấp xã và đã dẫn đến cách hiểu khác nhau và tuỳ tiện trong điều hành giao việc của UBND cấp xã cho đội ngũ cán bộ này trong khi đó chất lượng công việc theo luật định (11 đầu việc) là quá nặng nề. Căn cứ vào các văn bản luật hiện hành, nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực tư pháp xã còn được quy định tại các văn bản pháp luật khác như: Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc,

chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; Thông tư số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất...

Trong lĩnh vực thi hành án theo quan điểm chung Ban Tư pháp không chỉ giúp UBND cấp xã tổ chức phối hợp trong việc thi hành án dân sự ở địa phương theo sự chỉ đạo của cơ quan Thi hành án mà còn giúp UBND cấp xã trong việc thi hành án hình sự, bao gồm các nhiệm vụ như: Theo dõi, giám sát việc cải tạo của những người được hưởng án treo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ, đảm nhiệm việc thi hành án quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm một số chức vụ hoặc cấm làm một số nghề nhất định; quản lý người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; thi hành hình phạt quản chế sau khi chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp cùng Ban giám thị trại giam giúp dỡ người đã chấp hành xong hình phạt tù trở về sống bình thường trong xã hội; xem xét, nhận đơn xin xoá án của người bị kết án.

Hơn nữa, trong thời gian qua Ban Tư pháp không chỉ quản lý, hướng dẫn hoạt động cho Tổ hoà giải, mà còn được UBND giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện việc hoà giải những vụ việc do tổ hoà giải chuyển lên hoặc những vụ việc thuộc thẩm quyền hoà giải của UBND cấp xã... (tiết 2.5 mục III Thông tư số 04/2005/TTLT-BTP-BNV là chưa đầy đủ).

Ngoài ra, trong thực tiễn tuỳ khả năng đảm nhận công việc mà Ban Tư pháp còn được UBND cùng cấp giao tham gia thực hiện một số công tác khác thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã như công tác giám hộ và đảm bảo giao lưu dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân ở địa phương và làm tư vấn cho Uỷ ban nhân dân về vấn đề pháp lý...

Để kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Tư pháp cần xác định rõ cơ chế quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của Ban Tư pháp. Xác định rõ mối quan hệ giữa Ban Tư pháp với cơ quan tư pháp cấp trên, với UBND và các cơ quan, ban, ngành ở địa phương, nhằm tạo nên cơ chế phối hợp hoặc phân cấp rõ ràng mới có thể kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Tư pháp. Có như vậy mới có thể khắc phục được những khó khăn và tồn tại của Ban Tư pháp như đã trình bày ở trên đây.

Mặt khác ngành Tư pháp cần hoàn thiện cơ chế hoạt động, cải tiến lề lối làm việc của Ban Tư pháp.

+ Bộ Tư pháp sớm xây dựng và ban hành quy chế mẫu trong đó xác định rõ vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng thành viên trong Ban Tư pháp.

+ Đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác năm, 6 tháng, hàng quý, tháng theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND cấp xã và cơ quan tư pháp cấp trên; kế hoạch, chương trình công tác tư pháp cấp xã phải quán triệt và thực hiện được nội dung kế hoạch, chương trình công tác của cơ quan tư pháp cấp trên, quán triệt và thể hiện được Nghị quyết và kế hoạch, chương trình công tác của chính quyền địa phương cùng cấp, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

+ Quy định và thực hiện chế độ giao ban định kỳ giữa các thành viên trong Ban Tư pháp, giữa các Ban Tư pháp trong phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đây là yêu cầu quan trọng để tổng kết thực tiễn nhằm không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành; cải tiến nội dung giao ban đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

+ Thực hiện nghiêm túc chế độ sơ kết định kỳ 6 tháng và tổng kết năm. Nội dung sơ kết, tổng kết cần tập trung kiểm điểm, đánh giá kết quả đã đạt được, những tồn tại cần khắc phục, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích tốt, kinh nghiệm hay trong công tác và đề ra phương hướng, chương trình, kế hoạch công tác sát hợp với nhiệm vụ công tác tư pháp trong thời gian tiếp theo.

+ Tăng cường và nâng cao hiệu quả trong phối hợp hoạt động giữa tư pháp cấp xã với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương để thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp ở cấp xã.

Một phần của tài liệu Công tác tư pháp - hộ tịch ở cấp xã những vấn đề lý luận và thực tiễn ở tỉnh Bắc Giang (Trang 77 - 81)