tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục thanh niên nói chung và giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên nói riêng thì một trong những giải pháp cơ bản, không thể thiếu, đó là sự kết hợp giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội thành một thể thống nhất. Việc huy động gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể xã hội cùng có trách nhiệm giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp với sự tác động từ nhiều hướng đến đối tượng.
Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên mà con người xác lập các quan hệ xã hội ban đầu của mình, là cái nôi hình thành nhân cách đầu tiên của con người. So với giáo dục của nhà trường và xã hội thì giáo dục gia đình có thế mạnh là quan hệ tình cảm ruột thịt giữa cha mẹ và con cái, giữa những người thân trong gia đình với nhau, tạo nên sức mạnh cảm hoá to lớn mà nhà trường và xã hội không có được.
Chức năng quan trọng nhất của gia đình là giáo dục hình thành nền tảng đạo lý ở con người. Truyền thống gia đình có vai trò rất to lớn đến việc giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ cho trẻ em mà cả cho thanh niên. Dưới nếp
nhà của mình, con người sinh ra và trưởng thành, suốt cuộc đời chịu ảnh hưởng của nó. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường ... của người Việt Nam có cơ sở sâu xa từ sự gắn bó, tình yêu thương, đoàn kết và tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, họ tộc. Trước những ảnh hưởng mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và việc mở rộng giao lưu quốc tế, vai trò và hiệu quả giáo dục của gia đình đang ngày một giảm sút. Hiện tượng nuông chiều con cái thái quá trong nhiều gia đình đang làm cho con cái họ trở thành những người chỉ biết đòi hỏi và dựa dẫm vào cha mẹ. Để hạn chế những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với lý tưởng cách mạng của thanh niên, các bậc cha mẹ cần phải tôn trọng, quan tâm tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con cái; luôn tự bồi dưỡng, rèn luyện kiến thức giáo dục con cái cho mình; biết định hướng giáo dục con cái, nhất là định hướng lý tưởng cho con ở độ tuổi thanh niên mới lớn. Để có được thế hệ thanh niên với lý tưởng cách mạng cao đẹp thì vai trò của mỗi gia đình là rất lớn, do vậy, việc chăm lo giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên cần được các bậc ông bà, cha mẹ đặc biệt quan tâm. Tăng cường trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục lý tưởng sống phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới là một biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả của giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên hiện nay.
Giáo dục trong nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành lý tưởng cho thanh niên. Nói đến nhà trường là nói đến môi trường giáo dục chuyên nghiệp, có nề nếp, có kỷ cương, kỷ luật. Nhà trường là nơi giáo dục cho thanh niên lý tưởng sống, rèn luyện cho thanh niên những phẩm chất đạo đức cần thiết của công dân. Tuy nhiên, như đã nói ở phần trên, mặt trái của kinh tế thị trường đã có những tác động xấu làm hạn chế chức năng giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống của nhà trường. Bên cạnh đó, có một thực tế đáng buồn là không ít trường phổ thông trung học, trường đại học, cao đẳng trong những năm qua chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục đạo đức, lý
tưởng sống cho học sinh, sinh viên, nếu có thì cũng còn mang tính hình thức, đơn điệu, tẻ nhạt. Hơn nữa, phương thức học tập hiện nay còn mang nặng tính giáo điều, sách vở dẫn đến hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong nhà trường chưa cao. Vì vậy, cùng với việc đổi mới nội dung giáo dục, cần phải đổi mới cả phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên theo hướng thiết thực và hiệu quả. Phải sử dụng linh hoạt các phương pháp, tránh đơn điệu. Kết hợp phương pháp truyền thống như nêu gương người tốt, việc tốt với phương pháp hiện đại như tổ chức các hoạt động xã hội, thi tìm hiểu truyền thống tốt đẹp của dân tộc... Mặt khác, phải củng cố và tăng cường đội ngũ giáo viên. Mỗi thầy giáo, cô giáo luôn luôn phải gương mẫu trước học sinh, sinh viên trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy, trong đối nhân xử thế cũng như trong cuộc sống. Việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong nhà trường cũng cần phải phối hợp với các môn khoa học khác. Đó là phải coi trọng và nâng cao chất lượng dạy và học các môn Sử học, Văn học, Giáo dục công dân, các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các môn khoa học xã hội và nhân văn; lồng ghép nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng vào các môn học này để quá trình hình thành và phát triển lý tưởng cách mạng ở thanh niên đạt hiệu quả cao hơn. Trước yêu của quá trình hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có những biện pháp cụ thể, kiên quyết chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong ngành giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường nói chung trong đó có giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên.
Cùng với nhà trường và gia đình thì xã hội cũng có vai trò hết sức to lớn trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Vai trò của xã hội đối với việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên được thể hiện ở việc định hướng lý tưởng và ngăn chặn những khuynh hướng tự phát làm ảnh hưởng xấu đến lý tưởng cách mạng của thanh niên. Thông qua dư luận xã hội,
những hành vi của con người sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với các chuẩn mực mà xã hội thừa nhận. Dư luận xã hội lành mạnh có tác dụng to lớn đối với hành vi cá nhân vì nó phê phán cái xấu, cái sai, cái ác, ủng hộ cái đẹp, cái đúng, cái thiện. Việc tạo ra dư luận xã hội đúng đắn là một biện pháp quan trọng để ngăn ngừa những hành vi đi ngược với lợi ích cộng đồng, bảo vệ những giá trị, những chuẩn mực đạo đức truyền thống. Việc duy trì, phát triển đạo đức truyền thống dân tộc qua các lễ hội truyền thống, các ngày lễ lớn hàng năm và các phong trào quần chúng khác ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân. Các lễ hội như Hội Đền Hùng, Hội Gióng, Hội Lim, các nhà bảo tàng, nhà văn hoá... chính là nơi giáo dục một cách nhẹ nhàng, tế nhị truyền thống yếu nước, yêu quê hương, yêu lao động cho thanh niên. Các ngày lễ và kỷ niệm trong năm như ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2 - 9, sinh nhật Bác Hồ 19 - 5, ngày giải phóng miền Nam 30 - 4... cũng là những dịp để mọi người dân Việt Nam ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc ta.
Thực trạng sa sút về đạo đức ở một bộ phận nhân dân, đặc biệt trong một số cán bộ đảng viên đã gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến quan niệm cũng như hành vi của thanh niên hiện nay. Vì vậy, các tổ chức chính trị - xã hội cần nâng cao vai trò của mình trong việc phê phán những biểu hiện suy thoái đạo đức, đồng thời ngăn ngừa và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trong đời sống; lành mạnh hóa môi trường xã hội; tạo dư luận phê phán những biểu hiện vô văn hóa, phản văn hóa ngay trong nội bộ thanh niên cũng như ngoài xã hội; kết hợp với việc tuyên truyền, xây dựng và củng cố các quan hệ xã hội truyền thống của dân tộc. Điều đó sẽ có tác dụng làm gương cho thanh niên, từ đó tạo lập và củng cố niềm tin trong họ, tạo cơ sở cho việc hình thành, phát triển và hiện thực hóa lý tưởng cách mạng của thanh niên.
Bên cạnh đó, cần huy động và sử dụng có hiệu quả các phương tiện tuyên truyền, thông tin đại chúng vào việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho
thanh niên như khuyến khích, cổ vũ những gương người tốt, việc tốt; cung cấp những thông tin, văn hóa phẩm lành mạnh, có tác dụng giáo dục cao, làm giàu thêm kiến thức cũng như làm phong phú thêm đời sống tinh thần của thanh niên; kiểm soát chặt chẽ để loại bỏ những thông tin nguy hại; ngăn chặn những thông tin không lành mạnh, ấn phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến thanh niên.
Có thể nói, việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc huy động gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội và hệ thống thông tin đại chúng cùng có trách nhiệm chính là nhằm xây dựng nên môi trường giáo dục lành mạnh, làm cho mọi người, mọi tổ chức xã hội tự giác, tích cực tham gia vào sự nghiệp giáo dục thanh niên nói chung, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên nói riêng. Để thực hiện tốt mối quan hệ này, nhà trường cần chủ động lôi cuốn gia đình và các tổ chức xã hội tham gia giáo dục thanh niên bằng cách vận động, thuyết phục trên cơ sở chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước. Thanh niên là đối tượng chung của nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục. Tuy nhiên, quá trình giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội lại có những đặc trưng riêng, ưu thế riêng. Sự thống nhất biện chứng giữa giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội chính là yếu tố quan trọng quyết định đến quá trình hình thành và phát triển lý tưởng cách mạng của thanh niên. Sự bất cập ở mỗi yếu tố này đều có thể dẫn đến sự xuất hiện những yếu tố mà xã hội không mong muốn. Vì vậy, để hình thành và phát triển lý tưởng cách mạng cho thanh niên, chúng ta phải thật sự thấm nhuần và làm tốt phương châm gắn gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục thanh niên nói chung, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên nói riêng. Nếu sự kết hợp đó diễn ra đồng bộ, nhịp nhàng thì sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội trong sự nghiệp chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.