Thông thường khi xem xét, đánh giá một cách tổng quan về năng lực cạnh tranh của một doanh ngiệp ta thường xem xét tới các chỉ tiêu sau: Doanh thu của sản phẩm, thị phần của sản phẩm trên thị trường, mức độ hấp dẫn của sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng và quy cách so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, chi phí sản xuất của sản phẩm và chất lượng sản phẩm so với các đối thủ cạnh tranh cũng như uy tín và thương hiệu của sản phẩm. Ta sẽ đi xem xét tới các yếu tố cơ bản sau:
* Thứ nhất: doanh thu và tốc độ tăng trưởng của sản phẩm qua các năm Doanh thu qua từng năm về sản phẩm của doanh nghiệp là chỉ tiêu phản ánh khối lượng của sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận. Nó thể hiện mức độ hấp
dẫn của sản phẩm trong mắt người tiêu dùng. Trong trường hợp của công ty cổ phần khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương ta thấy doanh thu tiêu thụ có sự tăng trưởng qua các năm (giai đoạn 2005-2007), năm 2005 là 54.253.600.000đ lên con số 103.802.500.000đ vào năm 2007, tăng 91,33%. Cho thấy sự ổn định trong sản xuất và đứng vững của công ty trong nền kinh tế luôn biến đổi.
* Thứ hai: Thị phần của sản phẩm trên thị trường.
Thị phần của một sản phẩm trên thị trường là số phần trăm của lượng sản phẩm đó so với tổng số khối lượng sản phẩm cùng loại được tiêu thụ trên thị trường. Thị phần của sản phẩm càng lớn càng thể hiện sản phẩm của doanh nghiệp có sức cạnh tranh càng cao. Nó thể hiện khả năng thâm nhập, chiếm lĩnh của doanh nghiệp. Hiện nay thị phần của công ty trên thị trường còn khá khiêm tốn do các đối thủ cạnh tranh của công ty có tiềm lực mạnh hơn về quy mô, vốn và sự đa dạng về chủng loại sản phẩm.
* Thứ ba: chất lượng và mẫu mã sản phẩm
Chất lượng là một yếu tố quan trọng vào dạng bậc nhất, là một điều kiện hết sức quan trọng ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Để được người tiêu dùng chấp nhận và ủng hộ sản phẩm về lâu dài thì sản phẩm đó trước tiên phải đảm bảo chất lượng. Từ đó khách hàng mới có lòng tin vào sản phẩm và quyết định sử dụng sản phẩm. Bên cạnh chất lượng, mẫu mã của sản phẩm cũng là một điều hết sức quan trọng, điều đầu tiên khách hàng cảm nhận về sản phẩm không phải là chất lượng sản phẩm mà là mẫu mã, màu sắc của sản phẩm. Sản phẩm có mẫu mã đẹp, bắt mắt sẽ tạo sức hút đối với khách hàng. Vì thế mà việc tiêu thụ cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn.
* Thứ tư: yếu tố chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm so với các đối thủ cạnh tranh.
Để sản xuất sản phẩm cần phải mất chi phí nhất định. Từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào tới sản xuất rồi tới phân phối sản phẩm. Chi phí sản xuất ra sản phẩm liên quan tới chất lượng sản phẩm tuy nhiên ko phải chi phí càng cao thì chất lượng càng tốt và càng được người tiêu dùng đón nhận. Rất nhiều trường hợp sản
phẩm sản xuất ra với chi phí thấp nhưng chất lượng vẫn đảm bảo và được người tiêu dùng chấp nhận dễ dàng. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với mỗi doanh nghiệp đó là việc sản xuất sản phẩm phải làm sao đạt được chi phí thấp nhất mà vẫn đảm bảo được chất lượng so với sản phẩm cùng loại trên thị trường để từ đó hạ giá thành sản phẩm, tạo ưu thế cạnh tranh về giá và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra còn các yếu tố khác như mức độ uy tín và ấn tượng về nhãn hiệu của sản phẩm so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh… nhìn chung xét theo các tiêu chí trên thì sản phẩm của công ty cổ phần khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương vẫn còn nhiều điểm đáng lưu ý. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn rất nhiều hạn chế, thị phần của công ty còn hẹp (<10%), mặt hàng của công ty chủ yếu là các mặt hàng truyền thống, sự đa dạng về chủng loại còn nhiều hạn chế,… Vì vậy công ty cần xây dựng một chiến lược hiệu quả nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong cũng như ngoài khu vực.