Nguyên tắc xét xử đối với tội phạm hình sự theo quy định của luật quốc tế

Một phần của tài liệu Pháp luật Quốc tế với vấn đề khủng bố quốc tế, một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 79)

quốc tế

Các tội phạm khủng bố quốc tế cũng như các loại tội phạm hình sự quốc tế khác có thể bị truy tố và xét xử trên cơ sở các nguyên tắc truyền thống về thẩm quyền xét xử. Thẩm quyền xét xử đối với tội phạm hình sự của luật quốc tế được quy định dựa trên các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc xác định thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ của quốc gia

Lãnh thổ quốc gia bao gồm vùng đất, vùng nước, vùng trời và vùng lòng đất thuộc chủ quyền hoàn toàn, riêng biệt, đầy đủ hoặc tuyệt đối của một quốc gia. Lãnh thổ quốc gia là toàn vẹn và bất khả xâm phạm. Theo đó, nguyên tắc thẩm quyền xét xử lãnh thổ quy định quốc gia có thẩm quyền xét xử tội phạm hình sự quốc tế là quốc gia nơi hành vi tội phạm được thực hiện. Mở rộng nội dung này, một số học giả luật quốc tế còn khẳng định: Quốc gia mà phương tiện bay mang quốc tịch hoặc quốc gia mà tàu biển mang cờ cũng có thẩm quyền giải quyết nếu hành vi tội phạm được thực hiện trên phương tiện bay hoặc tàu biển của quốc gia đó. Quan điểm này phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế và đã được chấp nhận trong thực tế.

Tuy nhiên, nguyên tắc thẩm quyền lãnh thổ sẽ không được áp dụng nếu hành vi tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ quốc tế được sử dụng chung như biển quốc tế, Nam Cực...[56, tr.45]

Nguyên tắc xác định thẩm quyền xét xử theo quốc tịch

Quốc tịch là mối liên hệ pháp lý giữa công dân với một quốc gia xác định. Mối liên hệ này được biểu hiện ở tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người đó với quốc gia mà họ mang quốc tịch và tổng thể quyền và nghĩa vụ của quốc gia đó với công dân của mình.

Bên cạnh các quyền, các quốc gia phải bảo vệ lợi ích của mình và công dân mang quốc tịch nước mình bằng các biện pháp bảo hộ được quy định trong luật quốc gia và phù hợp với luật quốc tế.

Nguyên tắc thẩm quyền theo quốc tịch thể hiện hai chiều chủ động và bị động như sau:

Quốc gia mà người thực hiện tội phạm hoặc tình nghi thực hiện tội phạm là công dân có quyền xét xử công dân của nước mình cho dù hành vi được thực hiện ở đâu. Theo đó, thẩm quyền xét xử được phân định hoàn toàn không phụ thuộc vào địa điểm thực hiện hành vi tội phạm.

Đồng thời, quốc gia mà nạn nhân bị các hành vi tội phạm xâm hại là công dân của mình có quyền xét xử nhằm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của công dân nước mình cũng như trừng trị nghiêm khắc và thích đáng các tội phạm đó.

Bên cạnh các ưu điểm nêu trên, nguyên tắc xác định thẩm quyền xét xử theo quốc tịch sẽ không thể được áp dụng hoặc khó áp dụng trong trường hợp người phạm tội và nạn nhân là người không có quốc tịch hoặc nhiều quốc tịch. Ngoài ra, xung đột về thẩm quyền xét xử sẽ xảy ra trong trường hợp người phạm tội và nạn nhân không cùng quốc tịch khi luật quốc tế chưa quy định ưu tiên áp dụng nguyên tắc quốc tịch chủ động hay nguyên tắc quốc tịch bị động.

Nguyên tắc xác định thẩm quyền xét xử dựa trên cơ sở bảo đảm an ninh cho quốc gia

Nội dung của nguyên tắc quy định quốc gia có thẩm quyền xét xử là quốc gia mà hành vi tội phạm được thực hiện nhằm chống lại an ninh, nền độc lập hoặc toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này. Nguyên tắc phân định thẩm quyền xét xử như vậy bảo đảm cho quốc gia khả năng truy tố và xét xử các tội phạm chống lại quyền lợi và lợi ích cơ bản của quốc gia. Tiêu chuẩn quốc tịch và tiêu chuẩn địa điểm thực hiện hành vi tội phạm không được lưu ý trong trường hợp sử dụng nguyên tắc thẩm quyền xét xử này.

An ninh của quốc gia tác động trực tiếp và liên quan đến lợi ích của quốc gia và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế. Tuy nhiên, việc xác định

hành vi phạm tội có chống lại an ninh quốc gia, ở mức độ nào và có cần sự xuất hiện của hậu quả hay không, hoàn toàn thuộc quyền quyết định của quốc gia. Mặt khác trong thực tiễn nguyên tắc này ít được sử dụng hơn các nguyên tắc khác [56, tr.47].

Nguyên tắc này được thể hiện trong Công ước về các tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên tàu bay. Điều 4 Công ước nêu rõ: “Quốc gia ký kết nếu không phải là quốc gia đăng ký tàu bày thì không được can thiệp vào tàu bay đang bay để thực hiện quyền tài phán về hình sự của mình đối với tội phạm được thực hiện trên tàu bay, trừ các trường hợp sau đây: (a) Tội phạm gây ảnh hưởng tới lãnh thổ của quốc gia đó; (b) Tội phạm do công dân hoặc người thường trú của quốc gia đó thực hiện, hoặc tội phạm được thực hiện để chống lại công dân hoặc người thường trú của quốc gia đó; (c) Tội phạm chống lại an ninh của quốc gia đó;…”

Nguyên tắc thẩm quyền xét xử phổ cập

Tính quốc tế là đặc điểm nổi bật của tội phạm do luật quốc tế điều chỉnh. Với việc khẳng định, mọi tội phạm đều phải bị trừng trị thích đáng trong các điều ước quốc tế, cộng đồng quốc tế đã dựa trên cơ sở tính toàn cầu để xây dựng nguyên tắc này nhằm giải quyết thực tiễn phát sinh khi người phạm tội cố tình lẩn trốn pháp luật. Nguyên tắc thẩm quyền xét xử phổ cập cho phép tất cả các quốc gia liên quan có thể xác lập quyền tài phán. Nội dung của nguyên tắc biểu hiện ở chỗ quốc gia, nơi người phạm tội đang hiện diện và không bị dẫn độ có nghĩa vụ xác lập thẩm quyền xét xử của mình phù hợp với luật pháp quốc gia. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ được áp dụng với một số tội phạm xác định đồng thời không quan tâm đến việc hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ nước nào, chống lại ai và người nào là người thực hiện hành vi tội phạm đó.

Với nội dung nêu trên, ta thấy rằng việc tiếp nhận nguyên tắc thẩm quyền xét xử phổ cập sẽ đảm bảo hiệu quả việc trừng trị các tội phạm được luật quốc

tế điều chỉnh vì các thủ phạm sẽ không thể lẩn tránh công lý, không thể tìm nơi ẩn nấp an toàn tại bất kỳ một quốc gia nào sau khi đã thực hiện hành vi tội phạm. Vì vậy, nguyên tắc này đã được ghi nhận trong luật quốc tế (như nguyên tắc trừng trị chung tội cướp biển) và được thể hiện trong một số điều ước quốc tế khu vực như Công ước Liên Mỹ năm 1971, Công ước Châu Âu về trừng trị khủng bố quốc tế năm 1977. Nguyên tắc thẩm quyền phổ cập trong việc truy cứu trách nhiệm đối với tội phạm khủng bố hàng không cũng đã được ghi nhận ở Công ước La Hay năm 1970 và Công ước Montreal 1971.

Một phần của tài liệu Pháp luật Quốc tế với vấn đề khủng bố quốc tế, một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 79)