Nhân vật đi vắng

Một phần của tài liệu Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 91)

Nếu như nhân vật huyễn hoặc và dị thường được khắc họa chủ yếu thông qua thủ pháp kỳ ảo hóa, thì nhân vật đi vắng lại được hiện lên bằng những thủ pháp như xóa trắng, mờ hóa nhân vật. Trong các câu chuyện của Nguyễn Bình Phương, những nhân vật dị thường, huyền ảo, đi vắng, biến mất là điều thường xuyên xuất hiện và không làm ai ngạc nhiên, băn khoăn. Cái phi lý, bất thường được chấp nhận như là điều bình thường, hiển nhiên.

Người đi vắng là tên một tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương được

chúng tôi mượn để định danh một loại hình nhân vật tiêu biểu, xuất hiện hầu hết trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương và có mặt đậm đặc trong tác phẩm này. Đây là kiểu nhân vật không chỉ biểu hiện rõ bút pháp hiện thực huyền ảo trong xây dựng nhân vật của Nguyễn Bình Phương mà quan trọng là qua đó phản ánh trạng tinh thần thời đại, cách nhìn, quan niệm của nhà văn về con người đương đại.

Nhân vật đi vắng là kiểu nhân vật thiếu hụt, vắng khuyết một phần nào đó, nhân vật không hoàn thiện, mơ hồ, khó xác định. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có thể thấy hai loại nhân vật đi vắng tiêu biểu: Loại nhân vật trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm nhưng đi vắng với bản thân do sự thiếu hụt trong trạng thái tinh thần hoặc nhân cách; loại thứ hai là loại nhân vật đi vắng với cốt truyện, chỉ xuất hiện trong lời kể hoặc ký ức của nhân vật khác, tham gia vào câu chuyện nhưng không trực tiếp có mặt.

3.1.3.1. Nhân vật đi vắng với bản thân

Nhân vật đi vắng với bản thân là kiểu nhân vật đi vắng về trạng thái tinh thần, cảm xúc hoặc thiếu hụt về mặt nhân cách khiến nhân vật tồn tại mà như xa cách, xa lạ với cuộc đời và với ngay chính bản thân mình. Kiểu nhân vật

này phổ biến trong các sáng tác của Nguyễn Bình Phương, nhất là trong những tiểu thuyết về sau này như Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ

thủy, Ngồi. Có thể thấy những ảnh hưởng của các nhà văn phi lý, hiện sinh tới

cách xây dựng kiểu nhân vật này của Nguyễn Bình Phương, đặc biệt là F.Kafka và A.Camus. Nguyễn Bình Phương dường như đã sử dụng cả một kiểu motif Người xa lạ vào xây dựng kiểu nhân vật đi vắng của mình.

Người đi vắng là một tiểu thuyết đầy ắp những nhân vật đi vắng, mặc dù

tất cả họ vẫn đang hiện diện giữa cuộc đời. Các nhân vật đi vắng đều có tên gọi, có gia đình và sống ở những địa điểm cụ thể nhưng luôn đem lại cho người đọc cảm nhận mơ hồ, xa xôi như không thực chính bởi những trạng thái đi vắng ở họ. Thắng – một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết – đã có vợ và hai người sống với nhau nhưng luôn có cảm giác xa lạ, bí ẩn với nhau, không hiểu gì về nhau. Hoàn luôn thấy chồng mình Bí ẩn đến khó chịu

[19,32] và luôn băn khoăn tự hỏi tại sao Thắng lại xa lạ thế [19,64]. Bản thân Thắng sống cạnh Hoàn mà hoàn toàn không hiểu gì về vợ. Ngay cả khi Hoàn bị tai nạn và rơi vào trạng thái nửa sống nửa chết Thắng vẫn không hiểu Cái gì khiến Hoàn hay phóng xe nhanh? Đã có lúc Thắng tưởng hiểu được Hoàn nhưng cuối cùng anh nhận ra rằng không phải thế, Hoàn là tảng đá khép kín

không có cửa [19,98]. Thắng có một công việc và hàng ngày vẫn đi làm đều

đều, nhưng nó chỉ như một thói quen mà Thắng thực hiện như một cỗ máy vô hồn. Toàn bộ tâm trí, cảm xúc của Thắng đi vắng khỏi anh khiến người ta cảm nhận về anh như là một con người của thế giới khác, vô cảm, lạnh lẽo với thực tại, xa lạ với người thân. Trạng thái cảm xúc của Thắng chỉ thường đột ngột bị đánh thức bởi tiếng gọi “Thắng ơi” mơ hồ, xa xăm của một người đồng đội đã hy sinh. Ký ức, hoài niệm chiến tranh không phải là đau đớn, dữ dội nhưng nó ám ảnh dai dẳng, day dứt và bao phủ lên cuộc sống của anh một khoảng trống mênh mông vô hình ngăn cách anh với hiện tại và với ngay cả những người thân yêu nhất của anh.

Không chỉ Thắng, trong tác phẩm dường như mọi người đều có cảm giác xa lạ với nhau và đi vắng dần, Càng về sau người càng hay đi vắng hơn

vắng đến tuyệt vọng. Hoàn chỉ thật sự sống ở phần đầu câu chuyện, còn lại toàn bộ phần đời phía sau, từ khi bị tai nạn, Hoàn sống trong trạng thái đi vắng về ý thức. Ngay khi còn sống bình thường, Hoàn đã thường xuyên rơi vào trạng thái đi vắng lạ lùng, khó hiểu. Nếu như Thắng đi vắng để trở về với hoài niệm, ký ức thì Hoàn đi vắng với thực tại bởi tiếng gọi của một tiền kiếp xa xôi nào đó. Khi bị tai nạn tình trạng của Hoàn càng trở nên trầm trọng hơn. Hoài không chỉ đi vắng về ý thức mà còn đi vắng ngay cả với vô thức của mình. Nằm trên giường bệnh, Hoàn bị kẹt vào giữa sự sống và cái chết, sống mà như chết, bởi phần sống chỉ là thể xác, còn ý thức, cảm xúc thì hoàn toàn tê liệt. Đôi mắt Hoàn vẫn mở to nhìn mọi người nhưng nhìn mà như không thấy, hoàn toàn vô hồn, trống rỗng, xa lạ.

Truyện còn nhiều nhân vật đi vắng khác. Ông Điều với thái độ im lặng, dửng dưng, với cái nhìn xa xôi, vô hồn gợi một trạng thái đi vắng tuyệt vọng giống như Hoàn. Kỷ, Cương, Sơn, Yến… mỗi người một dạng thức đi vắng đầy ám ảnh. Họ là những con người cô đơn đến tuyệt vọng. Họ rơi vào trạng thái hụt hẫng, trống rỗng, không thể tìm lại sự cân bằng cảm xúc, không tìm được đường trở về với cuộc sống bình thường. Nguyễn Bình Phương đã xây dựng một thế giới đầy ắp nhân vật, thậm chí chồng tầng tầng lớp lớp các nhân vật đa kiếp trên cùng một mảnh đất, nhưng thay vì đem lại cảm giác về một thế giới đông đúc, bề bộn con người, tác phẩm lại gợi lên một thế giới trống vắng, đi vắng dần, lạnh lẽo và rời rạc.

Cùng một dạng thức nhân vật đi vắng về trạng thái cảm xúc hoặc tinh thần còn có các nhân vật khác như nhân vật em trong Trí nhớ suy tàn hay Khẩn trong Ngồi. Hai tiểu thuyết này có sự tương đồng trong thủ pháp nghệ thuật mờ hóa, tẩy trắng nhân vật từ tên gọi của nó. Trong Trí nhớ suy tàn, Nguyễn Bình Phương xây dựng một nhân vật chính không tên, được xác định qua đại từ nhân xưng chung chung là em. Sự đi vắng của các nhân vật bắt đầu từ những cái tên. Nhân vật trong truyện xuất hiện qua lời kể của em, không phải bằng tên riêng mà được gọi bằng những cụm từ định danh mang ý nghĩa biểu hiện những đặc tính nổi bật của nhân vật như “con bướm”, “chủ hiệu cầm đồ”, “hai bảy vết thương”, “thằng trí thức”… Còn trong tiểu thuyết Ngồi, mặc dù nhân vật chính

có tên riêng là Khẩn, nhưng việc nhà văn sử dụng hình thức in ấn để khắc họa sự xuất hiện của nhân vật từ một cái tên, bắt đầu bằng một dấu “…” rồi dần dần hiện lên từng chữ cái một, cuối cùng nhân vật bị xóa trắng cũng với cái tên, bị biến mất từng chữ cái cho đến khi chỉ còn lại dấu “…”, khiến cho nhân vật như rơi thẳng xuống từ khoảng hư không của hàng nghìn năm lịch sử, hóa thân vào một con người nào đó bất kỳ trong cõi sống chúng ta. Và rồi kết cục nó sẽ lại

tan biến đi vào khoảng hư không ấy [113].

Xóa trắng nhân vật bắt đầu từ tên gọi hay xây dựng nhân vật mang tính ký hiệu, biểu tượng là một phương thức xây dựng kiểu nhân vật “phản nhân vật” mà Nguyễn Bình Phương cũng như nhiều nhà văn Việt Nam ảnh hưởng từ nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Phương thức này khiến cho nhân vật như là sản phẩm thuần túy hư cấu, xuất hiện trong tác phẩm mà như đi vắng, không phải là ai cụ thể mà cũng có thể là bất cứ ai.

Trong Trí nhớ suy tàn, nhà văn cố tình khắc họa trạng thái đi vắng hoàn toàn của nhân vật bằng ngôn ngữ kể chuyện “vô âm sắc”, tẩy trắng những định ngữ và trạng ngữ khiến nhân vật dường như phi tâm lý, phi tính cách, đi vắng mọi trạng thái cảm xúc, tinh thần, sống giữa hiện tại mà dường như đi vắng khỏi hiện tại. Nhân vật chính không chỉ không có tên mà còn bị xóa đi nhiều thông tin bởi được khắc họa qua dòng ký ức của một trí nhớ đang dần suy tàn. Những gì người đọc biết về nhân vật chỉ là vài nét phác họa sơ lược như: đó là một cô gái sắp tròn 26 tuổi, có một công việc, có vài mối quan hệ xã hội rời rạc với đồng nghiệp, bạn bè, một vài cuộc gặp gỡ với người bạn trai tên Vũ và những mẩu vụn ký ức không màu sắc với người yêu tên Tuấn. Không chỉ thiếu hụt về tính cách, thiếu vắng đời sống cảm xúc, tinh thần mà ngay cả ký ức, trí nhớ của em cũng đang dần đi vắng khỏi chính mình và kết thúc câu chuyện, nhân vật quyết định đi vắng khỏi cuộc đời bằng một hành trình vô hạn định.

Khẩn trong Ngồi là một nhân vật được xây dựng hiện thực nhất với các mối quan hệ đời thường, với cuộc sống sinh hoạt rất đời thường giữa một thế giới những con người bình thường. Thế nhưng Khẩn lại là nhân vật đi vắng nhiều nhất: đi vắng khỏi hiện tại để tìm về quá khứ, trốn vào những giấc mơ, đi vắng khỏi những xô bồ thế tục để lắng hồn mình trong những ký ức trong sáng

dịu dàng về Kim. Thực ra toàn bộ cuộc đời Khẩn đang sống là một cuộc đi vắng. Khẩn dường như chỉ tạm trú ở cõi đời này, sống trong cuộc sống mà không hoàn toàn nhập cuộc, thường xuyên tách mình ra đứng bên ngoài cuộc sống, đi vắng khỏi cuộc đời và khỏi chính bản thể. Nhân vật đi trọn một quãng nhân sinh để tìm kiếm ý nghĩa đời sống, ý nghĩa sự tồn tại của chính mình.

Nhưng phải đến Thoạt kỳ thủy ta mới bắt gặp một dạng thức đi vắng điển hình nhất. Nếu như các nhân vật Thắng, Hoàn, Khẩn hay nhân vật em, dù đi vắng nhưng vẫn có những liên hệ nhất định với cuộc đời thì Tính trong Thoạt

kỳ thủy, mặc dù sống giữa cuộc đời nhưng hoàn toàn mất liên lạc với đồng

loại. Tính không chỉ đi vắng về tinh thần, cảm xúc mà còn đi vắng về ý thức, thiếu hụt về nhân tính. Tính sống hoàn toàn bản năng và vô thức. Nhưng ngay cả phần bản năng của Tính cũng bị khiếm khuyết, thiếu hụt, bởi Tính thiếu vắng bản năng đàn ông, bản năng tính dục. Nguyễn Bình Phương đã xây dựng một nhân vật đi vắng trọn vẹn, bởi vì thiếu nhân tính, thiếu tính dục nên Tính vĩnh viễn đi vắng khả năng làm người. Tính không có khả năng duy trì nòi giống mà chỉ có khả năng hủy diệt sự sống. Tính thích giết chóc, thích máu, thích chơi với người điên. Nhưng ngay cả ở trong cái cộng đồng bị biệt lập, đi vắng khỏi xã hội bình thường là thế giới người điên kia, Tính cũng không thể hòa nhập. Tính không có cảm xúc con người bình thường, cũng không có cảm xúc của người điên. Tính chỉ thấy vui với những cảnh giết chóc, bắt đầu từ giết những con vật, sau đó là giết chính đồng loại mình, cả người bình thường lẫn người điên. Vì thế, Tính không phải thuộc cộng đồng này, cũng không thuộc về cộng đồng kia bởi lẽ người điên dù sao vẫn là người, còn ở Tính, phần người hoàn toàn bị xóa bỏ, bị đi vắng khỏi nhân vật khiến nhân vật cô đơn, xa lạ và không thể nào nhập cuộc.

3.1.3.2. Nhân vật đi vắng với cốt truyện

Loại nhân vật đi vắng với cốt truyện chiếm số lượng ít hơn so với loại nhân vật đi vắng thứ nhất và thường xuất hiện trong tác phẩm thông qua lời kể hoặc ký ức của nhân vật khác, tham gia vào cốt truyện nhưng không trực tiếp có mặt. Kiểu nhân vật đi vắng, mất tích xuất hiện trong một số tiểu thuyết đương đại, điển hình là Thuận với Chinatown T mất tích. Trong tiểu thuyết

của Nguyễn Bình Phương, nhằm biểu đạt nỗi cô đơn, sự xa lạ hay thái độ không nhập cuộc của con người, nhà văn thường sử dụng motif “biến mất”. Các tiểu thuyết của Phương thường xuất hiện các hiện tượng mất tên, mất tiếng, mất tích… và nhiều nhất là hiện tượng những nhân vật có mặt trong lời kể nhưng hoàn toàn đi vắng với cốt truyện. Kiểu nhân vật này phủ lên tác phẩm một không khí huyền ảo, mơ hồ và đầy bí ẩn.

Đó là nhân vật tôi trong Vào cõi – một nhân vật xuất hiện trong 5/27 phần của truyện (ở các phần 1,8,18,23 và 25) nhưng hoàn toàn biệt lập với cốt truyện. Nhân vật tồn tại trong một không gian tách biệt với không gian truyện và được định vị bằng một cụm từ chỉ địa giới mơ hồ là Trong lòng hang. Thế giới trong hang gắn với những hoài niệm trong trẻo, dịu ngọt về nhân vật em. Nhưng nhân vật tôi là ai, em là ai và hai nhân vật này có mối liên hệ gì với những con người ở thế giới bên ngoài hang thì không ai biết. Nhân vật tôi đi vắng với cốt truyện, còn nhân vật em thì đã đi vắng khỏi cuộc đời nhân vật tôi. Đến phần thứ 25 của truyện thì cả hai nhân vật hoàn toàn biến mất khỏi cốt truyện. Người đọc khó có thể xác định được sự liên hệ giữa hai nhân vật này với các nhân vật khác của truyện và ý nghĩa của mạch truyện song song với mạch chính là gì cũng rất khó suy đoán. Nhân vật tôi và câu chuyện về nhân vật dường như đã đi vắng khỏi cốt truyện. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Những hoài niệm của nhân vật tôi về em gắn với không gian Trong lòng hang ở tiểu thuyết Vào cõi phần nào giống với những hồi ức của Khẩn về Kim trong thế giới giấc mơ ở tiểu thuyết Ngồi. Chỉ có điều Khẩn là một nhân vật xác định và thuộc về một thế giới xác thực. Nhân vật Kim trong tác phẩm cũng là một dạng nhân vật đi vắng với cốt truyện và chỉ xuất hiện trong ký ức, trong những giấc mơ của Khẩn. Những kỷ niệm về Kim đầy ắp trong Khẩn, hiện hữu rõ ràng với những hình ảnh, chi tiết, địa điểm, con người cụ thể mà cả hai người cùng gặp gỡ và trải qua trong quá khứ. Kim là những ký ức đẹp đẽ trong sáng của Khẩn, rất hiện thực với Khẩn, nhưng hoàn toàn bí ẩn, mơ hồ với người đọc. Cho đến cuối tác phẩm, người đọc vẫn không chắc chắn về sự tồn tại của nhân vật bởi không có gì minh chứng cho tính xác thực của nhân vật. Kim có thật hay chỉ là ảo ảnh, là giấc mơ đẹp đẽ của Khẩn? Kim thuộc về thế giới khác, hoàn toàn đối lập với thực tại xô bồ, hỗn loạn – thế

giới của sự sống với ý nghĩa đích thực mà Khẩn mơ ước và tìm kiếm. Kim là ý nghĩa đời sống của Khẩn, nhưng mãi mãi là một câu hỏi bí ẩn, là sự đi vắng hoàn toàn với người đọc và cốt truyện.

Ngồi còn đầy ắp những nhân vật mất tích, biến mất và cuộc truy tìm của những người thân về họ. Đó là Nhung và cuộc tìm kiếm không nguôi người bố mất tích trong chiến tranh. Là Minh với sự biến mất kỳ lạ trong chiếc áo được may từ mảnh vải có xuất xứ bí ẩn. Đó còn là Thúy với việc dò tìm vô vọng về người chồng tên Quân đột ngột mất tích cùng với 500 triệu. Những nhân vật này hoàn toàn đi vắng với cốt truyện, họ biến mất trước khi xuất hiện và không để lại cho người đọc câu trả lời nào về số phận của họ.

Ngoài ra, kiểu nhân vật đi vắng này còn xuất hiện rải rác trong các tiểu

Một phần của tài liệu Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 91)