CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ HIỆU QUẢ SỬ DỤNG TÀI SẢN CỦA DOANH NGHIỆP

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản tại Công ty cổ phần iuEdu (Trang 27)

TÀI SẢN CỦA DOANH NGHIỆP

1.1. Tổng quan về tài sản của doanh nghiệp

1.1.1. Khái niệm tài sản của doanh nghiệp

Một doanh nghiệp muốn hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải có tài sản. Tài sản của doanh nghiệp chính là các bộ phận được hình thành trong quá trình đầu tư.Có thể hiểu tài sản là một khái niệm động và phụ thuộc vào giá trị kinh tế của nó bởi tài sản là công cụ của đời sống con người. Trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội loài người, quan niệm tài sản có một phạm vi khác nhau, nhưng đều là công cụ đáp ứng các nhu cầu sống của con người. Trong nền kinh tế hiện đại, với nhiều ngành nghề mới ra đời, khái niệm về tài sản ngày càng được mở rộng. Bên cạnh những tài sản hữu hình dễ nhận biết, còn có tài sản vẫn tồn tại mà chúng ta không nhìn thấy được như: nhãn hiệu hàng hóa, phát minh sáng chế, vị trí đặt trụ sở của doanh nghiệp,hệ thống database khách hàng,...

Để đầu tư, mua sắm tài sản, doanh nghiệp phải ứng trước một khoản tiền vốn tương ứng với giá trị của tài sản đó. Điều đó có nghĩa: Vốn là đại diện cho lượng giá trị của tài sản còn tài sản là hình thái vật chất của vốn.

Để có thể tiếp cận và đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản một cách đúng nhất và hợp lý nhất, trước hết cần phải tìm hiểu về khái niệm về tài sản và phân loại về tài sản nói chung. Thực tế đã có những quan điểm, cách tiếp cận khác nhau về khái niệm tài sản của doanh nghiệp. Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam: “Tài sản là tất cả những gì có giá trị tiền tệ thuộc sở hữu của một cá nhân, một đơn vị hoặc của nhà nước; có thể được dùng để trả nợ, sản xuất ra hàng hoá hay tạo ra lợi nhuận bằng cách nào đó. Một TS có ba đặc tính không thể thiếu: lợi nhuận kinh tế có thể xảy ra trong tương lai; do

một thực thể hợp pháp kiểm soát; thu được kết quả ngay từ hợp đồng kinh doanh hoặc giao dịch đầu tiên.”

Cũng tương đồng theo quan điểm đó, theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam đưa ra khái niệm về tài sản: “Tài sản là một nguồn lực mà doanh nghiệp có thể kiểm soát được và dự tính đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp”. “Lợi ích kinh tế trong tương lai” của một tài sản là tiềm năng làm tăng nguồn tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp hoặc làm giảm bớt các khoản tiền mà doanh nghiệp phải chi ra. “Nguồn lực” của tài sản được biểu hiện dưới hình thái vật chất như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá hoặc không thể hiện dưới hình thái vật chất như bản quyền, bằng sáng chế nhưng phải thu được lợi ích kinh tế trong tương lai và thuộc quyền kiểm soát của doanh nghiệp. “Quyền kiểm soát” bao gồm các tài sản không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp kiểm soát được và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai, như tài sản thuê tài chính; hoặc có những tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai nhưng có thể không kiểm soát được về mặt pháp lý, như bí quyết kỹ thuật thu được từ hoạt động triển khai có thể thỏa mãn các điều kiện trong định nghĩa về tài sản khi các bí quyết đó còn giữ được bí mật và doanh nghiệp còn thu được lợi ích kinh tế.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng đưa ra quy định về tài sản đó là: Điều 163 Bộ luật dân sự 2005 (Bộ luật dân sự hiện hành) quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Khái niệm tài sản theo Bộ luật dân sự 2005 đã mở rộng hơn, theo đó, không chỉ những “vật có thực” mới được gọi là tài sản mà cả những vật được hình thành trong tương lai cũng được gọi là tài sản.

Tóm lại, trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước, cũng như đúc kết từ quá trình học tập và trao dồi tác giả đồng ý với đa số các nhà nghiên cứu cho

rằng: Tài sản của doanh nghiệp là toàn bộ vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản của doanh nghiệp, có thể tồn tại dưới dạng hữu hình hoặc vô hình, tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh và có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

1.1.2. Phân loại tài sản của doanh nghiệp

Tài sản có thể được phân chia thành nhiều nhóm theo từng tiêu thức khác nhau. Theo hình thái biểu hiện, tài sản bao gồm: Tài sản hữu hình và Tài sản vô hình. Theo nguồn hình thành, tài sản bao gồm: Tài sản được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu và Tài sản được tài trợ bởi vốn nợ. Theo tính chất tuần hoàn và luân chuyển, tài sản được chia thành: Tài sản cố định và Tài sản lưu động. Theo thời gian sử dụng tài sản, tài sản bao gồm: Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, tác giả sẽ lựa chọn tiêu thức phân loại tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn theo chuẩn mực báo cáo tài chính ở Việt Nam làm căn cứ chủ đạo.

1.1.2.1. Tài sản ngắn hạn

Tài sản ngắn hạn hay còn gọi là tài sản lưu động là một khoản mục trong bảng cân đối kế toán bao gồm tất cả loại tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi sang tiền mặt trong vòng 1 năm. Tài sản ngắn hạn rất quan trọng trong kinh doanh bởi đó là những tài sản được sử dụng trong cho hoạt động hàng ngày và chi trả cho các chi phí phát sinh.

Theo quyết định 15/2006 QĐ_BTC định nghĩa "Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp là những tài sản thuộc quyền sở hữu và quản lý của doanh nghiệp, có thời gian sử dụng, luân chuyển, thu hồi vốn trong một kỳ kinh doanh hoặc trong một năm. Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp có thể tồn tại dưới hình thái tiền, hiện vật (vật tư, hàng hóa), dưới dạng đầu tư ngắn hạn và các khoản nợ phải thu."

Tài sản ngắn hạn gồm:

Tiền và các khoản tương đương tiền: Tiền hay ngân quỹ được hiểu là tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và tiền đang chuyển. Các khoản tương đương tiền là các khoản đầu tư ngắn hạn không quá 3 tháng, có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành tiền và không có nhiều rủi ro trong quá trình quy đổi thành tiền.

Tài sản tài chính ngắn hạn: Gồm các khoản đầu tư chứng khoán có thời hạn thu hồi dướt một năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh như: Tín phiếu kho bạc, kỳ phiếu ngân hàng,…hoặc chứng khoán mua vào bán ra (cổ phiếu, trái phiếu) để kiếm lời và các loại đầu tư tài chính khác không quá một năm.

Các khoản phải thu ngắn hạn: Là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, phải thu nội bộ ngắn hạn và các khoản phải thu ngắn hạn khác có thời hạn thu hồi hoặc thanh toán dưới một năm.

Tồn kho, dự trữ: Bao gồm vật tư, hàng hóa, sản phẩm, sản phẩm dở dang.

Tài sản ngắn hạn khác gồm: Chi phí trả trước ngắn hạn, thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ, thuế và các khoản phải thu Nhà nước, các khoản tạm ứng chưa thanh toán, chi phí chờ kết chuyển, tài sản thiếu chờ xử lý và các khoản thế chấp, kí cược, kí quỹ…

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ các khoản mục trên trong tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp. Thường các doanh nghiệp chỉ có ba mục chính đó là: ngân quỹ, phải thu và tồn kho và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Nhu cầu về tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp khác nhau là khác nhau. Cơ cấu tài sản ngắn hạn trong tổng tài sản phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, ví dụ như đối với doanh nghiệp thương mại tài sản ngắn hạn chiếm tỉ trọng lớn hơn so với tài sản dài hạn nhưng trong một doanh nghiệp sản xuất thì điều này lại ngược lại. Cơ cấu về tài sản ngắn hạn còn cho biết

tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp, về khả năng thanh toán và các rủi ro tài chính của doanh nghiệp.

1.1.2.2. Tài sản dài hạn

Tài sản dài hạn là các tài sản khác ngoài tài sản ngắn hạn.Tài sản dài hạn là những tư liệu lao động chủ yếu và có đặc điểm cơ bản là tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất, không có sự thay đổi về hình thái vật chất từ chu kỳ sản xuất đầu tiên cho đến khi bị sa thải khỏi quá trình sản xuất.

Căn cứ vào quy định luật kế toán Việt Nam, tài sản dài hạn bao gồm: các khoản phải thu dài hạn, tài sản cốđịnh, tài sản đầu tư tài chính dài hạn và tài sản dài hạn khác.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản tại Công ty cổ phần iuEdu (Trang 27)