Mô hình ứng phó sự cố tràn dầu tại các cảng biển Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật về phòng chống ô nhiễm dầu từ tàu biển (Trang 58)

Căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp:

- Cấp cơ sở (mức I, tràn dầu dưới 100 tấn);

- Cấp khu vực (mức II, tràn dầu từ 100 đến 2.000 tấn); - Cấp quốc gia (mức III, tràn dầu trên 2.000 tấn).

Tương ứng với 3 mức độ tràn dầu là sự phân cấp quản lý và tổ chức triển khai nguồn lực ứng phó, đó là cấp cơ sở, cấp khu vực và cấp quốc gia.

Tổ chức hệ thống ứng phó sự cố tràn dầu ở Việt Nam cũng đang được hình thành và củng cố từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở. Hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn của sự cố tràn dầu ở cả 3 mức độ: mức 1, mức 2, mức 3.

Như vậy, nguy cơ sự cố tràn dầu tại các cảng biển Việt Nam được xác định ở cấp khu vực, khi sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc xảy ra không thuộc trách nhiệm trực tiếp của cơ sở, như trường hợp bị thiên tai, sự cố đâm va phương tiện, do dầu từ nơi khác trôi dạt đến, thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vụ việc có trách nhiệm trực tiếp chủ trì hoặc chỉ định người chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch của địa phương; đồng thời được phép huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các bộ, ngành trên địa bàn, của Trung tâm ứng phó khu vực để ứng phó (hiện nay đã thành lập Trung tâm ứng phó Sự cố tràn dầu khu vực miền Trung do Công ty Sông Thu – Bộ Quốc phòng đảm nhận; miền Nam do

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm nhiệm; và gần đây nhất, khu vực miền Bắc giao cho Công ty 128 Hải quân đảm nhận).

Đầu mối chủ trì giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức chỉ đạo, phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu là Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban chỉ huy).

Ban chỉ huy gồm có Trưởng ban là Chủ tịch (hoặc Phó chủ tịch) UBND tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương, các Phó trưởng ban là: Giám đốc các sở ban ngành thuộc tỉnh, như: Sở Tài nguyên&Môi trường, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Cảng vụ hàng hải; các ủy viên gồm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan như Sở Thủy sản, hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, công an, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực.

Các tổ chức, cá nhân, cơ sở để xảy ra sự cố tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có trách nhiệm báo kịp thời đến một trong các cơ quan sau đây:

+ Cảng vụ hàng hải;

+ Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành và địa phương liên quan;

+ Sở Tài nguyên và Môi trường;

+ Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực;

+ UBND tỉnh (Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh).

Ngoài các đầu mối trên, khi để xảy ra tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu, có thể thông tin đến bất kỳ địa chỉ liên lạc nào, như các đài thông tin duyên hải, UBND cấp huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); các đơn vị hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, cảnh sát giao thông đường thủy.

Trường hợp tràn dầu từ tàu biển, thuyền trưởng, đại lý, hoa tiêu, chủ tàu… bằng mọi biện pháp phải thông báo ngay cho cảng vụ hàng hải để có những biện pháp xử lý kịp thời.

Khi nhận được thông tin về tràn dầu, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có trách nhiệm nhanh chóng chuyển tiếp ngay tới chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan khác.

Ở các địa phương, cần thiết phải duy trì một hệ thống thường trực 24/24h, đảm bảo kịp thời tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu để có phương án xử lý phù hợp nhằm ứng phó khẩn trương và tích cực để khống chế, ngăn chặn và giảm tới mức thấp nhất ảnh hưởng của dầu tràn trên cơ sở Quyết định số 63/2000/QĐ-TTg ngày 07/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên và bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Quyết định số 129/2001/QĐ-TTg ngày 29/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu giai đoạn 2001-2010, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 103/2005/QĐ-TTg ngày 12/5/2005 ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu và các văn bản pháp luật có liên quan.

Để ứng phó kịp thời mọi tình huống tràn dầu xảy ra trong khu vực trách nhiệm, hàng năm Ban chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng “Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu”. Kế hoạch này cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận chủ chốt nhất nhằm đạt mục tiêu nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xây dựng một quy chế hoạt động, mà theo đó Ban chỉ huy ứng phó cấp tỉnh cần có một bộ máy tham mưu gồm 5 bộ phận được thiết lập và được phân công nhiệm vụ cụ thể như sau:

(a) Bộ phận thường trực phối hợp thông tin chỉ huy ứng phó: Có nhiệm vụ tiếp nhận, xác minh và truyền phát thông tin sự cố tràn dầu đến UBND cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan.

(b) Bộ phận pháp chế: Tiếp cận hiện trường, thu thập thông tin liên quan đến sự cố tràn dầu phục vụ cho công tác lập kế hoạch ứng phó và kết luận, điều tra vụ việc.

(c) Bộ phận lập kế hoạch ứng phó: Căn cứ vào nguồn dầu tràn, loại dầu tràn, khối lượng dầu tràn để lập phương án ứng cứu, kế hoạch huy động các nguồn lực để trình các cấp có thẩm quyền duyệt và triển khai tổ chức thực hiện.

(d) Bộ phận chỉ huy hiện trường: Có nhiệm vụ phối hợp trong công tác lập kế hoạch và triển khai việc ngăn chặn, khống chế nguồn dầu tràn và kế hoạch thu gom, làm sạch hiện trường. Trực tiếp có mặt trên các phương tiện để phối hợp thông tin chỉ huy hiện trường.

(e) Bộ phận hậu cần: Có nhiệm vụ phối hợp trong công tác lập kế hoạch hậu cần cho các lực lượng ứng cứu hiện trường và kế hoạch tài chính cho công tác ứng cứu sự cố tràn dầu, phối hợp giải quyết hậu quả.

Bảo vệ và gìn giữ môi trường đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có công tác bảo vệ môi trường sông, cảng biển. Sự cố tràn dầu tại các khu vực sông, cảng biển đã gây tác hại nghiêm trọng và lâu dài đến môi trường trên một khu vực khá rộng. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tràn dầu gây ra, xin có một số khuyến nghị sau:

Đề nghị thành lập Ban chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu tại các địa phương có sông, cảng biển, bao gồm các thành viên hoạt động kiêm nhiệm nhưng được bồi dưỡng và trang bị những kiến thức cơ bản về ứng phó sự cố tràn dầu; thành lập một lực lượng ứng cứu sự cố tràn dầu chuyên nghiệp, được trang bị thiết bị ứng cứu chuyên dụng.

Những nơi có khả năng phát sinh sự cố tràn dầu như cảng dầu, vùng chuyển tải dầu… đều phải xây dựng phương án ứng cứu sự cố tràn dầu riêng. Đây là một bộ phận cấu thành của phương án ứng cứu tràn dầu cấp khu vực và phải thường xuyên được kiểm tra, huấn luyện.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý môi trường tại địa phương và Trung ương. Hàng năm, tham gia các đề án đánh giá tác động môi trường vùng nước cảng biển, trên cơ sở đó tham mưu cho các cấp có thẩm quyền lập kế hoạch chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó có hiệu quả những sự cố gây ô nhiễm môi trường.

2.2.5.Những khó khăn, bất cập trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu trên các vùng biển Việt Nam

Hiện nay, biển Việt Nam đang có nhiều vấn đề rất đáng quan ngại, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường trong phạm vi biển và đới bờ. Ở vùng ven bờ và các cảng biển, nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu là do những chất thải từ đất liền và từ các hoạt động kinh tế, dịch vụ kinh doanh khai thác cảng biển. Ngoài biển khơi, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động hàng hải và khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, biển nước ta cũng như khu vực biển Đông đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm do dầu tràn , đây quả là một thách thức rất lớn đặt ra cho các nhà làm công tác quản lý biển của Việt Nam.

Dầu mỏ đem lại cho con người những lợi ích to lớn, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bởi hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng sản phẩm dầu. Sự cố tràn dầu là một trong những vấn đề luôn được các quốc gia trên thế giới quan tâm. Trong các tác nhân gây ô nhiễm môi trường biển thì sự nhiễm bẩn do dầu mỏ và các sản phẩm dầu đang được lưu tâm nhất. Hậu quả của sự cố tràn dầu gây ra tác động xấu cho môi trường biển, đặc biệt đời sống của các sinh vật biển, gây trở ngại cho vận tải đường biển, dịch vụ giải trí, du lịch biển... Ngoài ra, ô nhiễm biển do dầu tràn còn gây ra những thiệt hại lớn khác mà không thể tính thành tiền.

Việc khắc phục sự cố tràn dầu ở Việt Nam hiện còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều hành cũng như các giải pháp công nghệ, yếu kém về chuyên môn và thiếu kinh phí hoạt động. Cả nước hiện có 5 cơ sở được trang

bị các thiết bị, phương tiện để ứng phó sự cố tràn dầu, trong đó chỉ có một trung tâm có đủ năng lực ứng cứu sự cố tràn dầu ở mức II, hai trung tâm có khả năng tham gia ứng cứu sự cố tràn dầu ngoài khơi, số còn lại chỉ có thể triển khai ứng phó sự cố tràn dầu tại các khu vực ven bờ. Với một quốc gia có 3.260km bờ biển như Việt Nam, lực lượng tham gia ứng phó sự cố tràn dầu như thế là thiếu về số lượng và yếu về năng lực.

Mặc dù đã được cảnh báo và có khá nhiều sự cố tràn dầu, ô nhiễm môi trường biển xảy ra trong các vùng biển Việt Nam, nhưng mãi tới năm 1995 Bộ Khoa học công nghệ & môi trường (nay là Bộ Tài nguyên – Môi trường) mới được chỉ định chủ trì cùng các cơ quan hữu quan xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó Sự cố tràn dầu. Với sự giúp đỡ của SIDA, tập đoàn TRIMAR-AB (Thụy Điển), các nghiên cứu tổng thể đã được triển khai. Dự thảo của Kế hoạch đã được trình Chính phủ vào tháng 8/1995. Ngày 12/7/1997, một hội thảo về kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu được tổ chức tại Hà Nội. Từ năm 1998, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch quốc gia phòng ngừa và ứng cứu sự cố tràn dầu được chuyển từ Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường sang Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn trên không và trên biển. Ngày 29/8/2001, Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu đầu tiên của Việt Nam được thông qua. Theo đó, tổ chức, phân nhiệm phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu được phân theo 3 cấp là cấp cơ sở, khu vực và quốc gia. Toàn quốc được chia làm 3 khu vực ứng với 3 trung tâm ứng phó.

Trong năm 2004, hai trung tâm miền Nam và miền Trung đã được triển khai và đi vào hoạt động; đến 2010 sẽ xây dựng xong trung tâm miền Bắc. Trong trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của trung tâm khu vực, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn sẽ điều động lực lượng của trung tâm khu vực khác, của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân, kể cả lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu của nước ngoài vào phối hợp ứng cứu.

Để triển khai Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì soạn thảo “Quy chế hoạt động ứng phó Sự cố tràn dầu” và tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, các bộ, ngành có liên quan trong lĩnh vực này. Ngày 12/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 103/2005/QĐ- TTg ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu. Đây là cơ sở vững chắc và hành lang pháp lý quan trọng cần thiết để các bộ, ban, ngành phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác khắc phục sự cố tràn dầu.

Vấn đề ứng phó sự cố tràn dầu trên biển cũng như xử lý các khu vực bờ biển bị nhiễm dầu do sự cố tràn dầu là trách nhiệm của mọi lực lượng hoạt động trên biển. Song do đây là một vấn đề phức tạp và tốn kém, phải có hiểu biết chuyên môn và chỉ đạo, điều hành thống nhất, vì vậy, để phối hợp hành động được tốt, ngoài Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu, cần tuân thủ nghiêm Quy chế ứng phó sự cố tràn dầu và phải xây dựng được một lực lượng chuyên môn chuyên trách làm nòng cốt được bố trí ở các khu vực thuận lợi, cơ động khi sự cố xảy ra. Các lực lượng không chuyên của các bộ, ngành và các địa phương cần được đào tạo hướng dẫn và giao trách nhiệm cụ thể, được trang bị những thiết bị kỹ thuật chuyên môn tối thiểu đảm bảo ứng phó, ứng cứu dầu tràn. Mặt khác, cần phải có những điều luật cụ thể được ban hành làm cơ sở pháp lý ngăn ngừa các sự cố xảy ra, đồng thời cần giành khoản kinh phí nhất định bảo đảm cho các hoạt động, nhằm động viên tích cực các lực lượng tham gia. Có như vậy, chúng ta mới không bị động khi xảy ra sự cố tràn dầu trên biển và đủ khả năng bảo vệ được môi trường biển bằng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng.

Chương 3

HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ VÀ

Một phần của tài liệu Pháp luật về phòng chống ô nhiễm dầu từ tàu biển (Trang 58)