Quan niệm về hiệu quả sử dụng tài sản

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản tại Công ty cổ phần iuEdu (Trang 36)

d) Tài sản tài chính dài hạn

1.2.1. Quan niệm về hiệu quả sử dụng tài sản

Theo từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam thì “Hiệu quả là kết quả mong muốn, cái sinh ra kết quả mà con người chờ đợi và hướng tới; nó có nội dung khác nhau ở những lĩnh vực khác nhau. Trong sản xuất, hiệu quả có nghĩa là hiệu suất, là năng suất. Trong kinh doanh, hiệu quả là lãi suất, lợi nhuận."

Hiệu quả kinh tế là chỉ tiêu biểu hiện kết quả của hoạt động sản xuất, nói rộng ra là của hoạt động kinh tế, hoạt động kinh doanh, phản ánh tương quan giữa kết quả đạt được so với hao phí lao động, vật tư, tài chính. Là chỉ tiêu phản ánh trình độ và chất lượng sử dụng các yếu tố của sản xuất - kinh doanh, nhằm đạt được kết quả kinh tế tối đa với chi phí tối thiểu. Tuỳ theo mục đích đánh giá, có thể đánh giá hiệu quả kinh tế bằng những chỉ tiêu khác nhau như năng suất lao động, hiệu suất sử dụng vốn, hàm lượng vật tư của sản phẩm, lợi nhuận so với vốn, thời gian thu hồi vốn, vv... Chỉ tiêu tổng hợp thường dùng nhất là doanh lợi thu được so với tổng số vốn bỏ ra.

Hiệu quả kinh tế - xã hội là chỉ tiêu biểu hiện quan hệ giữa kết quả của nền sản xuất xã hội (xét trên cả hai mặt kinh tế và xã hội) và các nguồn phương tiện tạo ra nó; được đánh giá thông qua thước đo thực hiện mục tiêu của một phương thức sản xuất nhất định và những nhiệm vụ kinh tế và xã hội của từng thời kì, từng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hằng năm. Các tiêu chuẩn và chỉ tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội của các phương thức sản xuất khác nhau thì không giống nhau. Khi xét hiệu quả của nền sản xuất xã hội, cần phân biệt và xét cả 2 mặt: kinh tế và xã hội - hai mặt gắn bó, tác động qua lại và thống nhất với nhau. Cần phải xét các mối quan hệ xã hội trong sản xuất và phân phối, gắn với bản chất và mục đích của phương thức sản xuất; ở Việt Nam là gắn với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến lược phát triển kinh tế -

xã hội, nhằm mục tiêu chung: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Như vậy, hiệu quả được coi là một thuật ngữ để chỉ mối quan hệ giữa kết quả thực hiện các mục tiêu của chủ thể và chi phí mà chủ thể bỏ ra để có được kết quả đó trong những điều kiện nhất định. Việc lựa chọn quan niệm về hiệu quả được xem xét trong một bối cảnh cụ thể đồng thời cũng xét dưới quan điểm đánh giá của chủ thể nghiên cứu.

Một doanh nghiệp tồn tại và phát triển vì nhiều mục tiêu khác nhau như tối đa hóa lợi nhuận, tối đa hóa doanh thu, chiếm lĩnh thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm,… Song tất cả các mục tiêu đó đều nhằm mục tiêu bao trùm nhất là tối đa hóa giá trị tài sản cho chủ sở hữu. Bởi vì khi đặt ra mục tiêu tăng giá trị tài sản, doanh nghiệp đã tính tới sự biến động của thị trường, các rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Các nhà đầu tư chỉ quan tâm và đầu tư vào một doanh nghiệp khi họ nhận thấy giá trị đầu tư của họ tăng lên. Muốn đạt được điều đó, doanh nghiệp phải khai thác triệt để và sử dụng tài sản có hiệu quả.

Như vậy, hiệu quả sử dụng tài sản trong doanh nghiệp là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ, năng lực khai thác và sử dụng tài sản của doanh nghiệp sao cho quá trình sản xuất kinh doanh được tiến hành bình thường để đạt được kết quả tốt nhất. Hiệu quả sử dụng tài sản thể hiện mối tương quan giữa chi phí sử dụng tài sản và kết quả sử dụng tài sản.

Trong phạm vi nghiên cứu, hiệu quả được xem xét dưới góc độ tài chính. Nghĩa là chi phí là chi phí tài chính, chi phí đầu tư và mua sắm tài sản. Kết quả chính là doanh thu và lợi nhuận.

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản chính là việc phát huy cao nhất năng lực của máy móc, thiết bị, tiềm lực kinh tế sẵn có của doanh nghiệp. Sản phẩm sản xuất ra nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, phong phú hơn là tiền đề để

làm tăng doanh thu của doanh nghiệp. Đồng thời với việc giảm chi phí do tiết kiệm được nguyên, nhiên vật liệu và các chi phí quản lý khác tạo điều kiện cho việc tăng lợi nhuận so với trước đây.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản tại Công ty cổ phần iuEdu (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w