Công ước quốc tế về trấn áp hành vi khủng bố bằng bom năm

Một phần của tài liệu Pháp luật Quốc tế với vấn đề khủng bố quốc tế, một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 61)

Công ước về trấn áp hành vi khủng bố bằng bom được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 15 tháng 10 năm 1997. Công ước được mở cho tất cả các quốc gia ký từ ngày 12 tháng 01 năm 1998 đến ngày 31 tháng 12 năm 1999 tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York và có hiệu lực vào ngày thứ 30 kể từ ngày văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập thứ 22 được gửi cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Nội dung cơ bản của Công ước:

Công ước này được áp dụng đối với những người thực hiện hành vi cố ý ném, đặt, làm nổ hoặc kích nổ một cách bất hợp pháp tại những nơi công cộng, trang thiết bị của Nhà nước hoặc Chính phủ, hệ thống vận tải công cộng hoặc cơ sở hạ tầng nhằm mục đích giết người, gây thương tích hoặc phá hoại địa điểm, trang thiết bị của hệ thống đó trên quy mô lớn dẫn đến gây tổn thất lớn về kinh tế; gây phương hại đến mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, nhân dân các nước cũng như đe doạ sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như an ninh của các quốc gia. Đối với hành vi phạm tội nêu trên, nếu chỉ thực hiện trên phạm vi một quốc gia thì người thực hiện hành vi bị coi là tội phạm và nạn nhân là công dân của quốc gia đó bị phát hiện trên lãnh thổ của quốc gia đó và không thuộc quyền tài phán của quốc gia khác, thì không thuộc phạm vi áp dụng của Công ước này.

Các quốc gia thành viên phải hình sự hoá các hành vi quy định trong Công ước thành tội phạm và quy định các hình phạt tương ứng để trừng trị những người thực hiện hành vi phạm tội.

Yêu cầu các quốc gia thành viên xác lập quyền tài phán của mình đối với tội phạm và người phạm tội nếu không dẫn độ cho quốc gia thành viên khác xét xử.

Yêu cầu các quốc gia thành viên phải dành cho nhau sự phối hợp, giúp đỡ tối đa trong việc hoàn thành các thủ tục tố tụng hình sự hoặc dẫn độ người phạm tội.

- Công ước quốc tế về trấn áp hành vi tài trợ cho khủng bố năm 1999

Công ước được áp dụng đối với những người thực hiện các hành vi cung cấp hoặc huy động tiền bạc dưới bất kỳ hình thức nào, trực tiếp hay gián tiếp, bất hợp pháp hoặc cố ý với mục đích hoặc biết là một phần hoặc toàn bộ tiền bạc đó có thể được sử dụng để thực hiện một tội phạm được quy định trong các điều ước liệt kê ở phần Phụ lục của Công ước này hoặc thực hiện các hành vi khác với ý định giết hại, làm bị thương nặng dân thường hoặc người không tham gia tích cực vào hoạt động thù địch trong hoàn cảnh có xung đột vũ trang hoặc ép buộc một Chính phủ, một tổ chức quốc tế làm hoặc không làm một việc gì đó.

Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải hình sự hoá các hành vi tài trợ cho khủng bố và áp dụng các chế tài hình sự, dân sự, hành chính phù hợp đối với người phạm tội. Yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp thích hợp trong nước, tiến hành các bước để phòng, chống các hành vi tài trợ cho khủng bố.

Quy định về việc xác định, phong toả, thu giữ tiền, tài sản được cung cấp cho các hoạt động khủng bố cũng như việc phân chia tiền, tài sản tịch thu được với các quốc gia khác trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Các quốc gia thành viên không được coi vì lý do bí mật ngân hàng để giải trình cho việc từ chối hợp tác quốc tế.

Tuyên bố về các biện pháp loại trừ khủng bố quốc tế. - Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin năm 1979

Công ước được áp dụng đối với người nào có hành vi bắt giữ hoặc giam cầm và đe doạ giết, làm bị thương hoặc tiếp tục giam cầm người khác (gọi là con tin) nhằm mục đích cưỡng ép bên thứ ba, cụ thể là một quốc gia,

một tổ chức quốc tế liên chính phủ, pháp nhân hay cá nhân hoặc một nhóm người phải làm hoặc không làm một việc nào đó như một điều kiện cho việc phóng thích con tin thì bị coi là phạm tội bắt con tin. Người thực hiện hành vi phạm tội chưa đạt hoặc tham gia với tư cách là người đồng phạm trong việc thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt hành vi bắt cóc con tin cũng bị coi là tội phạm theo Công ước này. Công ước này không áp dụng khi tội phạm được thực hiện trong phạm vi một quốc gia, con tin và người thực hiện hành vi phạm tội đều mang quốc tịch của quốc gia đó và người phạm tội được phát hiện trên lãnh thổ của quốc gia đó.

Yêu cầu các quốc gia thành viên phải hình sự hoá các hành vi quy định trong Công ước là tội phạm và quy định các hình phạt nghiêm khắc để trừng trị người phạm tội, đồng thời áp dụng các biện pháp khác để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội bắt con tin.

Yêu cầu các quốc gia thành viên nơi con tin bị người phạm tội bắt giữ phải thực hiện mọi biện pháp mà quốc gia đó thấy thích hợp để giảm nhẹ tình trạng của con tin, đặc biệt là nhằm bảo đảm việc thả con tin và giúp đỡ họ sau khi được phóng thích.

Yêu cầu các quốc gia thành viên phải phối hợp, hỗ trợ tối đa trong việc tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với tội phạm và người phạm tội, kể cả việc cung cấp tất cả các tài liệu, chứng cứ cần thiết cho các thủ tục tố tụng mà quốc gia đó đang có.

Yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp để bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử người phạm tội nếu không dẫn độ người đó cho quốc gia khác xét xử.

Công ước có hiệu lực từ ngày 03 tháng 6 năm 1983, sau 30 ngày kể từ ngày nộp văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 22 cho Tổng thư ký Liên hợp quốc theo mục 1 Điều 18 của Công ước.

- Công ước về phòng ngừa và trấn áp các tội phạm chống lại người được hưởng sự bảo hộ quốc tế, kể cả viên chức ngoại giao năm 1973

Công ước này được áp dụng đối với người được hưởng bảo hộ quốc tế và người bị coi là tội phạm.

Theo quy định của Công ước, người được hưởng bảo hộ quốc tế là: Nguyên thủ quốc gia, kể cả bất kỳ thành viên nào của cơ quan, tập thể thực hiện chức năng của nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng ngoại giao, đại diện hoặc bất kỳ viên chức nào của quốc gia hoặc bất kỳ viên chức nào khác của tổ chức quốc tế có tính chất liên chính phủ khi người này đang ở nước ngoài cũng như những thành viên trong gia đình của họ.

Người bị coi là tội phạm là khi có bằng chứng đầy đủ để xác định rằng người đó đã thực hiện hoặc tham gia vào một hoặc nhiều hành vi quy định tại Điều 2 Công ước.

Phù hợp với hệ thống pháp luật quốc gia, Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải hình sự hoá các hành vi quy định trong Công ước thành tội phạm và áp dụng các hình phạt nghiêm khắc để trừng trị người phạm tội đồng thời áp dụng các biện pháp khác để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

Yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán của mình đối với các tội phạm trong trường hợp người phạm tội đang có mặt trên quốc gia đó khi quốc gia đó không dẫn độ người phạm tội cho quốc gia khác xét xử.

Yêu cầu bất kỳ quốc gia nào có thông tin liên quan đến nạn nhân và hoàn cảnh xảy ra tội phạm đều phải cố gắng thông báo đầy đủ và kịp thời cho các quốc gia thành viên có nạn nhân là người thực hiện nhiệm vụ đại diện cho quốc gia đó phù hợp với quy định của pháp luật trong nước.

- Công ước New York năm 2005 về ngăn chặn hoạt động khủng bố

hạt nhân

Ngày 13/4/2005, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước nhằm ngăn ngừa các hoạt động khủng bố hạt nhân bằng việc cho phép chính

phủ các nước có quyền trừng phạt bất kỳ hành động nào liên quan tới việc tàng trữ trái phép các thiết bị và nguyên liệu hạt nhân. Đây là lần đầu tiên một công ước chống chủ nghĩa khủng bố ra đời với mục đích ngăn chặn từ xa hoạt động khủng bố hạt nhân, chứ không phải ra đời sau khi mọi chuyện đã xảy ra. Các quốc gia thành viên Liên hợp quốc sẽ bắt đầu đặt bút ký vào bản hiệp ước này kể từ ngày 14/4, Công ước chính thức có hiệu lực sau ngày văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập thứ 22 được gửi cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Công ước này được áp dụng đối với bất kỳ người nào nếu người đó cố ý và trái pháp luật tàng trữ thiết bị và nguyên liệu phóng xạ ý định gây tử vong hoặc gây thương tích nghiêm trọng hoặc nhằm phá hủy tài sản hoặc phá huỷ môi trường. Việc tiến hành phá huỷ các cơ sở hạt nhân cũng bị liệt vào danh sách các hành động phạm pháp.

Công ước quy định người phạm tội phải bị dẫn độ hoặc bị truy tố. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Đồng thời, khuyến khích các quốc gia hợp tác trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố bằng cách chia sẻ thông tin và hỗ trợ nhau trong kết nối với điều tra tố tụng hình sự và dẫn độ

Công ước đưa ra các giải pháp đối phó với tình huống khủng hoảng (các quốc gia hỗ trợ để giải quyết tình hình) và sau tình huống khủng hoảng (báo cáo vật liệu hạt nhân an toàn thông qua Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Một phần của tài liệu Pháp luật Quốc tế với vấn đề khủng bố quốc tế, một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 61)