Khái niệm hội nhập quốc tế

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên Việt Nam trong quá trình hội hập quốc tế (Trang 28)

Hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu khách quan, đã và đang tác động đến các quốc gia trên thế giới. Cũng như các quốc gia khác, nước ta không thể đứng ngoài xu thế tất yếu khách quan đó. Chính bối cảnh quốc tế, xu hướng phát triển của thế giới đặt ra sự cần thiết phải hội nhập. Mặt khác, sự hội nhập của nước ta còn được quy định, thúc đẩy bởi chính nhu cầu phát triển, hiện đại hóa nền kinh tế nước nhà.

Vậy hội nhập quốc tế là gì? Nói một cách tổng quát, có thể hiểu hội nhập quốc tế là một quá trình đi liền với toàn cầu hóa mà trọng tâm là tham gia sự phân công hợp tác quốc tế, tạo điều kiện kết hợp có hiệu quả nguồn lực trong nước với nguồn lực bên ngoài, mở rộng không gian và môi trường để phát triển, chiếm lĩnh vị trí hợp nhất có thể đạt được trong quan hệ quốc tế.

Hội nhập quốc tế diễn ra ở nhiều góc độ như kinh tế, văn hóa, khoa học

kỹ thuật, quân sự, chính trị,… trong đó quan trọng nhất và nhiều hơn cả là hội

nhập kinh tế quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau và nhiều phương thức khác nhau. Tùy theo tình hình mà sự tham gia hội nhập kinh tế quốc tế được thực thi theo các cấp độ: song phương, tam giác, tiểu khu vực, khu vực, liên châu lục và toàn cầu. Các cấp độ hội nhập này biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và cũng rất đa dạng về phương diện hội nhập.

Hội nhập quốc tế làm tăng thêm sự liên minh, liên kết, đồng thời làm tăng thêm sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, giữa các nền kinh tế. Có thể thấy rằng thế giới đang bước vào “cao trào hòa nhập” với tốc độ ngày càng nhanh chóng và lĩnh vực ngày càng phong phú, làm cho sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng sâu sắc. Các nền kinh tế có quan hệ chằng chịt, đan xen lẫn nhau, tạo ra một ấn tượng rằng nền kinh tế thế giới là một mạng lưới khổng lồ, rất đa dạng, không thuần nhất, trong đó nền kinh tế quốc gia là các điểm nút vừa bảo vệ tính tự chủ, vừa tác động lẫn nhau và chịu ảnh hưởng của cả mạng lưới.

Hội nhập quốc tế là quá trình phức tạp, đầy mâu thuẫn, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Lực lượng tham gia quá trình hội nhập quốc tế bao gồm rất nhiều dân tộc và nhà nước cũng như các nền kinh tế khác nhau, các nước phát triển, đang phát triển, chậm phát triển.

Hội nhập với kinh tế quốc tế, mỗi quốc gia, mỗi giai cấp hoặc Đảng cầm quyền đều theo đuổi những mục tiêu và lợi ích khác nhau, thậm chí đối

lập nhau. Các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế để tranh thủ những điều kiện thuận lợi của môi trường kinh tế quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức được sự cần thiết, tất yếu phải hội nhập quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra chủ trương hội nhập quốc tế từ rất sớm, ngay sau ngày lập quốc: “Nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” [34, tr.470]. Nhưng do chiến tranh liên tiếp xảy ra, tư tưởng của Hồ Chí Minh về mở cửa, hợp tác quốc tế chưa được triển khai một cách cụ thể.

Sau đó, từ giữa những năm 70 của thế kỷ XX, Việt Nam đã gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV), tích cực tham gia nhóm 77, Liên hợp quốc mà một trong những nội dung cơ bản là đấu tranh cho trật tự kinh tế thế giới công bằng. Cùng với việc mở rộng quan hệ kinh tế với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã ra sức thúc đẩy quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với một số nước tư bản chủ nghĩa.

Đại hội lần VI của Đảng (12/1986) với đường lối đổi mới và mở cửa, đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nhận thức và quan điểm về hội nhập quốc tế, với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba khóa VI đã ra quyết nghị: Sẵn sàng mở rộng quan hệ với tất cả các nước, các công ty nước ngoài trên cơ sở hai bên cùng có lợi và không có điều kiện chính trị ràng buộc, hạn chế đến mức thấp nhất cái giá phải trả.

Tiến trình hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và có bước đột phá lớn từ Đại hội VII của Đảng (1991). Đại hội đã thông qua cương lĩnh của Đảng và chiến lược ổn định phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (1991 - 2000), đồng thời đưa ra đường lối đối ngoại rộng mở với khẩu hiệu: “với chính sách đối ngoại rộng mở, chúng ta tuyên bố rằng, Việt nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” [9, tr.147].

Đại hội VIII và Đại hội IX của Đảng tiếp tục khẳng định đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế. Đến Đại hội X là sự đánh dấu thời kỳ hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các tổ chức kinh tế toàn cầu, khu vực, song phương. Đại hội đã khẳng định: Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo lộ trình phù hợp với chiến lược phát triển đất nước từ nay đến 2010 và tầm nhìn đến 2020. Chuẩn bị tốt các điều kiện để ký các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Thúc đẩy các quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước

ASEAN, các nước châu Á - Thái Bình Dương,… củng cố và phát triển các

quan hệ hợp tác song phương tin cậy với các đối tác chiến lược, khai thác có hiệu quả các cơ hội và giảm tối đa những thách thức, rủi ro khi nước ta là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Như vậy, đường lối đổi mới chính sách đối ngoại và hội nhập của Việt Nam được khởi xướng từ Đại hội VI (1986), qua các Đại hội VII, VIII, IX, X đã liên tục được bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng nước ta cũng như xu thế quốc tế. Điều đó cho thấy, Đảng ta sớm nhận thức được xu thế tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế và có chủ trương, bước đi phù hợp trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.

Thực tiễn hội nhập thời gian qua cho thấy, nhờ quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta đã kết hợp được nội lực và ngoại lực, hình thành sức mạnh tổng hợp, góp phần đạt nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Có thể khẳng định, Việt Nam, cũng như các nước khác trên thế giới, muốn phát triển đất nước theo kịp sự phát triển chung của toàn nhân loại thì không thể đứng ngoài xu thế hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhận thấy rằng, bản thân quá trình hội nhập quốc tế luôn mang tính hai mặt rõ rệt. Hội nhập quốc tế không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn, không chỉ có tác động tích cực mà còn có cả tác động tiêu cực đối với các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên Việt Nam trong quá trình hội hập quốc tế (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)