THÚC ĐẨY NGOẠI THƯƠNG VÀ ĐẦU TƯ CÙNG PHÁT TRIỂN

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI MÔN: TÀI CHÍNH QUỐC TẾ KINH TẾ NHẬT BẢN VÀ NHỮNG CHÍNH SÁCH (Trang 80)

TRIỂN

Khác với Mỹ, kinh tế Nhật Bản phát triển phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố từ bên ngoài. Trước đây là quan hệ về ngoại thương, từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng về năng lượng và tiền tệ (thay đổi chế độ tỷ giá hối đoái) thì bên cạnh vai trò ảnh hưởng quan trọng của quan hệ thương mại còn có sự tác động mạnh của quan hệ đầu tư. Cả ngoại thương và đầu tư đều là những nhân tố có liên quan chặt chẽ và ảnh hưởng qua lại với tỷ giá hối đoái.

Với tỷ trọng của tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng và cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển mạnh sang những ngành có hệ số co giãn cao, những thay đổi trong tỷ giá hối đoái ngày càng có ảnh hưởng mạnh đến ngoại thương và đầu tư của Nhật Bản (xem Bảng 8).

BẢNG 8. Tỷ trọng và hệ số co giãn trong ngoại thương của Nhật Bản đầu những năm 1980

Chỉ tiêu Xuất khẩu Nhập khẩu Tổng kim ngạch

Tỷ trọng (%/GDP) Năm 1978 Năm 1980 Năm 1982 Năm 1984 9.3 10.9 13.6 13.5 7.6 11.9 12.4 10.9 16.9 22.8 26.0 22.4 Hệ số co giãn 1.40 0.95 2.35

Sự chuyển biến mạnh trong ngoại thương và đầu tư của Nhật vào thời kỳ này vẫn tiếp tục là kết quả của những phối hợp điều chỉnh kịp thời trong chính sách kinh tế của Nhật cả vi mô và vĩ mô, trong đó không thể không kể đến những điều chỉnh về chính sách tiền tệ, tài chính. Ngay từ cuối những năm 1970, khi nhận thấy đồng Yên tăng giá nhanh bắt đầu có những tác động gây khó khăn cho việc thực hiện các chiến lược kinh tế BOJ đã dùng nghiệp vụ thị trường mở và chính sách giảm lãi suất khuyến khích đầu tư trong nước, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nội địa tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới và kết hợp với sự giảm giá đồng Yên tiếp tục thúc đẩy ngoại thương của Nhật tăng trưởng mạnh cả về mức độ và tỷ lệ.

CHƯƠNG 4

BÀI HỌC ĐÚC KẾT TỪ CHÍNH SÁCH ĐÃ THI HÀNH

Từ một nền kinh tế hoang tàn sau chiến tranh thế giới thứ II, đến giữa thập niên 1980, Nhật Bản đã vươn lên mạnh mẽ và “tham gia vào bộ ba quyền lực đứng đầu thế giới (gồm Mỹ, Tây Đức và Nhật Bản - TG)” (K. Seitz 2004). Yếu tố cơ bản tạo ra điều thần kỳ đó chính là mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu mà một trong những trụ cột quan trọng nhất là chính sách tỷ giá hối đoái “đồng Yên yếu”. Việc duy trì một đồng Yên yếu so với đồng USD kéo dài mấy thập niên đã giúp cho hàng hóa Nhật Bản tăng sức cạnh tranh so với hàng hóa của các nền kinh tế phát triển ở Tây Âu, Bắc Mỹ. Nhờ đó, trong suốt thập niên 1970 và nửa đầu thập niên 1980, Nhật Bản đánh bại hầu như tất cả các địch thủ kinh tế ở bất cứ lĩnh vực nào mà các công ty Nhật Bản chọn làm chiến trường cạnh tranh. Các nền kinh tế - đối thủ cạnh tranh của Nhật Bản bị mất dần thị phần của nhiều sản phẩm mang tính biểu tượng vào tay Nhật Bản. Được mệnh danh là “những kẻ luôn luôn chiến thắng”, các ngành công nghiệp và các công ty Nhật Bản đã đẩy đối thủ phương Tây vào cuộc tháo chạy kéo dài, kể cả ở những mặt trận vốn được coi là niềm tự hào của họ. Ô tô và hàng điện tử gia dụng là những ví dụ điển hình cho chiến thắng kinh tế huy hoàng của Nhật Bản và là nỗi cay đắng của các đối thủ cạnh tranh Mỹ và Tây Âu trong giai đoạn này. Chẳng có quốc gia công nghiệp nào có được thặng dư mậu dịch về sản phẩm chế tạo với Nhật Bản. Đặc biệt, nền kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng nặng nề trong quan hệ buôn bán với Nhật.

Khi phân tích nguyên nhân sinh ra mối đe dọa từ phía Nhật Bản, một cường quốc công nghiệp bị chiến tranh tàn phá chỉ mới phục hồi nhưng lại luôn luôn có thặng dư thương mại với phần còn lại của thế giới, các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách hàng đầu của các nền kinh tế phương Tây nhận thấy vai trò đặc biệt to lớn, thậm chí có thể coi là quyết định, của chính sách tỷ giá hối đoái mà Chính phủ Nhật Bản áp dụng. Đó là chính sách có mục tiêu duy trì đồng Yên giá trị thấp so với đồng USD, được Chính phủ Nhật Bản kiên trì áp dụng trong hơn 20 năm, biến nó thành động lực quan trọng bậc nhất, giúp nền kinh tế Nhật Bản triển khai thành công mô hình tăng trưởng hướng vào xuất khẩu. Thực tế của Nhật Bản phù hợp với nguyên tắc lý thuyết về mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái và thành tích xuất, nhập khẩu, được phản ánh trong một nguyên lý kinh tế học đơn giản, thông thường nhưng rất hiệu quả: một chế độ tỷ giá, trong đó, đồng nội tệ bị “đánh giá thấp” so với đồng ngoại tệ, sẽ có tác động thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu, giúp nền kinh tế thu được thặng dư thương mại; ngược lại, đồng nội tệ được “đánh giá cao” trong quan hệ tỷ giá sẽ khuyến khích nhập khẩu và cản trở xuất khẩu, trở thành một trong những nguyên nhân chính gây thâm hụt mậu dịch.

Trên thực tế, tác động của việc đồng Yên tăng giá đã làm cho thâm hụt xuất khẩu của Mỹ giảm đi phần nào nhờ tăng trưởng xuất khẩu từ Tây Âu giảm xuống (vì các đồng tiền Tây Âu cũng bị lên giá mạnh) và xuất khẩu từ Nhật Bản bị chững lại. Song chính nhờ thay đổi tương quan tỷ giá, nước Nhật, các công ty Nhật và người Nhật trở nên giàu lên, cũng đột ngột như sự lên giá của đồng Yên. Thực chất của vấn đề là: việc tăng giá đồng Yên làm tài sản của người Nhật và nước Nhật tăng tương ứng. Sau hơn hai thập niên trường kỳ tăng trưởng với tốc độ cao, Nhật Bản đã kịp tích luỹ một khối lượng tài sản tài chính khổng lồ và trở thành một cường quốc tài chính. Khi trở thành cường quốc tài

chính, nước Nhật có điều kiện (và buộc phải) thay đổi mô hình tăng trưởng. Từ chỗ chỉ dựa vào xuất khẩu hàng hóa, xuất hiện một trụ cột tăng trưởng mới: đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Chính sự bùng nổ dòng FDI này của Nhật Bản đã giúp các nền kinh tế ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái lan và Indonesia) có điều kiện và cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ để trở thành “rồng” trong thập niên 1970-1980. Có nghĩa là sự đột phá phát triển của nền kinh tế Nhật Bản đã gây hiệu ứng lan tỏa phát triển đặc biệt mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á. Tất nhiên, sự trỗi dậy của các nền kinh tế ASEAN đó không có nguyên nhân đơn nhất từ dòng FDI của Nhật Bản. Phải có thêm những điều kiện bên trong chín muồi - sự sẵn sàng các điều kiện vật chất, kỹ thuật, nhân lực, một khát vọng và quyết tâm phát triển mạnh mẽ cộng với một thái độ chính sách thu hút FDI tích cực (điều kiện cần) thì dòng FDI của Nhật Bản (điều kiện đủ) mới có thể phát huy tác dụng gây bùng nổ.

Về phần mình, nước Nhật đã thu lợi lớn từ việc gia tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài. Thay vì xuất khẩu hàng hóa, giờ đây, nước Nhật còn là cường quốc xuất khẩu vốn. Tiềm lực sản xuất và tiềm lực vốn to lớn bảo đảm cho Nhật Bản đứng vững trên hai cột trụ quan trọng nhất của nền kinh tế hiện đại: xuất khẩu và đầu tư. Giờ đây, trong cuộc cạnh tranh với Nhật Bản, thế giới rơi vào thế lưỡng nan: nếu tỷ giá cao (đồng Yên bị đánh giá thấp), Nhật Bản tăng cường xuất khẩu hàng hóa, đẩy thế giới lâm vào tình trạng thâm hụt mậu dịch; nếu tỷ giá thấp (đồng Yên được đánh giá cao), các công ty Nhật Bản sẽ đẩy mạnh đầu tư ra bên ngoài, tổ chức sản xuất và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài tại chỗ để thu lợi.

Tóm lại, nền kinh tế Nhật Bản đã có một sự đột phá cực kỳ mạnh mẽ từ một giải pháp - sự cố giống như là đơn nhất: tăng giá đồng tiền. Giá trị to lớn của sự đột phá này không bị giới hạn lại một cách đơn giản ở thành tích thúc đẩy tăng trưởng đầu tư ra nước ngoài thay cho thành tích tăng trưởng xuất khẩu, cho dù chỉ sự thay thế này cũng đã đủ tạo nên một kỳ tích phát triển, hiểu theo nghĩa nó giúp nền kinh tế Nhật Bản thoát hiểm trước sự phản công quyết liệt của tất cả các đối thủ cạnh tranh. Trên một tầm rộng lớn hơn, thực tế cho thấy rằng thông qua sự thay đổi chính sách tỷ giá, nền kinh tế Nhật Bản đã thay đổi cả một mô hình tăng trưởng. Kéo theo sự thay đổi này là sự hình thành một động thái phát triển kinh tế mới ở Đông Á: mô hình “đàn sếu bay” ra đời kéo theo sự tăng trưởng của cả một khu vực rộng lớn. Nhìn nhận sự thay đổi tiến trình phát triển theo cách đó, người ta nói nước Nhật chính là tác giả phát minh ra “trò chơi” toàn cầu mới: tiến hành toàn cầu hóa bằng cả hai chân- thương mại và đầu tư - một cách nhịp nhàng. Trước Nhật, chưa có nước nào làm được điều đó một cách có ý thức và hiệu quả như vậy.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ito, Takatoshi and Krueger, Anne O. (1999). “Changes in Exchange Rates in Rapidly Developing Countries: Theory, Practice and Policy Issues”. Chicago and London: The University of Chicago Press.

2. Dương Phú Hiệp, Nguyễn Duy Dũng. (2002). “Điều chỉnh chính sách kinh tế của Nhật Bản”. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

3. Nguyễn Thị Thư. (2004). “Tỷ giá hối đoái chính sách và tác động của nó đối với ngoại thương qua thực tiễn phát triển kinh tế của một số nước”. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

4. Nguyễn Văn Tiến. (2000). “Tài chính quốc tế hiện đại trong nền kinh tế mở”. Nhà xuất bản Thống kê.

5. Nguyễn Văn Tiến. (2006). “Tài chính quốc tế”. Nhà xuất bản Thống kê.

6. Trần Ngọc Thơ, Nguyễn Ngọc Định. (2005). “Tài chính quốc tế”. Nhà xuất bản Thống kê.

7. Trần Quang Minh. (2003). “Hệ thống tài chính Nhật Bản những đặc trưng chủ yếu và cuộc cải cách hiện nay”. Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

8. Toshihiko Fukui. (10/2007). "Financial markets report developments during the First Half of 2007 - Report & Research Papers”. BOJ.

9. Niên giám tiền tệ thế giới WCY

10. Báo cáo thường niên của IMF về chế độ tỷ giá và sự giới hạn tỷ giá IMF

11. Một số trang web tham khảo: - http://www.boj.or.jp/en/index.htm - http://go.worldbank.org/6ND6E7EDB0 - http://www.stat.go.jp/english/index.htm - http://www.chartflow.com/fx/historybasic.asp - http://www.adb.org/Countries/ - http://www.oecd.org/statsportal/0,3352,en_2825_293564_1_1_1_1_1,00.html - http://www.imf.org/external/data.htm - http://www.newyorkfed.org/xml/fx.html#v - http://www.fxstreet.com/fundamental/interest-rates-table/

DANH SÁCH THÀNH VIÊN NHÓM TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC I 1. Phùng Thanh Quyền 2. Đỗ Quang Phúc 3. Nguyễn Công Nhất 4. Lê Đức Vương 5. Mẫn Văn Thụ

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI MÔN: TÀI CHÍNH QUỐC TẾ KINH TẾ NHẬT BẢN VÀ NHỮNG CHÍNH SÁCH (Trang 80)