ngăn chặn hoạt động khủng bố hạt nhân
Khoản 1 Điều 2 của Công ước New York năm 2005 về ngăn chặn hoạt động khủng bố hạt nhân đã quy định rằng một người bị coi là thực hiện một tội phạm nếu người đó trái pháp luật và cố ý tàng trữ chất phóng xạ hoặc tạo ra hoặc sở hữu một thiết bị với ý định gây tử vong hoặc gây thương tích nghiêm trọng, hoặc gây ra thiệt hại đáng kể về tài sản hoặc với môi trường; sử dụng theo bất kỳ cách nào chất phóng xạ hoặc thiết bị, hoặc sử dụng hoặc phá hoại cơ sở hạt nhân theo cách mà phát tán hoặc có nguy cơ phát tán chất phóng xạ với ý định gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng; hoặc gây ra thiệt hại đáng kể về tài sản hoặc môi trường; hoặc để buộc một cá nhân hoặc pháp nhân, một tổ chức quốc tế hoặc nhà nước làm hoặc không được làm một hành động.
Đồng thời, Điều 4 loại trừ việc áp dụng các quy định của công ước đối với việc sử dụng các thiết bị hạt nhân trong xung đột vũ trang: Các hoạt động của lực lượng vũ trang trong quá trình xung đột vũ trang, như những điều khoản được hiểu theo luật nhân đạo quốc tế, được điều chỉnh bởi pháp luật mà không được điều chỉnh bởi Công ước này, và các hoạt động thực hiện bởi lực lượng quân sự của Nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính thức
của họ, vì họ được điều chỉnh bởi các quy định khác của pháp luật quốc tế,
không được điều chỉnh bởi Công ước này.
d) Việc xác định thẩm quyền xét xử đối với tội phạm khủng bố quốc tế theo các điều ước quốc tế đa phương
Tội phạm khủng bố quốc tế bên cạnh việc xâm hại đến các quốc gia cũng như các công dân của quốc gia còn đe doạ đến an ninh quốc tế, làm suy giảm lòng
tin đối với các thể chế được thừa nhận. Chính vì vậy, việc xác định thẩm quyền xét xử phải đảm bảo và đáp ứng được hai yêu cầu chính đáng nêu trên theo những nguyên tắc chung được xác định. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này vẫn còn nhiều tranh luận khi thực tiễn điều chỉnh của luật quốc tế về tội phạm nói chung, tội phạm khủng bố quốc tế nói riêng phải giải quyết những xung đột về thẩm quyền xét xử, vì bản thân nó chưa đưa ra được cách xử lý triệt để nhất.
Công ước Geneve năm 1937 về trừng trị tội phạm khủng bố đã có quy định về việc thành lập Toà án Hình sự quốc tế có thẩm quyền xét xử các tội phạm khủng bố quốc tế thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử và nhiều nguyên nhân khác nhau nên Công ước này đã không có hiệu lực. Toàn bộ quá trình điều chỉnh hoặc các cố gắng giải quyết sau này bằng luật quốc tế các vấn đề tổng thể cũng như các lĩnh vực riêng biệt của khủng bố quốc tế thể hiện quan điểm áp dụng các nguyên tắc thẩm quyền xét xử đối với tội phạm khủng bố quốc tế như là các tội phạm của luật quốc tế. Hệ thống các điều ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị khủng bố quốc tế đều quy định nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên trong việc xác định thẩm quyền tài phán của mình với các tội phạm khủng bố quốc tế, đồng thời quy định điều kiện cụ thể về việc xác định quyền tài phán đó với việc thừa nhận quan điểm cho rằng: tính chất tội phạm và khả năng trừng phạt các tội phạm khủng bố quốc tế được quy định trong luật quốc tế. Ngược lại, việc truy cứu trách nhiệm của cá nhân được thi hành trên cơ sở luật quốc gia và trước toà án của các nước hữu quan. Khoa học luật quốc tế đã có kết luận chính xác: “Từ thực tiễn điều ước quốc tế của các quốc gia có thể khẳng định việc truy cứu và trừng phạt tội phạm đặc biệt nguy hiểm đối với cộng đồng quốc tế sẽ có hiệu quả, chỉ khi đảm bảo các quốc gia thành viên điều ước quốc tế có nghĩa vụ cam kết trừng trị các tội phạm này trong luật quốc gia và đồng thời chấp nhận các nguyên tắc thẩm quyền xét xử thích hợp cùng việc tạo điều kiện thuận lợi cho dẫn độ tội phạm”.