Thanh niên bao giờ cũng là lực lượng nòng cốt của mọi thời đại, giữ vai trò quan trọng trong hiện tại, có trách nhiệm xây dựng tương lai và làm chủ tương lai. Điều đó đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định, đồng thời cũng được thực tiễn lịch sử chứng minh qua các thời đại.
C. Mác đã từng viết: “những công nhân tiên tiến nhất hoàn toàn hiểu rõ rằng, tương lai của nhân loại hoàn toàn phụ thuộc vào thế hệ công nhân đang lớn lên” [29, tr.110]. Trong bối cảnh của xã hội đương thời, ông cho rằng thanh niên là cội nguồn sức sống của dân tộc, còn giai cấp công nhân là bộ xương của cơ thể mỗi dân tộc. Với niềm tin vô hạn vào tiềm năng của thế hệ trẻ, Ph. Ăngghen đã khẳng định rằng “thanh niên không thể đứng ngoài chính trị” và “thanh niên không bao giờ thỏa mãn với lý tưởng trước đây, họ muốn được tự do hơn trong hành động và vì sự đổi mới, họ sẵn sàng hiến dâng cả máu và cuộc đời mình. Thanh niên sẽ có đủ sức lực và tài năng để giải quyết những mâu thuẫn đang nảy sinh trong đời sống đất nước” [31, tr.42]. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong xây dựng Đảng của giai cấp
công nhân: “Họ là đạo quân xung kích của giai cấp vô sản quốc tế và đội hậu bị của Đảng” [29, tr.120]. Theo ông, thanh niên đóng vai trò là nguồn lực bổ sung cho Đảng, là lớp sau của Đảng, các Đảng Cộng sản có nhiệm vụ phải lãnh đạo việc phát triển, hình thành thế giới quan khoa học cho thanh niên, coi đó là công việc thiết thực để xây dựng Đảng.
Phát triển sáng tạo những quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen, VI. Lênin đã coi “thanh niên là nguồn sinh lực chiến đấu của cách mạng” [23, tr.67], “đó là một lực lượng xã hội hùng mạnh, có khả năng cách mạng to lớn và luôn hướng tới lý tưởng tiến bộ của thời đại” [25, tr.67]. Đánh giá cao tiềm năng sáng tạo của tuổi trẻ, V.I.Lênin không nghi ngờ về khả năng hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ cách mạng mà các thế hệ đi trước chưa kịp hoàn thành. Trong một bài báo công bố năm 1906, ông viết: “chúng ta là Đảng của tương lai mà tương lai lại thuộc về thanh niên. Chúng ta là Đảng của những người cách tân, mà thanh niên thì lại hào hứng đi theo những người cách tân. Chúng ta là Đảng của những sự chiến đấu quên mình với những gì cũ kỹ, lạc hậu, mục nát mà thanh niên bao giờ cũng đi tiên phong trong cuộc đấu tranh quên mình ấy” [24, tr.195].
Kế thừa những di sản tư tưởng quý báu của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển một cách sáng tạo các luận điểm macxit về vai trò, vị trí của thanh niên trong xã hội. Khi đánh giá về vị trí, vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, là người chủ tương lai của đất nước. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên” [35, tr.185]. Người khẳng định: thanh niên ta - “bộ phận quan trọng”, “năng động”, “tốt đẹp nhất”, “hy vọng nhất của dân tộc”. Thanh niên không chỉ là bộ phận quan trọng của dân tộc, là lực lượng xung kích của cách mạng, mà còn là cánh tay đắc lực của Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng, thanh niên luôn đi đầu trong việc thực hiện đường lối do Đảng đề ra
và là nguồn lực bổ sung cho đội ngũ của Đảng những người trẻ, khỏe. Với ý nghĩa đó, Người đã nói: “Tôi luôn luôn nói đến thanh niên, vì mọi công việc thanh niên ta luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng [37, tr.271]. Trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam, là động lực chủ yếu của cách mạng, Người coi thanh niên là “người tiếp sức cách mạng cho lớp thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dẫn dắt thế hệ thanh niên tương lai” [32, tr.18]. Từ đây, Hồ Chí Minh nêu ra luận điểm mang tính chân lý sâu sắc: “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết” [38, tr.14].
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên, Đảng ta luôn quan tâm đề ra đường lối, chủ trương vận động thanh niên và xây dựng Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trong thời gian qua, Đảng cộng sản Việt Nam cũng luôn xác định thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố con người và nguồn lực con người của Đảng. Nghị quyết lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII chỉ rõ: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn phụ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên. Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” [10, tr.82].
Trong chiến lược phát triển thanh niên đến năm 2010, Đảng ta cũng đưa ra quan điểm: Phát triển thanh niên là xây dựng thế hệ con người mới, phát triển toàn diện, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của Đảng và của dân tộc. Đầu tư cho phát triển thanh niên là đầu tư cho phát triển tương lai, là
bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người để thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Như vậy, từ các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam đều đánh giá rất cao vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, cũng như coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng thanh niên. Thanh niên Việt Nam với chí tiến thủ và hoài bão lớn, với lòng yêu nước nồng nàn, luôn đi đầu đáp ứng những đòi hỏi của đất nước. Đầu thế kỷ XX, trong đêm dài nô lệ, dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, chính thanh niên là người nhạy cảm nắm bắt xu thế của lịch sử, xu thế của thời đại. Những người trẻ tuổi Việt Nam đã tập hợp trong tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đi tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó đến nay thế hệ trẻ chúng ta lớp lớp tiếp bước nhau đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chỉ ra, trưởng thành trong chiến đấu, hy sinh để giành và bảo vệ độc lập dân tộc.
Đối với tình hình dân số và sự phát triển của đất nước ta hiện nay, thanh niên càng đóng vai trò to lớn hơn nữa. Thanh niên là lực lượng chủ lực của quá trình phát triển kinh tế, là những chủ nhân tương lai của đất nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta đã xác định đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Thực chất công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình chuyển nền sản xuất xã hội từ trình độ thấp lên trình độ tiên tiến, hiện đại. Thanh niên sẽ là lực lượng chính trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà Đảng đề ra. Theo quan điểm của Đảng ta, không chờ công nghiệp hoá, hiện đại hoá hoàn thành rồi mới chuyển sang nền kinh tế tri thức mà chúng ta tiến hành công nghiệp hoá trong điều kiện phát triển của nền kinh tế tri thức, vì thế phải gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức. Đó chính là lợi thế của các nước đi sau và việc phát huy lợi thế đó như thế nào một phần quan trọng phụ thuộc vào việc đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên. Do
vậy, đầu tư phát triển nguồn lực thanh niên, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên chính là đầu tư cho sự phát triển đất nước.
Theo kết quả điều tra lao động và việc làm toàn quốc tính đến ngày 01 tháng 7 năm 2006, dân số thanh niên ở nước ta là 23.758.218 người chiếm 28,15% dân số cả nước [15, tr.9]. Với lực lượng đông đảo và có trình độ ngày càng cao, thanh niên Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, có tiềm năng hùng hậu về nhiều mặt, là một trong những nhân tố quyết định, đảm bảo sự thắng lợi của công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Theo số liệu thống kê qua các năm, số lượng thanh niên mỗi năm đều tăng và chiếm một tỷ cao trong cơ cấu dân số cũng như cơ cấu lao động xã hội. Lứa tuổi thanh niên hôm nay sẽ là lực lượng lao động cơ bản trong 10 - 20 năm tới. Đó vừa là một lợi thế và cũng có thể là trở ngại lớn cho quá trình phát triển, nếu lực lượng thanh niên đông đảo đó không được đào tạo, bồi dưỡng và không được bố trí việc làm phù hợp. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững đi theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn phụ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên. Xác định được vai trò và vị trí của thanh niên là điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác thanh niên nói chung và sự nghiệp đào tạo thế hệ thanh niên - trong đó có giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên nói riêng.