0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (107 trang)

Hoạt động tạo hình nghiên cứu từ góc độ tâm lý học

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU NĂNG LỰC SÁNG TẠO CỦA SINH VIÊN MỸ THUẬT TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG (Trang 43 -43 )

Hoạt động tạo hình là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật, nhằm tạo ra giá trị vật chất và tinh thần mang ý nghĩa xã hội. ở đó, con người không chỉ lĩnh hội thế giới mà còn xây dựng thái độ nhất định đối với thế giới, đồng thời cải tạo nó theo quy luật của cái đẹp. Trong hoạt động tạo hình, con người phản ánh thế giới không phải bằng hệ thống khái niệm mà bằng các hình tượng nghệ thuật được thể hiện trên mặt phẳng hay không gian ba chiều qua đường nét, hình khối, đậm nhạt, màu sắc và bố cục.

Nghệ thuật tạo hình còn được gọi là nghệ thuật thị giác, bởi trong đó con người cảm thụ cái đẹp bằng mắt nhìn. Thông qua tri giác, con người cảm nhận được cái hay, cái đẹp từ cuộc sống và tưởng tượng sáng tạo, xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Như vậy, trong hoạt động tạo hình, tri giác là khâu quan trọng, là điều kiện cơ bản để hình thành biểu tượng và đó cũng chính là cơ sở để tưởng tượng sáng tạo. Tưởng tượng sáng tạo giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo ra cái mới, cái độc đáo, còn cảm xúc giữ vai trò liên kết và kích thích tưởng tượng sáng tạo.

Theo L.X. Vưgotxki, quá trình sáng tạo nghệ thuật thực chất là quá trình người nghệ sỹ tiếp nhận sự tác động của thế giới hiện thực một cách nhạy cảm và tinh tế nhất. Sự tiếp nhận này được hỗ trợ bởi sự quan sát và cảm

nhận tinh tế của người nghệ sỹ thông qua kênh tri giác. Có thể nói, đây chính là giai đoạn người nghệ sỹ chuẩn bị chất liệu cho quá trình sáng tạo. Đối với người nghệ sỹ tài năng, khi tiếp cận với thế giới hiện thực, họ luôn thể hiện sự tập trung chú ý cao độ để quan sát một cách chi tiết, tỉ mỷ và toàn diện tất cả những gì đang diễn ra xung quanh họ. Helvetius đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của quan sát khi ông cho rằng – Thiên tài không phải là cái gì khác mà là sự chú ý liên tục 6, 24. Gớt trong cuốn tự truyện của mình cũng đã viết:

tất cả những gì làm cho người nghệ sỹ có khả năng sáng tạo nghệ thuật là các “ấn tượng quý giá”, những ấn tượng này chỉ có thể có được dựa trên sự nhạy cảm, tinh tế khi quan sát và cảm thụ thế giới. Nói cách khác, yếu tố góp phần tạo nên sự thành bại của một tác phẩm chính là sự “nhập thân” của tác giả khi tri giác một đối tượng nào đó, đối tượng của thị giác lúc này không còn là khách thể mà đã trở thành chủ thể sáng tạo. Có như vậy, người nghệ sỹ mới chọn lọc được những chất liệu, những vốn sống cho sáng tác của mình.

Thị giác trong quá trình quan sát đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhờ sự sắc bén của thị giác mà người nghệ sỹ nắm bắt đựơc cái chỉnh thể, cái chi tiết của đối tượng về đường nét, màu sắc, độ chìm nổi, mức sáng tối, sự hài hoà, sự mất cân xứng... Tất cả các chi tiết đó sẽ được người nghệ sỹ phân biệt và ghi giữ lại với độ chính xác phi thường. Sự ghi giữ này diễn ra không đơn giản, bởi nó không chỉ đòi hỏi sự nhạy bén, tinh vi của các cơ quan cảm giác mà còn đòi hỏi ở người nghệ sỹ trình độ thị hiếu thẩm mỹ cao để chọn lọc tất cả những thông tin cần thiết, khi đủ những thông tin đã được chọn lọc kỹ càng, ở người nghệ sỹ sẽ diễn ra một sự phối hợp độc đáo giữa cái bên trong (cái cảm xúc) và bên ngoài (đối tượng của thị giác) để xây dựng nên hình tượng nghệ thuật.

Như vậy, tri giác trong sáng tạo nghệ thuật là một quá trình tâm lý tích cực nhằm phân tích các thuộc tính của đối tượng được miêu tả và tổng hợp

chúng thành hình ảnh thẩm mỹ trọn vẹn trên cơ sở xúc cảm thẩm mỹ. Nếu không có tri giác, các quá trình tưởng tượng, cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật sẽ không đạt hiệu quả cao như mong muốn, thậm chí có trường hợp các quá trình này không hề diễn ra, và khi đó người nghệ sỹ chỉ đạt được mức độ “trông” mà không “thấy.”

Nghệ thuật là sự sáng tạo, muốn sáng tạo thì người nghệ sỹ phải có óc tưởng tượng phong phú bởi bản thân hiện thực không đưa lại cho con người cái toàn vẹn, cái hoàn hảo trong các hình tượng nghệ thuật. Một hình tượng nghệ thuật muốn thể hiện sự tổng hợp và sự khái quát cao thì trong tư duy của người nghệ sỹ phải gắn liền với tưởng tượng và xúc cảm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tưởng tượng là cấu trúc hạt nhân cùng với xúc cảm tạo nên năng lực sáng tạo của người nghệ sỹ.

Theo Chu Quang Tiềm, tưởng tượng trong sáng tạo nghệ thuật là “căn cứ vào những ý tưởng có sẵn làm tài liệu, rồi cắt xén, gạt bỏ, chọn lọc, tổng hợp lại để thành một hình tượng mới” 7, 240. Như vậy, ông quan niệm “chỉ có tưởng tượng sáng tạo mới sản sinh ra nghệ thuật”, tưởng tượng không thể tách rời khỏi các biểu tượng, mà biểu tượng là do kinh nghiệm thu thập được.

Nhấn mạnh đặc điểm của quá trình tưởng tượng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, P.A.Ruđich viết: “Đó là quá trình có cao trào cảm xúc đặc biệt và nó mang lại cho hoạt động sáng tạo của con người một tính chất hứng khởi, tức là một trạng thái mà con người dường như thoát lý, thăng hoa khỏi xung quanh” 26, 207. Quan điểm này của Ruđich hoàn toàn thống nhất với quan điểm của các nhà Tâm lý học biện chứng, cho rằng không thể đem thứ tưởng tượng thông thường của tất cả mọi người để sáng tạo nghệ thuật mà phải là thứ tưởng tượng mang yếu tố cảm xúc.

Có thể thấy rằng, cái đích cuối cùng trong tưởng tượng sáng tạo của người nghệ sỹ là tạo ra các hình tượng nghệ thuật. Đó chính là hệ thống các

lớp cảm xúc tiêu biểu trong xã hội, là nơi lưu giữ các xúc cảm thẩm mỹ và cũng là nơi truyền đạt những thông điệp thẩm mỹ. Chính nhờ có tưởng tượng và thông qua tưởng tượng mà toàn bộ các hình tượng nghệ thuật tồn tại trong các tác phẩm đã đạt đến trình độ của sự tưởng tượng khái quát, tạo nên cái riêng, cái độc đáo của từng nhân cách sáng tạo và mang tính khác lạ so với thế giới hiện thực.

Ngoài tri giác và tưởng tượng thì cảm xúc cũng là một cấu tạo tâm lý xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống của người nghệ sỹ. Có thể nói rằng, khi tiếp nhận thế giới hiện thực, song song với quá trình nhận thức (tri giác) thì cảm xúc của người nghệ sỹ cũng được trải nghiệm. Chính vì có sự trải nghiệm này mà người nghệ sỹ luôn luôn có sự đam mê, có những khát vọng cháy bỏng tạo nên động lực bên trong, thôi thúc họ thể hiện vào trong tác phẩm của mình

Cảm xúc sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ là cảm xúc được hoà nhập với óc tưởng tượng sáng tạo, trong cảm xúc có tưởng tượng, trong tưởng tượng có cảm xúc. Chính vì vậy, cảm xúc trong hình tượng nghệ thuật bao giờ cũng vượt lên những xúc cảm của đời thường, sự mãnh liệt hay u uất của nó cũng được bộc lộ ở các cung bậc cảm xúc khác với cung bậc của người thường.

Như vậy, tri giác, tưởng tượng, cảm xúc luôn phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tổ chức các khâu cơ bản của quá trình sáng tạo.

Tiểu kết chương 1

Trên cơ sở tìm hiểu lịch sử nghiên cứu vấn đề sáng tạo trong Tâm lý học thế giới và Việt Nam, chương 1 đã làm rõ các quan niệm khác nhau về sáng tạo và lựa chọn xây dựng khái niệm năng lực sáng tạo và năng lực sáng tạo của sinh viên MT, theo đó:

Năng lực sáng tạo được hiểu là một thuộc tính nhân cách, là tổ hợp các phẩm chất tâm lý, mà nhờ đó, khi đứng trước hoàn cảnh có vấn đề, trên cơ sở kinh nghiệm sẵn có của mình và bằng tư duy độc lập, con người phối hợp, biến đổi, xây dựng nên những tình thế mới, tạo ra các ý tưởng giải quyết mới, độc đáo, hợp lý ở bình diện cá nhân hay xã hội.

Năng lực sáng tạo của sinh viên Mỹ thuật là một thuộc tính nhân cách, là tổ hợp các phẩm chất tâm lý, mà nhờ đó, khi đứng trước cái đẹp của cuộc sống, trên cơ sở kinh nghiệm sẵn có của mình và bằng tư duy, tưởng tượng, các em phối hợp, biến đổi, tạo nên những hình tượng nghệ thuật mới, độc đáo, ở bình diện cá nhân hay xã hội.

Đây là khái niệm có tính chất công cụ, làm cơ sở tiến hành nghiên cứu năng lực sáng tạo của sinh viên MT trường ĐHSPNTTW.

Đồng thời, chương này cũng làm rõ các vấn đề có liên quan: cơ chế tâm lý của sáng tạo, cơ sở não bộ của sự sáng tạo, đặc điểm của sự sáng tạo, các cấp độ của sáng tạo và hoạt động tạo hình dưới góc độ Tâm lý học.

Chương 2: Tổ chức nghiên cứu.

Đề tài thuộc loại đo lường, đánh giá ban đầu về năng lực sáng tạo của sinh viên MT trường ĐHSPNTTW bằng trắc nghiệm khách quan. Trong chương trước chúng tôi đã trình bày về vấn đề năng lực, sáng tạo và năng lực sáng tạo. Chính trên cơ sở lý luận ấy và với mục đích cũng như nhiệm vụ được xác định của nghiên cứu mà test sáng tạo hình vẽ (TSD-Z) của Klaus K.Urban và sáng tạo ngôn ngũ (VKT) của J.K.Schoppe đã được lựa chọn làm công cụ để đánh giá năng lực sáng tạo của nghiệm thể. Trong chương này chúng tôi sẽ trình bày về tổ chức nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu, mà cụ thể là trình bày về bộ công cụ đo đạc năng lực sáng tạo và cách thức tổ chức thực hiện bộ test trên để đánh giá năng lực sáng tạo và các mặt liên quan của sinh viên MT trường ĐHSPNTTW.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU NĂNG LỰC SÁNG TẠO CỦA SINH VIÊN MỸ THUẬT TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG (Trang 43 -43 )

×