Những hạn chế

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên Việt Nam trong quá trình hội hập quốc tế (Trang 83)

Thứ nhất, không ít cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự quan tâm đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Có thể khái quát những hạn chế đó ở những điểm chủ yếu sau đây:

Một là, bước vào cơ chế thị trường, nhiều cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở tập trung sức chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chưa đầu tư chỉ đạo đúng mức cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục nói chung. Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa VII) nhận định: nhiều địa phương cơ sở đã bỏ trống trận địa đoàn kết tập hợp, giáo dục thanh niên để cho các lực lượng xã hội khác thâm nhập.

Hai là, nhận thức về vai trò, vị trí của thanh niên, công tác thanh niên nói chung và công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ nói riêng chưa sâu sắc, thiếu nhất quán từ trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước đến toàn xã hội. Cho đến nay, có cấp ủy vẫn còn cho rằng công tác thanh niên là nhiệm vụ riêng của Tổ chức Đoàn. Nói đến công tác thanh niên, không ít người, kể cả đảng viên nghĩ ngay đến các hoạt động bề nổi. Nói đến công tác giáo dục lý tưởng người ta liên tưởng ngay đến các bài giảng chính trị sáo mòn, khô cứng, tách rời cuộc sống hiện thực. Nói về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên nhiều người quan niệm là phải có cuộc họp để ra nghị quyết chung chung. Nhiều cấp ủy khoán trắng công tác thanh niên cho Đoàn thanh niên hay cho một cấp ủy viên. Điều quan trọng nhất, có hiệu quả cao và thiết thực trong công tác giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ là thông qua tấm gương của các đảng viên trong chi bộ, Đảng bộ, vậy mà điều này lại bị lãng quên ở nhiều nơi. Một số cán bộ, đảng viên thiếu tôn trọng, thiếu hiểu biết và thiếu niềm tin vào lớp trẻ. Tình trạng thoái hóa, biến chất, cơ hội, tham

nhũng cùng với hạn chế về năng lực của một bộ phận đảng viên làm cho niềm tin của lớp trẻ đối với Đảng giảm sút.

Ba là, việc chậm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên, công tác tư tưởng của Đảng là một hạn chế cơ bản của chính quyền các cấp. Nhiều địa phương sẵn sàng đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây cao ốc, khách sạn nhưng rất khó khăn trong việc duyệt chi vài chục triệu đồng để nâng cấp một trường phổ thông, một nhà văn hóa thanh niên hay nhà thiếu nhi.

Bốn là, mặc dù các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cho đất nước nhưng nhiều lúc, nhiều nơi các tổ chức chính trị - xã hội vẫn chưa thực sự chú trọng đúng mức đối với công tác giáo dục thanh niên và chưa có giải pháp tích cực đối với công tác giáo dục thanh niên ở các vùng trọng điểm như vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc và tín đồ tôn giáo cũng như các đối tượng trọng điểm như thanh niên đường phố, thanh niên dân tộc, tôn giáo, thanh niên lầm lỗi trở về... Trong các tổ chức chính trị - xã hội vẫn còn hiện tượng chưa hiểu hết, hiểu chưa đúng về thanh niên, chưa thật sự tin tưởng, thậm chí coi thường thanh niên, từ đó dẫn đến tình trạng giữa các tổ chức chính trị - xã hội và lớp thanh niên ngày càng có một khoảng cách khá lớn, khó tiếp cận và chia sẻ. Mặt khác, do đặc thù về độ tuổi, các hình thức và phương thức giáo dục thanh niên của các tổ chức này chưa đa dạng, thiếu hấp dẫn, vì vậy hiệu quả giáo dục chưa cao.

Thứ hai, sự tác động của hệ thống giáo dục đào tạo đến việc hình thành niềm tin, lý tưởng cách mạng đối với thế hệ trẻ nhìn chung chất lượng và hiệu quả còn thấp.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hoạt động giáo dục chính trị, đạo đức cho học sinh, sinh viên đã được duy trì một cách thường xuyên ở hệ thống các trường học trong cả nước. Sự tác động của hệ thống giáo dục đào tạo với việc hình thành niềm tin, lý tưởng cách mạng

đối với thế hệ trẻ đã đạt được một số thành tựu bước đầu, song nhìn chung kết quả đạt được chưa tương xứng với lòng mong đợi của chúng ta.

Chất lượng của giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức trong các nhà trường từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học còn thấp. Nội dung sách giáo khoa các bộ môn khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh sau nhiều lần chỉnh lý, cải tiến nhưng nhìn chung vẫn chưa phù hợp. Điều này thể hiện rõ ở tính chất kinh viện, giáo điều, xa rời với cuộc sống, không bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực. Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước, chất lượng của đội ngũ giáo viên lại không được nâng lên một cách tương xứng. Nhận định về vấn đề này, TS. Phạm Đình Nghiệp đã cho rằng: “bản thân thầy dạy những điều mình chưa thật hiểu, chưa thật tin thì làm sao có thể truyền cảm, hấp dẫn học sinh, sinh viên. Cá biệt có thầy coi thường chính môn học mình đang dạy và nói một đường, làm một nẻo, nêu gương xấu cho học sinh” [40, tr.108]. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo “mới chỉ chú trọng đến việc đào tạo chuyên môn mà coi nhẹ giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho thanh niên” [16, tr.10].

Việc giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn (văn học, lịch sử, địa lý, tâm lý - giáo dục học...) chưa được xác định đúng vị trí và tầm quan trọng của nó, với tư cách là những chất kích thích tình cảm thẩm mỹ, lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức về bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Quá khứ hào hùng của dân tộc được thế hệ trẻ cảm nhận một cách xuôi chiều, dường như không trải qua những khó khăn thử thách, không có thất bại mà chỉ có chiến thắng.

Trong quản lý giáo dục để xảy ra quá nhiều tiêu cực mang tính thương mại hóa như mua bằng, bán điểm, luyện thi… làm biến dạng những quan hệ đạo đức truyền thống tốt đẹp như hiếu học, tôn sư trọng đạo…

Giáo dục lý tưởng cách mạng trong điều kiện nền kinh tế thị trường là một điều không hề đơn giản. Trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều

biến đổi, cách giáo dục ngày nay cũng không thể giống trước. Nó đòi hỏi phải có sự năng động tích cực từ hai phía. Nó không chấp nhận kiểu giáo dục chỉ gói gọn trong khuôn khổ sách vở, rập khuôn, giáo điều, mà đòi hỏi phải biết vận dụng nhiều phương pháp giáo dục phong phú, phát huy tính chủ động, tích cực của cả chủ thể và khách thể giáo dục để thanh niên dễ dàng tiếp nhận những thông tin cần thiết; trong khi đó, điều đáng ngại là cách giáo dục lý tưởng theo kiểu cũ vẫn còn tồn tại, dẫn đến hiệu quả giáo dục chưa cao.

Thứ ba, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ của Đoàn thanh niên còn nhiều bất cập.

Một hạn chế kéo dài trong những năm qua là Đoàn các cấp mới chỉ chú ý đến các hoạt động tập trung biểu dương lực lượng, mà ít chú ý đến việc tác động tư tưởng tới từng đoàn viên, thanh thiếu niên ở cơ sở. Kết quả cuộc trưng cầu ý kiến đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể khác ở ngoại thành Hà Nội (tháng 10 năm 2002) cho thấy: 90% số người được hỏi cho rằng công tác tuyên truyền giáo dục dừng lại ở bề nổi, thiếu chiều sâu [40, tr.129].

Theo phân tích của TS. Phạm Đình Nghiệp thì “công tác Đoàn hiện nay đang rất nổi ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, ở cấp huyện đạt mức bình thường, còn ở cấp cơ sở thì thuộc diện yếu kém” [40, tr.129]. Nguyên nhân sâu xa của tình hình này chính là ở sự thiếu hụt một đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có đủ năng lực, phẩm chất cần thiết để tạo dựng, tổ chức các hoạt động phù hợp. Thêm vào đó, sự luân chuyển cán bộ quá nhanh và các cấp bộ Đoàn không có điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, trong khi đó, công tác tư tưởng trong bối cảnh xã hội đầy biến động như hiện nay lại đòi hỏi ở cán bộ một trình độ, khả năng tương xứng.

Trong định hướng lý tưởng cho thế hệ trẻ, từng nơi, từng lúc đã xảy ra tình trạng mất cân đối: thiên lệch về giáo dục thông qua hoạt động mà xem nhẹ việc giáo dục trực tiếp, nặng về giáo dục chung mà ít chú ý đến giáo dục

cá biệt, thiên về tuyên truyền, biểu dương lực lượng, nhưng ít chú ý đến vận động thuyết phục. Theo kết quả cuộc trưng cầu ý kiến (2003) của Viện nghiên cứu thanh niên, với câu hỏi “Bạn đã được Đoàn cơ sở giúp đỡ những gì?”, “chỉ 29,1% trả lời được tuyên truyền về Đoàn, 42,3% trả lời được học tập Điều lệ Đoàn... 30,4% số người được hỏi trả lời rằng ở cơ sở Đoàn, chi đoàn của họ không bao giờ tổ chức giáo dục truyền thống, nói chuyện thời sự, phổ biến pháp luật, 22,7% cho rằng tổ chức Đoàn ở đó không hoạt động, 29,2% nói rằng muốn vào Đoàn nhưng không biết hỏi ai” [40, tr.130-131]. Những con số trên đã cho thấy hạn chế của các tổ chức Đoàn trong công tác tuyên truyền, giáo dục nói chung và công tác giáo dục lý tưởng cách mạng nói riêng.

Công tác chỉ đạo nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng thiếu nhất quán, có nơi có lúc thiếu nghiêm túc, không kiểm tra đôn đốc kịp thời, không sâu sát cơ sở… Nội dung giáo dục đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đoàn viên, thanh niên có lúc, có nơi vẫn còn hình thức. Việc nắm bắt và xử lý những hiện tượng phức tạp trong tư tưởng và cuộc sống của thanh niên còn nhiều hạn chế. Nhiều chủ trương công tác của Đoàn chưa đến với đoàn viên thanh niên, thậm chí với một bộ phận cán bộ cơ sở. Công tác tổ chức để đảm bảo cho nhiệm vụ giáo dục tư tưởng - văn hóa không được coi trọng. Các phương tiện thông tin đại chúng của Đoàn, Hội, Đội khá đồ sộ, nhưng chưa tập trung vào việc định hướng chính trị tư tưởng, định hướng giá trị cho tuổi trẻ. Xét về mặt hiệu quả chung, nhận thức của thanh niên về lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mới chỉ dừng lại ở mức độ cảm tính, chưa tạo thành niềm tin vững chắc dựa trên cơ sở khoa học sâu sắc. Điều này được thể hiện rõ trong phần đánh giá về sự giác ngộ lý tưởng cách mạng đã được trình bày ở trên. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng (chính trị, đạo đức, thẩm mỹ, nghề nghiệp) cho thanh niên phụ thuộc nhiều vào việc đoàn kết, tập hợp, định hướng giáo dục thuyết phục thanh niên, là chỗ dựa về tinh thần của lớp trẻ, nhưng trên thực tế, vai trò này của Đoàn chưa được thể

hiện rõ. Ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị hoạt động của Đoàn thanh niên chưa được chú ý, sinh hoạt chưa thường xuyên, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tẻ nhạt, thiếu tính sáng tạo, thiếu sức lôi cuốn.

Tóm lại, việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong điều kiện hiện nay là vấn đề lớn và phức tạp. Quá trình mở rộng giao lưu quốc tế đang tạo ra những thay đổi trong quan niệm về các chuẩn mực đạo đức cũng như niềm tin, lý tưởng của thanh niên. Vì vậy, trong thời gian qua, mặc dù công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên nước ta đã được các chủ thể giáo dục quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhưng trên thực tế vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được khắc phục.

Chương 3

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên Việt Nam trong quá trình hội hập quốc tế (Trang 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)